VNHN-Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước, có hiệu lực từ ngày 25/12 tới đây. Trong 5 trường hợp không được họp, đáng chú ý là quy định không được kết hợp việc họp với tham quan, giao lưu, nghỉ mát.
Ảnh minh họa: internet
Vấn nạn họp nhiều nhưng không chất lượng, thậm chí là “vô thưởng vô phạt”, mất thời gian “bàn ra bàn vào” mà không có ý nghĩa nhiều cho công tác chỉ đạo, điều hành sau đó là một thực tế đã được nói đến nhiều. Nhưng có một thực tế khác tệ hại hơn, đó là lợi dụng danh nghĩa họp hành, tập huấn nhưng thực chất là đi nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giao lưu là chủ yếu. Điều này dẫn đến việc chất lượng, mục tiêu cuộc họp nhiều khi trở thành thứ yếu của chuyến công cán.
Trên thực tế, có nhiều cuộc họp kéo dài 2 - 3 ngày nhưng nội dung họp chỉ diễn ra nửa ngày hoặc 1 ngày, được tổ chức ở một thành phố du lịch để cho đại biểu tham dự được đi tham quan, nghỉ mát. Cán bộ đi lại máy bay, ô tô, ở khách sạn, ăn uống tiệc tùng… tất cả chi phí đều được tính cho hội nghị. Họp trở thành dịp để tiêu tiền, nhất là tiền ngân sách, từ họp thường vụ, họp ban chấp hành, họp ủy ban, họp phòng, ban chuyên môn... Nhiều khi chỉ cùng bàn về một nội dung. Lại có trường hợp chỉ có một nội dung mà phải cần tới 5 - 6 cuộc họp. Đầu tiên là họp định hướng, tiếp theo là họp góp ý, họp dự thảo, họp thông qua, họp kết luận, và cuối cùng là họp triển khai thực hiện. Rồi nếu thực hiện không được, có vướng mắc thì lại họp tiếp, bàn việc điều chỉnh hoặc tháo gỡ...
Kinh phí cho việc họp hành cũng tốn kém, họp dài ngày kinh phí càng nhiều. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết, thống kê cứ 8 tiếng trên cả nước có gần 3.000 cuộc họp, ngân sách chi tiêu cho hội họp mất khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi ngày. “Riêng tôi hồi trước nhận được hơn 400 giấy mời họp mỗi năm, chỉ đi họp đã hết ngày, không cải cách gì được”. Họp triền miên không có thời gian làm việc, lãng phí ngân sách đã đành. Nhiều cuộc hội họp còn gây phiền hà cho địa phương, mang tiếng là “vinh hạnh” hỗ trợ kinh phí, đón tiếp nếu đơn vị tổ chức hội nghị là bộ, ngành.
Ngoài ra, theo Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg, 4 nội dung khác nữa cũng không được tổ chức họp. Đó là cuộc họp giải quyết các công việc thường xuyên trong tình hình có thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp; họp giải quyết công việc đã được phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan hành chính cấp dưới giải quyết; họp giải quyết công việc đã được pháp luật quy định bằng các cách thức khác không phải thông qua cuộc họp; họp nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của cấp dưới thay thế cho việc kiểm tra trực tiếp đối với các cơ quan, đơn vị cấp dưới và cơ sở.
Như vậy, trong nội dung quy định mới này, ngoài việc quy trách nhiệm cho người lãnh đạo cơ sở hạn chế họp hành rềnh rang, tránh trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu bằng cách tổ chức họp để xin ý kiến tập thể thì nay cũng sẽ không còn. Chỉ những vấn đề theo quy định cần lấy ý kiến tập thể thì mới phải họp chứ không phải đụng chuyện gì cũng họp xin ý kiến. Tránh tình trạng sợ trách nhiệm, né trách nhiệm người đứng đầu, né chức năng quản lý chuyên ngành đã được quy định. Nguyên tắc cơ bản để giảm họp là tổ chức tốt chức năng quản lý nhà nước của từng cơ quan, đơn vị; thực thi đúng chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận, cá nhân, phát huy vai trò người đứng đầu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để hạn chế đến mức tối đa những cuộc họp vô bổ, họp cũng như không, họp để tranh thủ nghỉ dưỡng, phải thắt chặt chi tiêu ngân sách, khoán chi phí, phân loại và thực hiện nghiêm tiêu chuẩn giải ngân, chi tiêu cho các cuộc họp. Những hoạt động tương tự như kỷ niệm ngành, gặp mặt truyền thống... không mang tính chuyên môn, liên quan đến công việc và chức năng cần được hạn chế tối đa. Đặc biệt, phải xây dựng và vận hành chính quyền điện tử hiệu quả. Với điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, nên đẩy mạnh hình thức họp trực tuyến, đỡ tốn kém chi phí đi lại, đỡ tốn thời gian, chuyên nghiệp hơn. Khai thác công nghệ thông tin và các sản phẩm công nghệ phục vụ cho quản lý hành chính thì sẽ giảm họp.
Để quyết định trên đạt hiệu quả tối đa, các cơ quan của Chính phủ, chính quyền cấp tỉnh phải làm gương trước trong cải cách hành chính, triệt để ứng dụng công nghệ trong tổ chức điều hành. Đặc biệt, cần xem xét chương trình bồi dưỡng lãnh đạo về kỹ năng hội họp. Có những việc lặp đi lặp lại hằng năm thì nên xây dựng thành quy trình và cẩm nang thực hiện, chỉ định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành.
Duy Anh