14/12/2024 lúc 23:27 (GMT+7)
Breaking News

Các hoạt động kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh – Dư âm và sự lan tỏa còn mãi với thời gian

Những hoạt động kỷ niệm tròn 10 năm Dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2014 – 2024) đã được tổ chức thành công tại Nghệ An, Hà Tĩnh. Rất nhiều chương trình đã diễn ra trong những ngày này, tập trung nhất là từ 22/11 đến 30 tháng 11, với đậm đặc những nội dung thấm đẫm hồn thơ và tình người xứ Nghệ và đi theo đó là bao cảm xúc đong đầy trong lòng người.

Đây cũng là tuần lễ đã mang lại dấu ấn, bước ngoặt quan trọng cho ví, giặm tiếp tục vươn xa.

Các đồng chí lãnh đạo cắt băng khánh thành Triển lãm “Sắc màu Di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” tại Nghệ An

Xứ Nghệ từ bao đời nay được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Nhưng vào đúng dịp này, du khách bốn phương đến với xứ Nghệ sẽ được tận hưởng nhiều hơn những giá trị của một vùng văn hóa giàu bản sắc và truyền thống. Trong đó, cảm nhận về dân ca Ví, Giặm thực sự là tiếng nói của tâm hồn, tình cảm, tư tưởng của người Nghệ Tĩnh, ra đời trong môi trường lao động, sinh hoạt thường ngày và trở lại phục vụ chính đời sống của con người nơi đây.

Có thể nói, trong 10 năm qua, cùng với sự đầu tư nguồn lực (cả nhân lực và kinh phí) phục dựng, sưu tầm, nghiên cứu các làn điệu dân ca ví giặm cổ, ngành văn hóa Nghệ An - Hà Tĩnh đã có những chương trình, đề án dài hơi cho việc phát triển Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không chỉ tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng, ươm mầm các tài năng dân ca ví, giặm để trao truyền – kế thừa, địa phương còn có thêm nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các câu lạc bộ ví, giặm hình thành và phát triển. Hiện tại Nghệ An, Hà Tĩnh có 130 câu lạc bộ dân ca ví, giặm và 48 nghệ nhân dân ca ví, giặm được công nhận. Điều đó góp phần tích cực giúp ví, giặm Nghệ Tĩnh có chỗ đứng vững chãi hơn trong cuộc sống đương đại, được nhiều người, nhất là bạn bè ở mọi miền quê của Tổ quốc và ở nước ngoài biết đến loại hình di sản văn hóa đặc sắc này.

Dư âm đầu tiên là Lễ kỷ niệm và Chương trình Nghệ thuật “Ví, giặm – Hồn quê tỏa sáng” được tổ chức và Truyền hình trực tiếp trên sóng NTV, các nền tảng số của Đài PT-TH Nghệ An và được tiếp phát sóng trên các kênh, sóng của nhiều Đài PT-TH trong cả nước vào tối 23/11. Với 3 chương: Hồn quê; Ví, giặm nuôi lớn những anh tài và Hội tụ và tỏa sáng, chương trình Nghệ thuật có sự góp mặt của những NSND, NSƯT tên tuổi… Không những vậy, Chương trình còn là sự tiếp tục thể nghiệm dân ca nguyên gốc lời cổ, nghề cổ “Làng Nồi” trên nền âm nhạc đương đại, Xẩm trên nền Rap, Hiphop trong “Ví, giặm hồn quê tỏa sáng” để hướng tới lớp trẻ có thể tiếp cận dễ hơn, không những là lớp trẻ của xứ Nghệ mà còn kỳ vọng trên cả toàn thế giới.

Tiết mục biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quần chúng tại Liên hoan. Ảnh: TTXVN

Từ khi được UNESCO vinh danh, phong trào hát dân ca ví, giặm được nâng cao hơn; không chỉ là sự sôi nổi trong nhân dân, mà các cấp chính quyền cũng vào cuộc mạnh mẽ. Hàng năm, địa phương đã tổ chức các hội diễn, liên hoan cấp phường, xã, thôn, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ…, nhà nhà hát dân ca, người người hát dân ca… Trong dịp này, một cuộc thi sáng tác soạn lời Dân ca Ví Giặm đã được tổ chức phát động từ tháng 9/2024; Lễ tổng kết trao giải Cuộc thi đã diễn ra trong tháng 11/2024.

Một trong những hoạt động ý nghĩa nữa là Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật: Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống “Việt Nam - những sắc màu di sản” trong khuôn khổ Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” tổ chức trong các ngày 22, 23/11/2024 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An. Chương trình có sự tham gia của Đoàn nghệ thuật các tỉnh: Điện Biên, Quảng Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Huế, Bạc Liêu, Nghệ An, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đắk Lắk, Đoàn NTQC Trung tâm Văn hóa Người Cao tuổi Việt Nam… đã để lại những cảm nhận đẹp cho người xem và có giá trị truyền thông cao.

Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” là hoạt động văn hóa nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những di sản văn hóa, thiên nhiên, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam, khẳng định tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch giữa các địa phương trong cả nước, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển du lịch, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Triển lãm là dịp giúp người dân hiểu thêm về giá trị và sự phong phú, đa dạng của các di sản văn hóa các vùng miền…

Một loạt các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật: “Về miền di sản”, “Nhịp sống trẻ”, “Về với Nghệ An” được tổ chức trong các ngày 24, 25/11 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An và đường Hồ Tùng Mậu, thành phố Vinh đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân nói chung và giới trẻ nói riêng trong và ngoài tỉnh tham dự. Các hoạt động có sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật các tỉnh gồm: Nghệ An; Bạc Liêu, Đoàn NTQC Trung tâm Văn hóa Người Cao tuổi Việt Nam; Đoàn nghệ sĩ, diễn viên Hà Nội; Đoàn NTQC múa dân gian Việt Nam; Đoàn NTQC Doanh nhân Sen Hồng, Đoàn nghệ thuật thiếu nhi - Công ty cổ phần truyền thông An An phối hợp thực hiện… Đây cũng là một mảng sáng góp phần nâng cao đời sống văn hóa của người dân trong tuần lễ kỷ niệm đầy dấu ấn và sự cuốn hút.

Hát múa-Ví Giặm - Tinh hoa tỏa sáng - Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An và Vũ đoàn HT (Hà Nội)

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm, vào những ngày cuối tháng (27-30/11), tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức Festival “Về miền ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản” nhằm đánh giá kết quả công tác bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm sau 10 năm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời, tiếp tục quảng bá, giới thiệu những giá trị đặc sắc, tinh hoa, độc đáo của dân ca ví, giặm đến bạn bè trong nước và quốc tế; tăng cường giao lưu, kết nối với các di sản văn hóa các vùng miền, nhất là di sản đã được UNESCO vinh danh. Chương trình cũng là dịp để tôn vinh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, trao truyền và phát huy di sản dân ca ví, giặm trong đời sống. Các hoạt động chính trong Festival bao gồm: Cuộc thi tìm kiếm tài năng ví, giặm qua video, clip do Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh chủ trì (diễn ra từ tháng 8/2024, tổng kết và trao giải vào tháng 11/2024); cầu truyền hình chương trình nghệ thuật “Đôi bờ ví, giặm” (vào lúc 20h10 phút ngày 27/11/2024, tại 2 điểm cầu Nghệ An và Hà Tĩnh, truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh và Nghệ An); tổ chức không gian trưng bày và trình diễn di sản văn hoá kết hợp các sản phẩm du lịch (từ ngày 28 - 30/11/2024, tại Quảng trường Thành Sen, TP Hà Tĩnh); Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh (vào buổi tối các ngày 28, 29, 30/11/2024, tại Quảng trường Thành Sen, TP Hà Tĩnh); tổ chức hội thảo quốc gia đánh giá công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (dự kiến diễn ra vào ngày 29/11/2024, tại TP Hà Tĩnh). Bên cạnh đó, trong 2 sự kiện: Tổ chức không gian trưng bày và trình diễn di sản văn hóa kết hợp sản phẩm du lịch và Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, đã có sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật dân ca đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, với các di sản như: đờn ca tài tử, ca trù, bài chòi, quan họ Bắc Ninh, nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, hát xoan, hát then, xòe Thái...

Thực sự, khó diễn tả đầy đủ hết được những cái hay, vẻ đẹp, sự cuốn hút và giá trị nhân văn của tất cả các chương trình được thực hiện trong thời gian tổ chức kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh. Nhưng chắc chắn một điều rằng, dư âm và sự lan tỏa của các hoạt động đó trải dài mãi theo thời gian./.

Nguyệt Hằng