VNHN - Việc ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có thể tác động đến hoạt động kinh doanh rượu bia, nhưng là cần thiết nếu so với các lợi ích vượt trội thu lại từ sức khỏe và xã hội.
Quang cảnh hội thảo (Ảnh: TG)
Đây là dự báo được đưa ra tại Hội thảo đánh giá tác động kinh tế- xã hội liên quan đến dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia (PCTHRB) do Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 15/11 tại Hà Nội.
Sử dụng càng sớm, nguy cơ lệ thuộc rượu bia càng cao
Đồng tình cần sớm ban hành luật, PGS.TS Phạm Việt Cường, Đại học Y tế công cộng nhấn mạnh, sử dụng rượu, bia tại Việt Nam đang ngày càng trẻ hóa, xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia là một vấn đề nghiêm trọng do các hệ lụy về sức khỏe, xã hội đối với giới trẻ.
Ông dẫn chứng: “Tỷ lệ uống rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên là 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ. Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013, có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu, bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất một lần”.
Đáng lo ngại là sử dụng rượu, bia ở trẻ em và thanh thiếu niên gây hậu quả nghiêm trọng hơn đối với người lớn. Bởi não bộ của một người trưởng thành tiếp tục phát triển đến tuổi 25. Việc sử dụng rượu bia có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển đó trong khi não bộ của vị thành niên đặc biệt dễ bị tổn thương bởi rượu, bia. Đồng thời, tuổi sử dụng rượu bia càng sớm thì nguy cơ lệ thuộc rượu bia càng cao.
Theo ông, đây là vấn đề nhức nhối nếu chúng ta không hành động. “Luật PCTHRB cần sớm ra đời. Đây sẽ là cơ sở để từng bước hạn chế tình trạng trẻ hóa sử dụng rượu bia và các hậu quả liên quan, là yếu tố góp phần để Việt Nam thực hiện cam kết của quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em” - PGS.TS Phạm Việt Cường nhấn mạnh.
Nhìn từ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Chiến lược toàn cầu nhằm giảm tác hại của việc sử dụng đồ uống có cồn ở mức có hại, TS Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, còn nhiều khoảng trống mà dự án luật chưa điều chỉnh, đặc biệt là 3 biện pháp hiệu quả nhất mà WHO khuyến cáo là: kiểm soát sự sẵn có của rượu, bia; kiểm soát marketing rượu, bia; chính sách thuế và giá.
TS Nguyễn Văn Tiên nhận định, nếu không quy định hoàn chỉnh các biện pháp theo khuyến cáo của WHO thì khó đạt được mục tiêu của luật. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện Việt Nam thì có thể quy định lộ trình để thực hiện toàn diện các biện pháp khuyến cáo của WHO đến 2025.
Theo TS Nguyễn Văn Tiên, để kiểm soát rượu bia hiệu quả thì cần xây dựng và thực thi đồng bộ các chính sách: kiểm soát sự sẵn có của rượu bia (giờ bán, điểm bán, kiểm soát chặt cấp phép bán lẻ); tăng thuế, tăng giá rượu, bia; kiểm soát toàn diện quảng cáo, khuyến mại và tài trợ; ban hành, thực thi nghiêm chính sách kiểm soát lái xe uống rượu bia.
Trong khi đó, bàn về vấn đề sử dụng rượu, bia và văn hóa, nhà văn Trần Thị Trường cho rằng, xu hướng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam hiện đã khác so với văn hóa uống rượu trước đây. Nếu như thời xưa rượu, bia là để nếm và thưởng thức thì ngày nay việc sử dụng rượu, bia đã trở nên thái quá, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người uống, gia đình và cộng đồng; tạo nên một trào lưu, một nét xấu trong văn hóa người Việt.
Theo bà Trần Thị Trường, luật với những quy định nhằm định hướng cách thức xử sự cho người dân trong việc tiêu dùng rượu, bia hợp lý không nhằm mục đích cấm việc sử dụng rượu, bia. Văn hóa sử dụng rượu, bia phải được hiểu là sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, có chừng mực, đúng thời điểm, đúng đối tượng. Như vậy, Luật phòng, chống tác hại của rượu bia chỉ góp phần định hướng cho việc sử dụng rượu, bia văn minh hơn.
Dự báo tác động của luật
Tại hội thảo, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) đã đưa ra dự báo một số tác động của Luật đến nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Dự báo được giả định trong điều kiện dự thảo Luật áp dụng các biện pháp mạnh mẽ về giảm tiêu thụ, giảm tính sẵn có và dễ tiếp cận của rượu, bia cũng như giảm tác hại và bảo đảm nguồn lực cho PCTHRB.
Cụ thể, về kinh tế, việc ban hành luật sẽ tiếp tục duy trì nguồn thu từ rượu, bia bao gồm nguồn thu thuế (năm 2017 ước khoảng 50 nghìn tỷ đồng, đã bao gồm cả nước giải khát); Thêm nguồn thu phí cấp phép từ rượu thủ công kinh doanh nhưng chưa đóng thuế. Ước tính, nếu quản lý được 50% rượu thủ công hiện nay có thể mang lại nguồn thu từ thuế là gần 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt là tiết kiệm được môt phần chi phí giải quyết các hậu quả của tác hại rượu, bia: chi phí dự phòng, chăm sóc sức khỏe, chi phí khắc phục hậu quả sức khỏe do sử dụng rượu bia, giảm chi phí phòng ngừa và giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia, giảm năng suất lao động…
Với việc ban hành Luật, Nhà nước sẽ tiết kiệm được chi phí giải quyết các hậu quả của rượu, bia để đầu tư các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, nâng cao sức khỏe… góp phần phòng chống các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng tăng như ung thư, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, béo phì, tai nạn giao thông… góp phần quan trọng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, giảm chi phí y tế vốn ngày càng tăng. Người dân sẽ được hưởng các lợi ích vượt trội về sức khỏe và an sinh xã hội.
Đáng chú ý, bà cho biết, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới thì mỗi đô la đầu tư cho các giải pháp PCTHRB, Nhà nước sẽ thu về 9,13 đô la.
Tuy nhiên, bà Trang dự báo, việc ban hành luật sẽ ảnh hưởng tới thu thuế từ rượu, bia. Theo đó, thu thuế từ rượu, bia sẽ tiếp tục tăng 1-2 năm đầu nhưng tốc độ gia tăng giảm, sau đó giữ nguyên hoặc có thể giảm nhẹ trong 1-2 năm tiếp theo nhưng sau đó sản lượng rượu, bia sẽ tiếp tục duy trì do dân số tăng, tăng lượng người uống mới nên mức thu thuế sẽ ổn định. Bên cạnh đó, ngân sách cần thêm chi phí để thực hiện tuyên truyền, tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với rượu thủ công, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người nấu rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.
Chính phủ cũng cần có chính sách để tạo việc làm mới, tăng thu nhập, đào tạo nghề…; quan tâm đầu tư tạo nguồn việc làm mới cho nhu cầu lao động của người dân từ các ngành nghề khác thay vì thu hút việc làm từ ngành sản xuất rượu, bia...
Dù vậy, bà Trần Thị Trang nhấn mạnh: "Việc ban hành Luật có thể tác động đến hoạt động kinh doanh rượu bia nhưng là cần thiết nếu so với các lợi ích vượt trội thu lại từ sức khỏe và xã hội. Việt Nam vẫn là môi trường đầu tư hấp dẫn do lượng người tiêu dùng cao, thuế thấp, giá thấp, chi phí nhân lực thấp trong khi môi trường kinh doanh đang được cải thiện, ngày càng thông thoáng".
Bà cũng lưu ý, để dự án luật phòng, chống tác hại của rượu, bia bảo đảm các mục tiêu phòng ngừa và hạn chế các tác động xã hội, sức khỏe, kinh tế do sử dụng rượu, bia gây ra cần phải có đầy đủ các biện pháp mạnh mẽ và toàn diện về: giảm tiêu thụ; giảm nguồn cung cấp, tính sẵn có và tính dễ tiếp cận; giảm tác hại và đủ nguồn lực thực thi Luật.
Được biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 đang diễn ra, Quốc hội đã nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra, thảo luận tại tổ (12/11) và sẽ thảo luận tại hội trường trong sáng 16/11 để cho ý kiến về dự luật này./.
Tú Giang