Đoàn kết – Nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ
Ban quản lý VQG Chư Mom Ray được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, kiểm tra, ngăn chặn vi phạm; thực hiện nghiên cứu khoa học; truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ rừng; bảo tồn thiên nhiên; cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật; phát triển du lịch sinh thái trên diện tích 56.249 ha rừng đặc dụng. Trong những năm qua, Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã có nhiều chuyển biến tích cực về hệ sinh thái, phát triển du lịch, những cánh rừng nơi đây được đảm bảo an toàn… để có được những kết quả đó chính là nhờ vào sự đoàn kết và nỗ lực của cả tập thể Ban quản lý VQG Chư Mom Ray nói chung và sự trách nhiệm của từng cán bộ, nhân viên BQL nói riêng.
Ông Đào Xuân Thuỷ - Giám đốc BQL VQG Chư Mom Ray cho biết: “ Chư Mom Ray đóng vai trò quan trọng trong điều hoà khí hậu, là nơi trú ngụ cụ hàng trăm loài động vật và hàng nghìn loài thực vật quý hiếm, ngoài ra còn đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, của địa phương… Do đó, công tác bảo vệ và phát triển rừng, hệ sinh thái tại đây được đơn vị xác định là nhiệm vụ trọng tâm, triển khai bám sát các văn bản chỉ đạo của các cấp, thực hiện nhiều giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”
Là địa bàn có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số, một số phong tục tập quán gắn với rừng nên công tác tuyên truyền được Ban quản lý đẩy mạnh, thường xuyên tổ chức các buổi phổ biến pháp luật qua đó góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng đối với người dân, vận động người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng, tố giác tội phạm… Trong năm 2022, đơn vị đã tổ chức 24 cuộc tuyên truyền cấp thôn với 840 lượt người dân tham gia. Nội dung tuyên truyền tập trung nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giá trị của rừng, tuyên truyền, giáo dục môi trường, giáo dục pháp luật để nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng “phong trào toàn dân tham gia quản lý bảo vệ rừng”. Duy trì hoạt động của 12 câu lạc bộ xanh tại 12 trường PTCS trên địa bàn hai huyện Sa Thầy - Ngọc Hồi, truyền thông nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên cho các em học sinh. Tặng 3.600 cuốn vở, 360 mũ, 360 áo thun, với số tiền 91.800.000 đồng cho các em học sinh Câu lạc bộ xanh các Trường PTCS trên địa bàn Sa Thầy và Ngọc Hồi. Triển khai ký 238 bản cam kết bảo vệ rừng, PCCCR với 238 hộ dân có nương rẫy giáp ranh với VQG, qua công tác ký cam kết đã nâng cao trách nhiệm của các hộ dân có nương rẫy giáp ranh với VQG trong các hoạt động bảo vệ rừng, ngăn ngừa vi phạm.
Thường xuyên tuần tra, kiểm tra trong rừng, kịp thời ngăn chặn các hành động vi phạm, đảm bảo tốt công tác PCCC rừng… Trong năm 2022, tổ chức thực hiện 3.834 cuộc kiểm tra, tuần tra trong rừng với 13.976 lượt người tham gia, trong quá trình tuần tra, kiểm tra rừng đã thu gỡ 7.281 dây bẫy các loại, kịp thời kiểm soát, trục xuất người vào rừng không có lý do chính đáng. Duy trì 21 chốt bảo vệ rừng tại các khu vực có nguy cơ xâm hại cao để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm, nhờ đó mà trong năm đã không xảy ra trường hợp vi phạm nào ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.
Bên cạnh việc bảo vệ, BQL cũng đã chú trọng đến công tác bảo tồn và phát triển sinh vật, Tiếp nhận cứu hộ 36 cá thể động vật hoang dã do các cơ quan chức năng xử lý chuyển giao và người dân tự nguyện giao nộp; lưu giữ, chăm sóc, bảo tồn 137 loài lan rừng (2.415 giò); gieo ươm 5.000 cây bản địa để phục vụ cho công tác trồng bảo tồn nguồn gen thực vật quý hiếm; cấp phát 4.900 cây bản địa (hương, trắc, bằng lăng, sao đen, xà cừ) cho các thôn, xã vùng đệm trồng cây phân tán; phối hợp với cộng đồng làng BarGok xã Sa Sơn trồng 2.900 cây phân tán nhân ngày ngày môi trường thế giới 05/6/2022. Thực hiện chăm sóc rừng trồng năm thứ ba 50 ha; chăm sóc rừng trồng năm thứ tư 7,3 ha; thực hiện nuôi dưỡng rừng 60 ha; các hạng mục lâm sinh đều thực hiện đúng quy định, đạt hiệu quả.
Thường xuyên quán triệt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, triển khai học tập Nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cho toàn thể viên chức, người lao động. Tổ chức cho viên chức, người lao động đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề năm 2022; có 21 vị trí lãnh đạo, chủ chốt đăng ký nêu gương. Triển khai việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định, trong năm không phát hiện vi phạm tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đơn vị…
Chư Mom Ray – Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng
Năm 2004, với giá trị về đa dạng sinh học, nguồn gen động vật, thực vật quý hiếm, do đó VQG Chư Mom Ray được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là vườn di sản ASEAN. Những nguồn tài nguyên phong phú tại VQG Chư Mom Ray không chỉ quan trọng với công tác bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn được đánh giá là nguồn tài nguyên du lịch tiềm năng. Tài nguyên du lịch tự nhiên tại VQG Chư Mom Ray nổi bật bởi hệ thống thác nước hùng vĩ như thác 7 tầng, thác Chàng, thác Bêrê Y,…
Hệ thống thác nước phân bố đều trong khu vực,có sức hút lớn đối với những người thích khám phá, yêu thiên nhiên, đồng thời có tiềm năng lớn để tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái (DLST) và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh những cảnh quan đẹp, xung quanh VQG còn có các di tích lịch sử, khảo cổ nổi tiếng, gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như: Điểm cao 1015 (Charlie), Điểm cao 1049 (Delta), Khu tưởng niệm liệt sĩ Chư Tan Kra, Di chỉ khảo cổ Lung Leng xã Sa Bình,...
Ngoài sự đa dạng về chủng loài động thực vật và các nguồn tài nguyên du lịch nói trên thì bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) tại đây cũng trở thành nguồn lực du lịch quan trọng. Một số cộng đồng vẫn còn được lưu giữ, bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống như dân tộc Ba Na, Ja Rai, Kờ Dong, Rơ Mâm
“Với những gì mà Chư Mom Ray đang có, vườn đã xây dựng đề án “Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Chư Mom Ray giai đoạn 2021-2030” và vừa qua đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hiện nay thì đang trong giai đoạn quảng bá và kêu gọi thu hút đầu tư từ các đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước vào các hạng mục, lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… Tuy nhiên, đề án cũng đã nêu rõ về nguyên tắc phát triển du lịch, xây dựng dựa trên các quy phạm pháp luật liên quan, chú trọng Phát triển các hoạt động du lịch sinh thái theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, đồng thời phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đem lại lợi ích cho cộng đồng địa phương; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội” ông Đào Xuân Thuỷ - Giám đốc VQG cho biết.
Tiềm năng phát triển du lịch của VQG Chư Mom Ray nói riêng và huyện Sa Thầy nói chung là rất lớn, song nhiều năm nay tiềm năng đó chưa được khai thác. Vì vậy, việc xây dựng “Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Chư Mom Ray giai đoạn 2021-2030” là cần thiết và cấp bách. Đề án giúp VQG Chư Mom Ray từng bước khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử,... để phát huy các lợi thế du lịch trên cơ sở khai thác các điều kiện thực tế về thiên nhiên, văn hóa, con người. Qua đó, Đề án góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển, nâng cao đời sống người dân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên và gìn giữ văn hóa truyền thống.
Thế Hùng