09/01/2025 lúc 22:02 (GMT+7)
Breaking News

Cần ưu tiên nguồn lực cho các ngành sản xuất có tính lan tỏa cao

Đây là một trong những khuyến nghị đáng chú ý được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo Khoa học Quốc gia “Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022: Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, đồng thời công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021 do Ban Kinh tế Trung ương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp tổ chức ngày 25/4.
Ảnh minh họa

Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021 do các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện nhận định: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 suy giảm mạnh, ở mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ gần đây. Nguyên nhân chủ yếu đến từ cú sốc suy thoái trong Quý III/2021 với sự lan rộng của biến chủng Delta.

Bên cạnh đó, các chính sách phản ứng còn thiếu nhất quán giữa các địa phương; nhiều khu vực kinh tế trọng điểm bị ảnh hưởng do giãn cách xã hội và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Tỷ lệ tổng đầu tư xã hội/GDP đạt 34,43%, gần như không đổi so với mức của các năm gần đây. Động lực tăng trưởng chính trong nền kinh tế là vốn đầu tư và tín dụng vẫn được duy trì nhưng hiệu quả suy giảm.

Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo và kinh tế số - những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc. Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia, dẫn đầu các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tập trung thảo luận làm rõ bối cảnh quốc tế và những tác động của thế giới đến kinh tế Việt Nam năm 2021; qua đó đánh giá diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2021 thông qua các khu vực chính của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực kinh tế đối ngoại, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách).

Đồng thời, các chuyên gia cũng đánh giá thực trạng ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính thông qua nhận diện và đo lường các bất ổn tại các khu vực chính của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực kinh tế đối ngoại, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách) và tương tác giữa các khu vực; từ đó cảnh báo rủi ro bất ổn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Theo ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào, thời gian qua Việt Nam đã duy trì thành công về tài khóa, đối ngoại và ổn định tài chính. Các chính sách kinh tế vĩ mô đã giúp hỗ trợ ứng phó với tác động của dịch COVID-19; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai kịp thời để tạo động lực phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng bị tác động bởi một số yếu tố, trong đó tác động của cuộc xung đột ở Ukraine đối với Việt Nam thể hiện qua việc các liên kết thương mại và tài chính trực tiếp bị hạn chế. Tác động tức thời và nổi bật nhất là làm gia tăng giá cả hàng hóa; tiếp đó là những tác động liên quan đến nhu cầu của thị trường xuất khẩu, hoạt động của chuỗi cung ứng... Về tổng thể, các tác động có thể kéo giảm 0,5% tăng trưởng GDP và đẩy lạm phát tăng thêm 0,8% so với những dự báo trước đó.

hoi thao KTVN

Trên cơ sở những đánh giá, phân tích tình hình phát triển kinh tế năm 2021, các chuyên gia đã đưa ra một số dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022; từ đó đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong năm 2022, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững những năm tiếp theo.

Ông Francois Painchaud cho rằng, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh mới cùng việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế Việt Nam dự báo tiếp tục phục hồi mạnh mẽ; tăng trưởng GDP năm nay dự kiến là 6% và đạt 7,2 vào năm 2023. Lạm phát dự kiến sẽ tăng trong ngắn hạn và trong giai đoạn 2022-23, lạm phát dự kiến sẽ thấp hơn một chút so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là 4%.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, có một số rủi ro đáng kể đối với triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới như: đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp; căng thẳng địa chính trị trên thế giới và tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc. Những rủi ro khác là sự thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu; sự phát triển “nóng” của thị trường bất động sản trong nước và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Các chuyên gia khuyến nghị thời gian tới, các chính sách cần tập trung hướng đến làm thế nào để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh “sống chung với COVID-19”. Thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng.

Chính sách cần được nới lỏng thận trọng để tránh gây rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính. Trong bối cảnh dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách cần hướng nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến nền kinh tế.

Chính sách tài khóa cần ưu tiên cho tăng trưởng; gia tăng hỗ trợ tài khóa 5-6% GDP trong ít nhất 2-3 năm. Bên cạnh đó, hiệu quả chi tiêu công là nhân tố quyết định bền vững nợ công, cần đảm bảo giải ngân nhanh chóng nhưng phải có hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng. Ổn định lạm phát, lãi suất và tỷ giá đóng góp lớn đến bền vững nợ công.

Chính sách tín dụng cần ưu đãi có chọn lọc với 2 điểm khác biệt là có sự tham gia của Ngân sách Nhà nước và tập trung vào các ngành kinh tế có tính lan tỏa cao. Chú trọng vào việc hướng chuyển các dòng vốn tín dụng vào các khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” ở các thị trường tài sản.

Các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì, mở rộng đối tượng thụ hưởng và chú trọng tới nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức.

Việt Hằng