30/11/2024 lúc 14:35 (GMT+7)
Breaking News

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng luật tương trợ tư pháp về hình sự của nước ngoài

Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC) vừa phối hợp cùng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng luật tương trợ tư pháp về hình sự của nước ngoài”.

Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC) vừa phối hợp cùng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng luật tương trợ tư pháp về hình sự của nước ngoài”.

Theo ông Jinsuk Park, Cố vấn cao cấp của UNODC về Truy tố và Tư pháp, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa và công nghệ ngày càng phát triển, các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ngày càng gia tăng, đặc biệt là tội phạm mạng. Các cơ quan hành pháp và tư pháp quốc gia đứng trước yêu cầu cấp thiết phải tăng cường hợp tác hiệu quả xuyên biên giới.

Đoàn Chủ tịch Hội thảo

Tầm quan trọng của việc tăng cường tương trợ tư pháp cũng đã được các nước trong khu vực ASEAN ngày càng chú trọng trong những năm qua, với việc tất cả các thành viên ASEAN đã ký và phê chuẩn Hiệp định Tương trợ Tư pháp về Hình sự.

Với tư cách là cơ quan đầu mối của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, UNODC được giao nhiệm vụ cung cấp hỗ trợ hiệu quả hơn nữa trong các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài; xây dựng công cụ, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế xử lý giải quyết thách thức trước các băng nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Bà Kiều Phương Liên, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự (Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) cho biết, qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, công tác tương trợ tư pháp về hình sự đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tiếp nhận, giải quyết hơn 800 yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước gửi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị thực hiện (yêu cầu tương trợ tư pháp đi) và hơn 700 yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị Việt Nam thực hiện (yêu cầu tương trợ tư pháp đến).

Kết quả công tác tương trợ tư pháp về hình sự đã góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài; nâng cao hiệu quả hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam bị bắt, điều tra, truy tố, xét xử ở nước ngoài.

Tuy nhiên, quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự trong nước phát sinh ngày càng nhiều yêu cầu hợp tác với nước ngoài trong việc thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự. Quá trình tương trợ tư pháp hình sự thường mất nhiều thời gian trong khi việc giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự phải tuân thủ thời hạn luật định. Việc chậm có kết quả tương trợ, kết quả tương trợ chưa đáp ứng yêu cầu hoặc thậm chí không có kết quả tương trợ đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự.

Hơn nữa, Luật Tương trợ tư pháp điều chỉnh cả 4 lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Những lĩnh vực này mang tính chuyên ngành cao, có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện rất khác nhau nhưng lại quy định trong vùng một văn bản luật là chưa hợp lý.

Trong khi đó, thời điểm hiện nay, tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia ngày càng gia tăng, tạo nên xu hướng rõ nét và thường xuyên đòi hỏi hợp tác quốc tế tư pháp hình sự. Chỉ riêng lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, nếu trong năm 2008, Việt Nam chỉ gửi một yêu cầu cho nước ngoài thì năm 2020 đã gửi hơn 400 yêu cầu đề nghị nước ngoài hỗ trợ thực hiện.

Ngoài ra, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh chiến lược cải cách tư pháp và tăng cường hội nhập quốc tế nói chung cũng như trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói riêng. Đây là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cho việc xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

Hội thảo là diễn đàn để các cơ quan kiểm sát, thực thi pháp luật và các bên liên quan trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm xây dựng tại các quốc gia cũng như đề xuất hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp hình sự tại Việt Nam.

Kinh nghiệm cho thấy nhiều quốc gia có Luật Tương trợ tư pháp về hình sự chuyên biệt, không đồng thời điều chỉnh các hoạt động dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù và tương trợ tư pháp về dân sự. Liên Hợp Quốc cũng ban hành mẫu Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, mẫu luật về dẫn độ và mẫu luật về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù để khuyến nghị các quốc gia trên thế giới tham khảo ban hành các đạo luật riêng biệt.