22/01/2025 lúc 16:52 (GMT+7)
Breaking News

Bộ GTVT: Kiên quyết điều chuyển vốn dự án giải ngân chậm, kém hiệu quả

Bộ GTVT cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ kiên quyết điều chuyển vốn những dự án có kết quả giải ngân chậm, không hiệu quả sang những dự án có tốc độ giải ngân nhanh nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu giải ngân của Bộ.

Ngày 28/6, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.

6 tháng đầu năm, Bộ GTVT giải ngân 17.200 tỷ đồng

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Vụ KH-ĐT, Bộ GTVT) cho biết, năm 2022, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước tổng số 50.328 tỷ đồng; gồm: 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài và 45.451 tỷ đồng vốn trong nước.

Tính đến nay, Bộ GTVT đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư, ban QLDA tổng số 45.343 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Toàn cảnh Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022

Trong đó, phân bổ toàn bộ 4.877 tỷ đồng (100%) vốn nước ngoài và 40.466 (89%) vốn trong nước. Còn lại 4.985 tỷ đồng vốn trong nước chưa phân bổ kế hoạch, Bộ GTVT dự kiến bố trí cho 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sau khi có quyết định phê duyệt dự án đầu tư và được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn vốn thực hiện.

Đến hết tháng 6/2022, dự kiến Bộ GTVT giải ngân khoảng 17.200 tỷ đồng, đạt 39,8% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 34,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Đã duyệt quyết toán 33 dự án, hạng mục công trình, giá trị 21.671 tỷ đồng

Theo lãnh đạo Vụ KH-ĐT, khối lượng giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2022 còn rất lớn, khoảng 33.100 tỷ đồng.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ GTVT cho biết đã đề ra nhiều giải pháp, có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đẩy mạnh giải ngân tại các dự án có kế hoạch còn lại lớn, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành trong năm 2022 như: các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các dự án đường sắt cấp bách, Tân Vạn - Nhơn Trạch, tuyến tránh Long Xuyên, dự án kết nối giao thông Tây Nguyên,...

Trong thời gian tới, Bộ GTVT cho biết sẽ chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Kiên quyết điều chuyển vốn những dự án có kết quả giải ngân chậm, không hiệu quả sang những dự án có tốc độ giải ngân nhanh nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu giải ngân của Bộ.

Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí

Cũng tại hội nghị, thông tin về tình hình trật tự an toàn giao thông, ông Nguyễn Trí Đức, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc tăng giá nhiên liệu đầu vào, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, xung đột vũ trang tại một số khu vực trên thế giới… đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội nhưng về tổng thể ngành GTVT tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu vận tải, phục vụ đầy đủ, kịp thời nhu cầu đi lại của người dân, doanh nghiệp.

Đối với công tác bảo đảm TTATGT, Bộ GTVT luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả rất nhiều giải pháp bảo đảm TTATGT.

Ông Nguyễn Trí Đức, Chánh Văn phòng Bộ GTVT

Theo số liệu của Ủy ban ATGT Quốc gia trong 6 tháng đầu năm toàn quốc xảy ra 5.703 vụ TNGT, làm chết 3.314 người, bị thương 3.690 người. So với cùng kỳ năm 2021, giảm 663 vụ (-10,41%), tăng 79 người người chết (2,44%), giảm 793 người bị thương (-17,69%).

“Để có được kết quả này, thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả rất nhiều giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; kịp thời xử lý các điểm đen mới phát sinh, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; tăng cường phòng hộ, chỉnh trang hệ thống báo hiệu đường bộ; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn tham gia giao thông an toàn trong các điều kiện thời tiết xấu.

Đặc biệt, lực lượng chuyên ngành của Bộ GTVT đã phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về tải trọng xe; tập trung xử lý, đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, xử lý chống ngập trên quốc lộ (41 điểm ngập) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Đức thông tin.

Chánh văn phòng Bộ GTVT cũng cho biết thời gian tới, các đơn vị liên quan thuộc Bộ GTVT sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát trật tự trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông và công tác phòng chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải.

Trong đó, chú trọng quản lý các bến xe, bãi đỗ xe, nhà ga, cảng, cảng bến thủy nội địa, cảng hàng không; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của đội ngũ lái xe, lái tàu, các đơn vị kinh doanh phục vụ hoạt động vận tải”.

Nguyễn Lâm