VNHN - Những ngày qua, cộng đồng mạng xã hội liên tục chia sẻ nhiều hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người khó khăn, bị ảnh hưởng sâu từ công tác phòng ngừa COVID-19. Theo đó, không ít vụ việc sai lệch từ cách làm, đến cách đánh giá, đã được dư luận bình luận rõ ràng, góp phần làm minh bạch hơn những tinh thần thiện nguyện.
Không ít đội ngũ từ thiện khẳng định, tinh thần chính của họ là giúp đỡ các đối tượng bị ảnh hưởng từ diễn biến dịch bệnh, không phân biệt giàu nghèo, và nhất là phải bảo đảm tuân thủ những yêu cầu từ cơ quan chức năng, tuân thủ các lệnh cấm vì an toàn y tế cộng đồng.
Những điểm phát quà từ thiện với tinh thần tự giác được chia sẻ trong đại dịch.
Nếu khó khăn, hãy nhận một phần…
Một hành động đẹp được cộng đồng hết sức chia sẻ, là hình ảnh những gói quà thiện nguyện được các cá nhân, tổ chức trao tặng đến những đối tượng bị khó khăn theo cách “tự nguyện”.
Mô hình này phổ biến chính ở TP.HCM, bằng cách các gói quà được đặt ở địa điểm nhất định với tấm bảng: “Nếu khó khăn, hãy lấy một phần. Nếu bạn ổn, hãy nhường cho người khác”. Theo đó, các nhóm từ thiện không tập trung đông người, không tiếp xúc trực tiếp. Những người nhận quà cũng không phải gặp ai, chỉ đơn giản đến tự động lấy đi.
Anh T.L, giám đốc một đơn vị công nghệ ở Phú Nhuận nhìn nhận: “Cách phát quà này thể hiện đúng tinh thần thiện nguyện, cho đi không tính toán. Người cho không có cảm giác ban ơn, người nhận không có mặc cảm xin xỏ. Tất cả đều là tấm lòng vô tư minh bạch”. Theo anh, cách làm này nhắc gợi rất cao thái độ tự giác của mọi người. Qua đó, tự nhiên phát hiện ra rất nhiều người nghèo khó, lại nhường phần quà cho người khác khó khăn hơn, một hành động chia sẻ rất nhân văn.
Tại Hà Nội, Đà Nẵng…, cách phát quà cũng tương tự, những nhóm từ thiện tập trung quà vào một địa điểm cụ thể, thực hiện giãn cách theo quy định, và trao quà cho bất cứ ai cần, không xét đối tượng. Anh Nguyễn Phan Huy Khôi, CEO công ty Bảo Ninh (Hà Nội) cho biết, gia đình anh cùng bạn bè và một số phường ở Hà Nội tổ chức chương trình “Chia sẻ thực phẩm hàng ngày, cùng nhau vượt qua COVID-19”, phát thức ăn, nhu yếu phẩm cho những hoàn cảnh khó khăn tình huống, nhóm yếu thế, người nghèo đô thị. “Lâu nay, làm từ thiện thường nghĩ đến người nghèo khó, bất hạnh, nhưng ở đại dịch này, rất nhiều gia đình người lao động, kể cả trung lưu, cũng bị ảnh hưởng khó khăn. Do đó, chúng tôi chia sẻ hết với tất cả mọi người, chỉ mong cùng nhau vượt chặng gian nan này”. Anh Khôi nhấn mạnh như vậy.
Một điểm phát quà từ thiện tránh tập trung và thực hiện giãn cách theo quy định tại Hà Nội.
Cộng đồng cần công tâm!
Điều khiến nhiều tổ chức thiện nguyện phật lòng, là một số phản ảnh từ dư luận lại khá cực đoan khi đánh giá, dọ xét, phân biệt nhóm đối tượng.
Một số trang mạng đã có những bài viết đả kích một số trường hợp người “có vẻ giàu” như đi xe tay ga, mặc đồ đẹp… đến nhận quà từ thiện trong những ngày qua. Song theo cộng đồng mạng, không nên có thái độ bài xích cực đoan như vậy. Bởi lẽ bối cảnh hiện nay, những người bị ảnh hưởng từ đại dịch rất đa dạng, nhiều trường hợp bế tắc thu nhập, ở giữa đô thị không tìm ra giải pháp cho gia đình, buộc phải nhận những suất ăn từ thiện. Nhiều người cho rằng, hành động đó không hề xấu và cần được tôn trọng. “Dù họ đi xe tay ga, mặc comple, nhưng biết đâu gia đình họ lúc này quá ngặt, phải nhận những suất quà mà lẽ ra chính họ là người cho. Bi kịch ấy cần được thông cảm chứ không nên nói họ tham lam, ích kỷ”. Chị Huỳnh T.T, một công chức ở quận 7 TP.HCM chia sẻ như vậy trên mạng xã hội.
Ngược với những hành động này, thời gian qua cũng xuất hiện một số đối tượng mang danh từ thiện để tổ chức hoạt động rình rang, kêu gọi tụ tập đông người đến nhận quà, với tính toán nhất định.
Anh Nguyễn Phan Huy Khôi đã chia sẻ trên trang mạng xã hội của mình, về câu chuyện một nhóm cá nhân lợi dụng chương trình của anh để gây uy tín với cộng đồng. Nhóm người này, chủ yếu là các nick ảo từ mạng xã hội, đã sử dụng hình ảnh hoạt động từ thiện ở chương trình anh, đăng tải quảng bá khắp nơi, kêu gọi đóng góp tài trợ. “Tôi phải lập tức đính chính để dư luận không hiểu lầm chương trình, tránh bị các Mạnh Thường Quân hiểu sai. Tôi xin nhấn mạnh, chúng tôi làm từ thiện, chia sẻ với tất cả mọi người khó khăn và không hề trục lợi uy tín trên mạng xã hội”. Anh Khôi nói.
Tại Đà Nẵng, những ngày qua cũng có câu chuyện một nhóm tổ chức phát cơm miễn phí, nhưng “bị chính quyền cản”. Thông tin này lan tỏa, đã khiến nhiều người giận dữ lên án. Song qua tìm hiểu, sự vụ thực chất là nhóm từ thiện không thông tin đến chính quyền địa phương, tự ý tổ chức tập trung đông người, không có phương án giãn cách theo quy định, nên chính quyền buộc phải mời gặp để hợp tác xử lý hoạt động. Theo địa phương, không hề có sự cấm cản nào ở đây, chính quyền chỉ đơn giản làm đúng trách nhiệm quản lý và muốn hỗ trợ tổ chức làm từ thiện. Song do nhóm tổ chức đã đưa thông tin sai lệch lên mạng xã hội, gây ra hiểu lầm đáng tiếc. “Chúng tôi cho rằng, những cách làm không đúng nguyên tắc và quy định như vậy, cần được dư luận phê bình, chỉ rõ để minh bạch thông tin”. Đại diện chính quyền cơ sở nhìn nhận như vậy.