17/11/2024 lúc 11:35 (GMT+7)
Breaking News

Các quốc gia trên thế giới đón năm mới như thế nào?

VNHN - Mỗi quốc gia trên thế giới đều có cách riêng để chào đón thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ.

VNHN - Mỗi quốc gia trên thế giới đều có cách riêng để chào đón thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ.

Đan Mạch: Đập bể đĩa

Nếu như ở Việt Nam, việc làm vỡ bát đĩa vào dịp năm mới được xem là điều xui xẻo, thì với người Đan Mạch đây là điều may mắn.

Vào giao thừa, họ sẽ ném những chiếc bát đĩa cũ, bị sứt mẻ của mình vào nhà hàng xóm, bạn bè

Tục lệ đập bát, đĩa vào đầu năm của người Đan Mạch có từ lâu đời. Người ta tin rằng càng có nhiều đĩa vỡ ngoài cửa vào sáng mùng một, gia chủ sẽ càng có nhiều bạn bè, vận may trong năm mới.

Pháp

Đêm giao thừa cho đến ngày 3/1 người Pháp mở tiệc, uống rượu say sưa. Theo quan niệm của người Pháp, uống cạn rượu sẽ đem lại may mắn cho họ vào năm mới, nếu không uống hết thì trong năm mới sẽ gặp điều xui xẻo.

Tại miền Đông nước Pháp, thời khắc giao thừa người ta ngậm đồng tiền vàng với hy vọng sẽ phát đạt, giàu sang trong năm mới.

Theo quan niệm của người Pháp, uống cạn rượu sẽ đem lại may mắn cho họ vào năm mới, nếu không uống hết thì trong năm mới sẽ gặp điều xui xẻo

Còn tại miền Tây nước Pháp thì có tục lệ thanh niên nam nữ dắt nhau vào rừng tìm cây tầm gửi trong buổi chiều cuối năm - anh chàng nào tìm thấy, mang về trước tiên thì được coi là “vua tầm gửi” và suốt ngày mồng 1 Tết được quyền ôm hôn những cô gái đẹp đi qua nhà mình.

Ở Thủ đô Paris, người ta cho rằng, trong lần xuất hành đầu năm mà gặp 1 hoặc 3 người lính thủy thì sẽ may mắn. Mâm cỗ Tết tại Pháp khá thịnh soạn và khó thể thiếu hai thứ là quả hồ đào (tượng trưng cho sự tốt lành) và củ hành (gia vị chủ yếu). Người Pháp còn dự báo thời tiết năm mới qua những lát hành trộn muối ngâm dấm.

Scotland

Trong dịp năm mới, người Scotland thường mời bằng được những chàng trai cao ráo, đẹp trai, mang rượu whiskey, làm vị khách đầu tiên đặt chân vào nhà mình trong năm mới.

Người Scotland cho rằng có chàng trai như vậy đến "xông đất", gia đình họ sẽ gặp nhiều may mắn suốt 12 tháng trong năm.

Đức

Vào chiều ngày 31/12, nam giới tụ tập ở các quán, ăn uống và vui chơi đến tận đêm. Đến giao thừa, người Đức tổ chức bắn pháo mừng năm mới.

Khi đồng hồ điểm 0h đêm giao thừa, người dân ở Đức sẽ ôm và trao nhau những nụ hôn nồng thắm, chúc nhau năm mới an lành bằng câu nói "Gutes Nue Jahr" hoặc "Happy New Year".

Sau đó, mỗi gia đình quây quần bên nhau trong những bữa tiệc thịnh soạn với đầy đủ món ăn và cùng nhau xem các chương trình truyền hình đặc biệt.

Đêm giao thừa tại Đức, mỗi nhà thường bày lên trên bàn tiệc một chiếc đĩa có đựng 12 củ hành.

Các củ hành được khoét những lỗ nhỏ và rắc muối vào. Mỗi củ hành được đặt tên cho mỗi tháng trong năm. Ngoài ra, người Đức còn quan niệm rằng, nếu ăn cà rốt và bắp cải sẽ mang đến sự ổn định về tài chính. Lễ đón năm mới ở Đức kéo dài trong vòng 1 tuần.

15 phút trước giao thừa mọi người đều ngồi yên trên ghế, khi chuông đồng hồ điểm họ nhảy xuống khỏi ghế và ném một vật nặng ra phía sau coi như vứt bỏ mọi khó khăn, hoạn nạn để bước vào năm mới.

Mỹ

Ở các bang miền Nam nước Mỹ, vào lúc giao thừa, mọi người thường ăn thật nhiều củ cải và đậu mắt đen. Vì họ quan niệm hai loại thực vật này sẽ giúp họ kiếm được nhiều tiền trong năm mới.

Đối với những cặp đôi đang yêu họ sẽ trao cho nhau nụ hôn vào đêm giao thừa. Đây là một phong tục cổ xưa của người Mỹ, họ làm vậy vì cho rằng nụ hôn mang đến may mắn và những điều tốt đẹp trong năm mới.

Những nụ hôn vào thời khắc giao thừa của người dân Mỹ

Vào đêm Giao thừa, người dân Mỹ đổ xô về Quảng trường Thời đại ở thành phố New York để xem lễ thả quả cầu pha lê khổng lồ đón năm mới.

Đây là một trong những hoạt động đặc sắc nhất ở New York trong đêm giao thừa. Hoạt động này được chính quyền New York tổ chức lần đầu tiên vào đêm 31/12/1907. Khi ấy, quả cầu được làm từ gỗ và sắt chứ không phải pha lê như hiện nay.

Brazil

Người dân Brazil thường đón năm mới trên các bãi biển trong tiết trời ấm áp. Tại đây, họ sẽ nhảy qua 7 con sóng.

Sở dĩ người Brazil làm như vậy là vì họ tin rằng việc nhảy qua 7 con sóng sẽ đem lại may mắn cho bạn trong năm mới.

Người dân Brazil còn có truyền thống ném cành hoa trắng xuống những con sóng bạc đầu để cúng tế nữ thần biển Yemanja. Hàng năm, có hàng nghìn người thực hiện truyền thống này với hi vọng nữ thần sẽ ban phúc lành cho họ vào năm mới.

Ngoài ra, họ còn có thể ném những món đồ khác đặc trưng cho phái nữ như nước hoa, trang sức, son môi đặt trong những con thuyền gỗ nho nhỏ.

Anh 

Trong đêm giao thừa, người Anh đánh bài đến 12 giờ đêm rồi mỗi người viết 3 điều ước tốt lành trên một mảnh giấy lụa và đốt mảnh giấy ấy lấy tro hòa tan vào cốc sâm banh và uống cạn. Họ tin rằng, làm như thế thì ít nhất sẽ có một điều ước trở thành hiện thực.

Một ngày trước Tết Dương lịch, mọi nhà sẽ mua rượu đổ đầy các chai, hũ trong nhà, trong bếp chứa thật nhiều thịt.

Người Anh quan niệm rằng, nếu rượu thịt không dư dả, năm mới sẽ gặp khó khăn, nghèo khổ.

Ngày đầu năm mới người Anh thường tổ chức các cuộc diễu hành dọc các con đường đi qua Whitehall và trung tâm mua sắm Pall, cuối cùng dừng chân ở quảng trường Berkley. Mọi người sẽ cùng nhau tập hợp lại cùng hát vang các bài hát truyền thống đón chào năm mới. 

Người dân Anh còn có những phong tục rất lạ và độc đáo như tục lệ: Không chọn những người tóc vàng và tóc đỏ xông nhà; tống tiễn năm cũ qua cửa sau; mừng tuổi bằng…những cành tầm gửi và không quét dọn nhà cửa./.

Theo Vietnamnet.vn