30/11/2024 lúc 12:34 (GMT+7)
Breaking News

Bộ Tài chính dự thảo sửa quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thuế, hải quan

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập.

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, ngày 13/11/2020, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14 (Luật XLVPHC 2020). Luật XLVPHC 2020 sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm tái phạm; nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với vi phạm hành chính nhiều lần; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; hành vi bị nghiêm cấm. Do đó, để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật XLVPHC 2020, việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính nêu trên là cần thiết.

Dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên quan điểm bảo đảm tăng cường hiện đại hóa, công khai minh bạch đối với các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực trực tiếp tác động đến người dân, doanh nghiệp.

Đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, dự thảo đề xuất phạt tiền từ 4-8 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập; làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ…

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ.

Về miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, dự thảo nêu rõ: Các trường hợp miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; thẩm quyền, trình tự, thủ tục miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thực hiện theo quy định tại khoản 38 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Mức miễn, giảm tiền phạt tối đa bằng số tiền phạt trong quyết định xử phạt và không quá giá trị tài sản, hàng hoá bị thiệt hại, sau khi trừ đi giá trị được bảo hiểm, bồi thường (nếu có).  

Đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, dự thảo bổ sung nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với vi phạm hành chính nhiều lần. Theo đó, tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ một số trường hợp quy định khác.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của hải quan, dự thảo đề xuất Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan, cục trưởng cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền: Phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với cá nhân; phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với tổ chức; tịch thu tang vật vi phạm hành chính.

Đồn trưởng đồn biên phòng, hải đội trưởng hải đội biên phòng, chỉ huy trưởng ban chỉ huy biên phòng cửa khẩu cảng có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 20 triệu đồng đối với cá nhân; phạt tiền đến 40 triệu đồng đối với tổ chức…