VNHN - Việc sửa chữa hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang trông cả vào “tấm chăn hẹp” là nguồn 10% dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Tấm chăn hẹp Việc bố trí vốn ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang nằm trong nguy cơ mất an toàn cao một lần nữa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đề xuất lên cấp có thẩm quyền. Cụ thể, giữa tuần này, Bộ GTVT đã có Công văn số 8547/BGTVT - KHĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ trong quá trình xem xét, quyết định phương án sử dụng 10% dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, cân đối, bổ sung vốn cho Bộ GTVT để triển khai ngay các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Đây đã là lần thứ 4 trong vòng 1 năm qua, cơ quan quản lý hệ thống hạ tầng khu bay tại 21 cảng hàng không trong cả nước phải đề xuất cơ chế vốn để sửa chữa khẩn cấp hệ thống khu bay 2 sân bay đầu mối lớn nhất nước là Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ GTVT đã có 3 văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ việc đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất. 3 phương án được đưa ra gồm: sử dụng vốn đầu tư công từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; sử dụng vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (Quỹ đầu tư phát triển); nguồn thu từ hoạt động khu bay để thực hiện.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT, trong quá trình đề xuất Chính phủ phương án sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT đã rà soát, tổng hợp và đề xuất danh mục nhu cầu bố trí vốn cho ngành GTVT. Ngoài việc ưu tiên trả nợ xây dựng cơ bản, các dự án chuyển tiếp, Bộ đề xuất một số dự án mới của các lĩnh vực giao thông, trong đó có 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn của 2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, phương án Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ chỉ dự kiến bố trí cho Bộ GTVT từ nguồn 10% dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để trả nợ các dự án BT và bố trí cho một số dự án giao thông cần thiết, cấp bách của các lĩnh vực giao thông khác (đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Kênh Chợ Gạo giai đoạn II...).
Trong công văn gửi Bộ GTVT đầu tháng 8/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong phương án dự kiến sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT dự kiến được bố trí tới 17.009,2 tỷ đồng,bằng 25,2% tổng nguồn dự phòng chung. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT đánh giá về sự cần thiết, cấp bách của việc bố trí vốn cho các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất để đề xuất Thủ tướng Chính phủ sử dụng trong số 10% dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến giao cho Bộ GTVT. Gia tăng áp lực Có thể chia sẻ với đề xuất xin bổ sung vốn của Bộ GTVT, bởi tổng nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất khá lớn.
Theo tính toán sơ bộ, việc cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại sân bay Nội Bài, vốn đang nằm trong nguy cơ mất an toàn, cần khoảng 2.300 tỷ đồng.
Theo tính toán sơ bộ của Cục Hàng không Việt Nam và ACV, Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại sân bay Tân Sơn Nhất cần tối thiểu 1.910 tỷ đồng (cho cả 2 giai đoạn ); Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại sân bay Nội Bài cần khoảng 2.300 tỷ đồng, trong đó giai đoạn I cần ngay 1.800 tỷ đồng. “Nếu lấy từ nguồn dự phòng 10% dự kiến phân giao cho Bộ GTVT, thì đồng nghĩa với việc sẽ có một số dự án quan trọng khác bị đẩy ra ngoài danh sách”, lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết. Điều đáng nói là, nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đang là “cứu cánh” khả dĩ nhất đối với 2 dự án. Hiện phương án sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay để đầu tư không nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành liên quan, do vướng các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trong khi đó, việc sử dụng vốn của ACV (Quỹ đầu tư phát triển) đang cũng gặp rào cản từ Luật Đầu tư công. Một khó khăn lớn nữa đối với Bộ GTVT là, ngay cả khi nhận được nguồn vốn ngân sách như kỳ vọng, việc triển khai 2 dự án nói trên sẽ mất khá nhiều thời gian chuẩn bị theo đúng quy định của một dự án sử dụng vốn đầu tư công, bao gồm việc xác định chủ đầu tư; lập phê duyệt chủ trương đầu tư, nghiên cứu khả thi và lựa chọn nhà thầu. Trong khi đó, sức ép đối với Bộ GTVT đang tăng lên từng ngày, do hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn của 2 cảng hàng không này đã khai thác vượt tần suất so với thiết kế, dẫn tới các hư hỏng như: xô dịch, gãy vỡ, hằn lún mặt đường, phùi bùn tại các khe co giãn, bong bật, nứt vỡ các tấm bê tông.
Các cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã được ACV tự bỏ kinh phí để khắc phục tạm thời đối với các điểm hư hỏng (trám vá bê tông nhựa, phun Uretek..) để đảm bảo phục vụ hoạt động bay an toàn. “Tuy nhiên, đây chỉ là các giải pháp tình thế, nếu không sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn, sẽ làm tăng nguy cơ gây mất an toàn khai thác bay tại các cảng trên”, ông Lê Anh Tuấn cho biết.