26/04/2024 lúc 00:21 (GMT+7)
Breaking News

Cần sớm luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán áp lực nợ xấu

Đa số các chuyên gia kinh tế đều đồng tình việc luật hóa Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng.

Đa số các chuyên gia kinh tế đều đồng tình việc luật hóa Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng.

Cần sớm luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán áp lực nợ xấu

Sáng 19/2, Báo Lao Động phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức Hội thảo “Cần Luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng”.

Trước đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần sớm hoàn thiện và luật hoá các quy định này để có được giá trị pháp lý cao hơn, góp phần tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu giữa các cơ quan chức năng.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, mặc dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được cải thiện rõ rệt, song rủi ro nợ xấu luôn tiềm ẩn. Trong khi đó, Nghị quyết 42 và Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước sẽ hết hiệu lực trong vài tháng tới, khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng kể từ quý III/2022 là rất lớn.

Do vậy, theo ông Lực, các giải pháp mạnh mẽ để xử lý triệt để nợ xấu, đặc biệt các giải pháp liên quan đến khung pháp lý, cần phải được đặc biệt chú trọng trong năm 2022 để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, tránh tình trạng nợ xấu cũ chưa được xử lý, nợ xấu mới gia tăng nhanh hơn nhằm tháo gỡ rủi ro tiềm tàng cho nền kinh tế.

TS Cấn Văn Lực kiến nghị Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội sớm tổng kết, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan, hoặc ít nhất là gia hạn, có điều chỉnh phù hợp Nghị quyết 42 theo hướng tiếp thu các mặt được, giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực thi.

Ông Lực cũng cho biết, hướng luật hóa Nghị quyết 42 có thể được tiến hành theo 2 bước. Trong đó, bước 1 là có thể gia hạn, điều chỉnh, cập nhật phù hợp Nghị quyết 42 với thời gian khoảng 3 năm để có thêm thời gian rà soát, chuẩn bị cho dự thảo luật, cũng như kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nêu trên; Bước 2 là xây dựng Luật xử lý nợ xấu theo hướng phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế hơn.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư kí Hiệp hội Ngân hàng cho biết, tính đến cuối năm 2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được trên 1.300 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Trong đó, giai đoạn 2012-2015 xử lý được 493,1 nghìn tỷ đồng; Giai đoạn 2016-2021 xử lý được trên 800 nghìn tỷ đồng; Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 368,9 nghìn tỷ đồng (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro).

Số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý thu hồi trong giai đoạn từ ngày 15/8/2017 đến cuối năm 2021, đạt trung bình khoảng 6,92 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,94 nghìn tỷ đồng/tháng so với giai đoạn trước khi có Nghị quyết số 42 (giai đoạn năm 2012 - 2017). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2016-2021 được duy trì dưới mức 3%.

Như vậy, với những kết quả đạt được đã cho thấy vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết số 42 trong quá trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, góp phần xử lý hiệu quả nợ xấu, thu hồi vốn cho các tổ chức tín dụng để tái đầu tư, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Bên cạnh các kết quả đạt được, ông Hùng cũng cho biết, việc triển khai Nghị quyết 42 còn rất nhiều vướng mắc, bất cập chủ yếu do bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật ngành ngân hàng với các văn bản quy phạm pháp luật khác và xuất phát từ quá trình thực thi, dẫn đến một số quy định tại Nghị quyết 42 không thể áp dụng được trên thực tế.

Hơn nữa, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 42 chỉ giới hạn trong phạm vi các khoản nợ xấu “được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15/8/2017” và “được hình thành trước ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực”. Trong khi đó, nợ xấu là rủi ro luôn tiềm ẩn phát sinh trong quá trình các tổ chức tín dụng thực hiện nghiệp vụ cấp tín dụng, do vậy phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 42 chỉ giải quyết được một phần nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay.

Đặc biệt, đại dịch COVID- 19 từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội toàn cầu cũng như ở Việt Nam, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng, vừa sản xuất vừa chống dịch, chuỗi cung ứng đứt gãy, chi phí tăng cao, giao thông luân chuyển hàng hóa vô cùng khó khăn dẫn dến nhiều doanh nghiệp ảnh hưởng nặng nề, không trả được nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu có xu hướng tăng cao trở lại, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo các tổ chức tín dụng dự đoán nợ xấu sẽ tăng cao hơn nữa trong năm 2022 do tình hình dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, trong tương lai các doanh nghiệp khó có khả năng phục hồi ngay để trả nợ đúng hạn. Căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất của một số ngân hàng thương mại, nợ xấu (nhóm 3,4,5) trong năm 2021 tăng hàng nghìn tỷ so với năm 2020 do nhiều khách hàng không trả được nợ vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo ông Hùng, trong điều kiện còn nhiều tác động tiêu cực như hiện nay, nợ xấu phát sinh do nguyên nhân khách quan của nền kinh tế, trong khi Nghị quyết số 42 chỉ còn nửa năm nữa là kết thúc thời gian thí điểm về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, khi đó toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42.

"Điều này sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu cũng như quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay chưa biết khi nào kết thúc", ông Hùng nhìn nhận.

Vì vậy, ông Hùng cho rằng rất cần đạo luật có hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị quyết 42 để xử lý vấn đề nợ xấu một cách triệt để, với thời gian và tiến độ nhanh hơn.

"Việc các tổ chức tín dụng thực hiện xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu dựa trên quy định của Luật về xử lý nợ xấu sẽ đảm bảo cơ sở pháp lý có hiệu lực cao tương ứng với các luật khác để khắc phục được những hạn chế, rào cản pháp lý trong thực tiễn thực hiện Nghị quyết 42 hiện nay", ông Hùng kiến nghị.