23/11/2024 lúc 02:59 (GMT+7)
Breaking News

Cái Mép - Thị Vải sẽ là "siêu cảng"

Với quy hoạch đã được thông qua cùng các tính toán của địa phương và đơn vị liên quan, trong tương lai Cái Mép - Thị Vải sẽ trở thành "siêu cảng" ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Với quy hoạch đã được thông qua cùng các tính toán của địa phương và đơn vị liên quan, trong tương lai Cái Mép - Thị Vải sẽ trở thành "siêu cảng" ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cái Mép - Thị Vải sẽ là "siêu cảng"

Cái Mép - Thị Vải có vai trò vị trí đặc biệt cảng cửa ngõ quốc tế

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, cùng với cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) có vai trò vị trí đặc biệt, là các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế. Để cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải phát triển hết tiềm năng, thế mạnh đúng như kỳ vọng và định hướng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng các bộ, ngành và trung ương đã và đang có những bước đi cụ thể, tạo nền móng vững chắc.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa thông qua, Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) sẽ là 1 trong 2 cảng biển đặc biệt của cả nước, có chức năng là cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế.

Quy hoạch chỉ rõ CM-TV thuộc nhóm cảng biển số 4 với tổng cộng 9 khu bến và bến cảng, gồm khu bến Cái Mép, Phú Mỹ, Mỹ Xuân (trên sông Thị Vải), Sao Mai - Bến Đình, Long Sơn, Sông Dinh; bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu, Côn Đảo và các bến cảng dầu khí ngoài khơi phục vụ các mỏ…

Trong đó, khu bến Cái Mép có chức năng là cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế, có bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí. Đây là khu cảng có thể đón được tàu container có trọng tải từ 80.000 - 250.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Khu bến Thị Vải được quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí. Khu vực này quy hoạch để đón tàu có trọng tải đến 100.000 tấn tại Phú Mỹ hoặc lớn hơn, đón tàu 60.000 tấn tại Mỹ Xuân và 30.000 tấn phía thượng lưu cầu Phước An.

Khu bến Sao Mai - Bến Đình có chức năng phục vụ dịch vụ dầu khí và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nơi đây có thể đón tàu có trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn; khu bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu thì có chức năng là bến cảng khách quốc tế phục vụ phát triển du lịch; khu bến Long Sơn dùng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu liên hợp lọc hóa dầu, luyện kim và ngành năng lượng. Khu bến Sông Dinh, ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội còn có bến cảng tổng hợp, hàng lỏng/khí, bến công vụ và bến phục vụ quốc phòng - an ninh. Và cuối cùng là bến cảng Côn Đảo là đầu mối giao lưu với đất liền và phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo, có cả bến tổng hợp, bến khách, bến du thuyền, bến phục vụ quốc phòng an ninh.

Nói về quy hoạch trên, lãnh đạo UBND tỉnh BR-VT nhấn mạnh đó chính là những tiền đề để hệ thống cảng container nước sâu tại khu vực CM-TV phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhất là trong việc đón "siêu tàu". UBND tỉnh BR-VT dẫn chứng những năm qua, CM-TV liên tục đón các "siêu tàu" tầm cỡ mà không nhiều cảng trên thế giới có thể làm được. Vì vậy, việc sẽ đón được tàu lớn 250.000 tấn theo quy hoạch hoặc thậm chí lớn hơn là việc trong tầm tay. Trong năm 2021, cảng Gemalink có công suất 2,5 triệu TEU đã đi vào hoạt động. Đây là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và là 1 trong 19 cảng lớn của thế giới đón được siêu tàu lớn nhất thế giới hiện nay.

Trung tâm trung chuyển quốc tế như Singapore, Hong Kong...

Tại hội thảo khoa học “Tư duy, mô hình phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, chia sẻ cụm cảng nước sâu của Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp nhận hàng hóa tăng trưởng rất cao, sản lượng thông qua cảng biển tại đây đã gần xấp xỉ TP.HCM; đã đón những tàu có trọng tải trên 200.000 tấn (20.000 TEU container). Nơi đây sẽ trở thành cảng trung chuyển của khu vực và quốc tế, chia sẻ lượng hàng hóa với Singapore, Hong Kong, Thượng Hải.

Cũng theo Thượng tá Bùi Văn Quỳ, năm 2009, Bà Rịa-Vũng Tàu có cảng nước sâu đầu tiên. Khi đó chưa ai hình dung được sự phát triển rất nhanh của ngành hàng hải quốc tế. Do vậy, cơ sở hạ tầng cảng, giao thông kết nối vào khu vực cảng biển chưa theo kịp. Hiện chỉ có tuyến quốc lộ 51 nhưng đã trở nên quá tải. Khoảng 80% lượng hàng hóa phải chuyển bằng đường thủy đi các tỉnh nên việc sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối với Cái Mép - Thị Vải rất quan trọng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển Portcoast, trao đổi thêm: Cái Mép - Thị Vải hiện là một trong 21 cảng của thế giới tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới, gần 200.000 tấn. Tương lai cụm cảng sẽ đón tàu trọng tải đến 250.000 tấn.

Năm 2020, nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng khối lượng hàng container thông qua cảng này vẫn tăng. Hằng tuần có khoảng 31 tuyến vận tải container cố định trực tiếp đến các thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam (20 tuyến đi Mỹ, hai tuyến đi châu Âu, chín tuyến nội Á và Trung Đông…).

“Cụm cảng còn khu vực có dư địa để phát triển là Cái Mép Hạ. Cần tạo ra các tuyến bến dài để tiếp nhận đồng thời nhiều tàu mẹ; phát triển các khu công nghiệp (KCN) tại khu vực cảng tạo nguồn hàng ban đầu; thêm các trung tâm dịch vụ logistics, depot, kho bãi; bố trí thêm bến cho tàu chuyển tải container; “biến” thị xã Phú Mỹ hay TP Vũng Tàu thành trung tâm kết nối cho các hãng tàu, chủ hàng toàn cầu… Để làm được những điều này, cần phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng và liên vùng với Cái Mép - Thị Vải” - ông Tuấn nói.