23/12/2024 lúc 21:17 (GMT+7)
Breaking News

Cần lắm sự hỗ trợ hơn nữa cho ngư dân bám biển

Nước ta có đường bờ biển dài 3260 km, với tổng diện tích trên 1 triệu km2 biển (chiếm khoảng 1/3 diện tích biển Đông) trong đó có hai quẩn đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là diện tích được Liên Hiệp Quốc công nhận theo Công ước Luật biển năm 1982

VNHN - Nước ta có đường bờ biển dài 3260 km, với tổng diện tích trên 1 triệu km2 biển (chiếm khoảng 1/3 diện tích biển Đông) trong đó có hai quẩn đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là diện tích được Liên Hiệp Quốc công nhận theo Công ước Luật biển năm 1982. Điều này cho thấy nước ta có tiềm năng to lớn về khai thác và bảo vệ nguồn lợi biển, trong đó có nghề khai thác đánh bắt thủy hải sản. Suốt chiều dài bờ biển gắn với 28 tỉnh thành, ngư dân vùng ven biển từ ngàn đời nay vẫn luôn bám biển, mang về những khoang tàu thuyền đầy ắp cá tôm, cua ghẹ... phục vụ cho nhu cầu của nhân dân cả nước và xuất khẩu.

Thế kỉ XXI được coi là kỉ nguyên của “biển và đại dương”, “biển và kinh tế biển”. Nhận thức rõ tầm quan trọng về biển, tại Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết 09 –NQ/TW ngày 9/2/2007) với quan điểm chỉ đạo “Nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng về biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển”.

Tàu 67 (tàu lớn được nhà nước hỗ trợ vốn theo Nghị định 67)

Trong những năm qua, mặc dù Nhà nước đã cho ra đời hàng loạt chính sách, điều luật, nghị định... nhằm phát triển mạnh mẽ kinh tế biển. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường cho thấy các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi biển, trong đó có nghề cá chưa thực sự hiệu quả.

Trao đổi với PV VNHN, đồng chí Lê Văn Thăng – Giám đốc Cảng cá Hòa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, cho biết: “Nguồn lợi thủy hải sản giảm mạnh. Sản lượng đánh bắt ngày càng suy giảm. Số tàu thuyền của ngư dân tuy không giảm nhưng số lượng lao động giảm mạnh do chuyển đổi nghề nghiệp từ nghề câu mực sang nghề lưới kéo cá hoặc bỏ đi làm công nhân. Có nhiều tàu không còn đủ lao động để làm. Việc phát triển nghề cá chủ yếu là hộ gia đình nhỏ lẻ. Cho đến nay chưa có công ty lớn hay tập đoàn lớn nào đứng ra phát triển nghề khai thác thủy hải sản vì đây là kênh đầu tư mạo hiểm.”

Một tàu lớn cập bến với sản lượng không nhiều khoảng 10 tấn cá tôm

Thực trạng ngư dân khai thác chủ yếu với các bè mảng, tàu nhỏ đánh bắt gần bờ, có số ít tàu 67 (tức tàu đóng mới theo Nghị định 67, được hỗ trợ vốn của nhà nước) lớn hơn đi ra khơi xa, nhưng theo kinh nghiệm của các ngư dân đi biển kể, thì “tàu đánh bắt của nước ngoài dài hàng trăm mét, lớn hơn rất nhiều tàu đánh bắt của ta, họ dùng 2 tàu đi song song kéo rồng chìm quét một mạch là sạch hải sản trên một vùng biển lớn”. “Mỗi chuyến tàu lớn của ta đánh bắt xa bờ chừng 10 đến 15 ngày cũng chỉ thu về được chừng chục tấn cá tôm các loại”.

Mặc dù sản lượng đánh bắt suy giảm, nhưng ngư dân ta lại có tinh thần đoàn kết rất cao, thể hiện bằng việc ngư dân thành lập các “Tổ đoàn kết trên biển” có tổ trưởng điều hành hẳn hoi, mỗi tổ có từ 5 đến 10 tàu thuyền đi cùng với nhau, hỗ trợ nhau mỗi khi gặp trục trặc về máy móc, ngư cụ hoặc biển động, gió bão... Đây là một tổ chức có tính sáng tạo cao, không chỉ hỗ trợ nhau về nghề biển mà còn thể hiện sự tương thân tương ái, chia ngọt sẻ bùi đã ngấm vào máu của mỗi người dân Việt, trở thành một nét văn hóa truyền thống ngàn đời không lay chuyển. Điều này cho thấy, ngư dân ta không ngại khó, không ngại khổ, không sợ sóng to gió lớn mà chỉ cần có sự hỗ trợ hữu ích về đầu tư thì lực lượng lao động này sẽ chẳng bao giờ rời xa biển, bởi đối với họ biển là cuộc sống, là tình yêu, là quê hương, là trách nhiệm.

Một tàu câu mực đang sửa tàu để chuyển thành tàu kéo cá

Dù nguồn cá tôm, sản vật biển của ta suy giảm mạnh nhưng điều cốt yếu có lẽ là vì chúng ta chưa đầu tư đúng mức, chưa có nhiều tàu lớn đánh bắt xa bờ, chưa có chính sách sát sườn, phù hợp, hiệu quả hỗ trợ ngư dân bám biển, chưa triển khai một cách có hiệu quả chính sách bảo vệ nguồn lợi biển, chưa có những tập đoàn lớn của Việt Nam cùng chung tay với nhà nước thực hiện chiến lược khai thác, bảo vệ nguồn lợi biển.

Nhà nước cần tạo hành lang pháp lí phù hợp nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất rủi ro để thu hút các tập đoàn kinh tế của Việt Nam, các tỉ phú của Việt Nam có đủ nguồn tài chính cùng chung tay với nhà nước quy hoạch lại quy trình khai thác, bảo vệ nguồn lợi biển, nguồn lợi thủy hải sản đúng quy chuẩn IUU, trên cơ sở đó hỗ trợ hơn nữa để ngư dân bám biển, đẩy mạnh đầu tư khai thác kết hợp với bảo vệ hệ sinh thái biển, môi trường biển, nhằm thay đổi thực trạng lâu nay đang là “nghề cá của nhân dân” chuyển sang “nghề cá có trách nhiệm”. Bên cạnh đó, cần vận dụng sáng tạo các “Tổ đoàn kết trên biển” của ngư dân, bồi dưỡng thêm kiến thức về biển cho các tổ trưởng để mỗi tổ trưởng không chỉ như một chỉ huy trưởng mà còn là kênh thông tin hữu ích góp phần vào việc thực thi pháp luật trên biển. Để hôm nay và mai sau biển của chúng ta mãi xanh, tàu thuyền của chúng ta ra khơi gió lộng mang về đầy ắp cá tôm; mỗi lần cập bến nụ cười lại nở tươi rói trên môi mỗi ngư dân – đó là nụ cười của hồn dân tộc./.