Được biết, Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có tổng mức đầu tư 5.886 tỉ đồng, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 24.6.2022. Trong đó, Dự án thành phần 1 thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp có chiều dài khoảng 16km, do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan quản lý, có tổng vốn đầu tư 3.640 tỉ đồng; dự án thành phần 2 do UBND tỉnh Tiền Giang phụ trách có tổng vốn đầu tư 2.246 tỉ đồng.
Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được đầu tư từ nguồn phục hồi phát triển kinh tế xã hội, vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và sau năm 2025. Sau khi hoàn thành, dự án tạo thuận lợi cho việc lưu thông và phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.
Không chỉ vậy, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu từ lâu được xem là công trình có tầm quan trọng đặc biệt nhằm kết nối mạng lưới cao tốc vùng ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa đến các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, tạo động lực phát triển vùng ĐBSCL nói chung, Đồng Tháp nói riêng.
Từ những ngày đầu, ban lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện tốt các quy hoạch định hướng phát triển các cụm liên kết ngành, chuỗi kết nối và đưa vào quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tiếp giáp theo tuyến. Đồng thời, kết nối các khu, cụm công nghiệp và vùng sản xuất hiện nay để chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Tại buổi lễ khởi công, PV của báo đã có cuộc trò chuyện cùng người dân của tỉnh Đồng Tháp. Cụ thể, người dân rất phấn khởi khi từ lâu tuyến quốc lộ này đã quá tải lại xuống cấp trầm trọng, khiến người dân đi qua nơi đây không khỏi ái ngại về nạn kẹt xe, đặc biệt là trong dịp Lễ, Tết. Và việc dự án được hoàn thiện sẽ còn góp phần nâng cao chất lượng KT-XH cho tỉnh nhà nói riêng.
Không những vậy, như anh Nguyễn Văn Vũ (xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) nhấn mạnh “Một trong những mơ ước của chúng tôi đã thành hiện thực khi đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 được khởi công”. Theo đó, anh Vũ cũng như các hộ dân nơi đây sẵn sàng tự nguyện, cũng như vận động bà con nông dân thực hiện công tác di dời, GPMB.
Tuần trước, cao tốc trục ngang đầu tiên ở miền Tây là Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dài hơn 188km, đi qua 4 tỉnh thành An Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ và Hậu Giang, tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng, đã khởi công./.