09/12/2024 lúc 14:41 (GMT+7)
Breaking News

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn "Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội" tổ chức sáng 7/4, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, trong bối cảnh nguồn thu NSNN bị suy giảm, nhưng Bộ Tài chính vẫn luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng DN thông qua các giải pháp hỗ trợ để DN an tâm vượt qua khó khăn, , đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho NSNN và cũng là thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Diễn đàn

Hỗ trợ DN cũng là thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài

Theo Bộ trưởng , dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã mang lại những thách thức chưa từng có, tác động rất lớn đến sự phát triển chung của thế giới cũng như Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế - xã hội của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt trong năm 2021 vừa qua. Ngay khi dịch Covid-19 xảy ra, từ đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp, chính sách về tài khoá nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch.

Theo đó, năm 2020, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ nêu trên khoảng 129 nghìn tỷ đồng. Một năm sau, trước diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19, các giải pháp hỗ trợ đã được tiếp tục triển khai ở mức cao hơn cả về nội dung và giá trị hỗ trợ với tổng quy mô khoảng 145 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn kinh phí mua vắc-xin phòng Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí kinh phí từ nguồn tiết kiệm chi (thông qua cắt giảm chi thường xuyên) và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020 với số tiền 14,62 nghìn tỷ đồng để tập trung chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19; cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022. Đồng thời, đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập "Quỹ vắc-xin" để huy động thêm nguồn kinh phí cho nhiệm vụ này.

Bộ trưởng thông tin, tính từ khi có dịch Covid-19 đến hết quý 1/2022, NSNN đã chi khoảng 128,5 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn, trong đó ngân sách Trung ương đã chi khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng và các địa phương đã chi khoảng 97 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã kịp thời xuất cấp vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch; xuất cấp khoảng 222,4 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, đặt trong bối cảnh nguồn thu NSNN bị suy giảm (vừa chịu sức ép từ suy giảm trong sản xuất kinh doanh, vừa giảm thu do thực hiện các giải pháp hỗ trợ), trong khi đó vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh... đã tạo ra thách thức lớn với cân đối NSNN. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng DN thông qua các giải pháp hỗ trợ để DN an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh qua đó đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho NSNN và cũng là thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.

"Chúng tôi đã nghe ý kiến của các DN và xin tiếp thu để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền với lãnh đạo Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc cho DN phát triển. Đồng thời, chúng tôi cũng suy nghĩ về việc ban hành chính sách để đảm bảo mục tiêu tài chính đất nước phát triển, tài chính dân cư phát triển, đảm bảo phát triển hài hòa, mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Không lấy chênh lệch giá xăng làm nguồn thu

Trước một số vấn đề nóng được đưa ra thảo luận tại diễn đàn, trong đó có việc giá xăng dầu tăng mạnh ảnh hưởng đến hồi phục, phát triển kinh tế, Bộ trưởng khẳng định, không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu mà luôn tính toán tác động đến nền kinh tế. Nhưng muốn kiểm soát giá xăng dầu phải có giải pháp tổng thể, không phải chỉ giảm thuế.

Theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính luôn có tính toán để làm sao đảm bảo tính đồng bộ quan hệ cung cầu, quỹ xăng dầu, giảm thuế, chống buôn lậu, đảm bảo nguồn cung để có tác động tích cực tới nền kinh tế. Giá xăng dầu của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn Lào, Trung Quốc và một số quốc gia lân cận là nỗ lực lớn của cơ quan quản lý.

"Vấn đề Bộ Tài chính đặt ra là làm sao phát triển DN, ngay cả khi thực hiện gói kích cầu. Việc kéo dài gói kích cầu từ năm 2022 đến hết năm 2023 đòi hỏi các công trình cơ bản, đầu tư công phải được thực hiện nhanh trước bối cảnh giá thép lên, xăng dầu lên, cung ứng vật tư kịp thời, Bộ Tài chính yêu cầu các tỉnh phải ban hành đơn giá nguyên vật liệu hàng tháng để doanh nghiệp đỡ thiệt thòi, thu hồi nhanh, thực hiện dự án nhanh", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Đối với việc hoàn thuế cho ngành điện, Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban nghị quyết tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thuế giá trị gia tăng đối với các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn cần nhiều vốn.

Chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN nói chung, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, hiện Dn cần nhất là thị trường, vốn, lao động và cơ sở hạ tầng, cởi mở thủ tục hành chính. Với chức năng, quyền hạn, phạm vi công tác, Bộ Tài chính sẽ cùng đồng hành với DN; đồng thời mong muốn DN tiếp tục phản ánh kịp thời các vướng mắc thông qua các hiệp hội để đưa tới cơ quan quản lý. Bộ Tài chính sẽ thường xuyên giao ban với lãnh đạo tỉnh bằng hình thức trực tuyến để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn thuộc quản lý, quyền hạn của Bộ Tài chính.