06/11/2024 lúc 10:31 (GMT+7)
Breaking News

Cao Bằng: Phong trào nông dân thi đua sản xuất góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh tham gia, tạo việc làm cho lao động nông thôn, giúp nhiều hộ tăng thu nhập, làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh tham gia, tạo việc làm cho lao động nông thôn, giúp nhiều hộ tăng thu nhập, làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững.

Mô hình cây ăn quả của hội viên Nguyễn Hồng Minh, tổ 5 phường Hợp Giang (Thành phố).

Hội Nông dân (HND) tỉnh có 91.724 hội viên, sinh hoạt tại 161 cơ sở hội và 1.453 chi hội. Để phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững có sức lan tỏa và tạo hiệu quả, HND tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ, hội viên; có chính sách ưu đãi cho nông dân vay vốn phát triển trồng trọt, chăn nuôi như: cung ứng giống, phân bón, vật tư chậm trả, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Năm 2020, Hội phối hợp tổ chức 267 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 8.348 lượt người; ủy thác với các ngân hàng cho vay trên 230 tỷ đồng; cung ứng 601,4 tấn phân bón các loại trị giá 3,8 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2021, HND tỉnh ủy thác với các ngân hàng cho vay trên 75 tỷ đồng; cung ứng 135 tấn phân bón các loại cho hội viên.

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi của anh Bế Văn Lượng, nông dân xóm Bản Niếng, xã Quang Hán (Trùng Khánh). Anh Lượng chia sẻ: Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, tôi tập trung đầu tư, phát triển cây quýt, cam là giống cây ăn quả đặc sản bản địa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, trên 200 gốc cam, quýt đều cho thu hoạch. Ngoài ra, tôi nuôi thêm trâu, bò vỗ béo 5 - 7 con/lứa, xuất chuồng 3 - 4 lứa/năm, tổng thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm.

Bà Nguyễn Hồng Minh, tổ 5, phường Hợp Giang (Thành phố) phát triển mô hình trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, chia sẻ: Với 7,3 ha đất vườn, đồi, tôi mạnh dạn đầu tư phát triển cây hạt dẻ, bưởi, trám đen, mận, thu nhập từ 300 - 350 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tôi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho 40 lao động, giúp 15 - 20 lao động có việc làm theo mùa vụ, giúp 8 hộ nghèo, hộ khó khăn thiếu kiến thức khoa học phát triển sản xuất.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch HND Thành phố, phong trào nông dân SXKDG trên địa bàn Thành phố ngày càng phát triển, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Năm 2020, toàn Thành phố có 5.366 hộ đạt danh hiệu SXKDG các cấp.

Phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống hội viên, nông dân được nâng lên, nhiều hộ vươn lên khá, giàu và hằng năm có nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Năm 2020, toàn tỉnh có 12.002 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp, trong đó, 40 hộ đạt danh hiệu SXKDG cấp Trung ương, 232 hộ đạt SXKDG cấp tỉnh, 858 hộ đạt  SXKDG cấp huyện, còn lại là cấp cơ sở. Năm 2021, có 12.286 hộ đăng ký SXKDG các cấp.

Phó Chủ tịch HND tỉnh Triệu Lưu Cương cho biết: Để phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ngày càng lan tỏa, đi vào chiều sâu, thời gian tới, Hội tiếp tục xây dựng các chương trình, dự án thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ hội viên, nông dân và nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế điển hình, phù hợp với mỗi địa phương; liên kết các doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm đối với các sản phẩm đặc hữu, sạch, an toàn; xây dựng nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh để quảng bá, giới thiệu rộng rãi nông sản của địa phương, tạo điểm giao thương, xúc tiến thương mại, thúc đẩy kênh tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, trở thành địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh.