Theo thống kê của Bộ Công thương, trong 4 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu đã được điều chỉnh 06 lần tăng liên tiếp và đã tăng 27% so với giá xăng đầu năm và 50% so với giá xăng bình quân năm 2021. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động. Đặc biệt, giá vé tăng cao cũng khiến đời sống của người dân thêm phần khó khăn.
Mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế: giá trị gia tăng (VAT 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (với xăng E5RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng.) Như vậy, ước tính, bình quân thuế, phí hiện chiếm khoảng từ 42-43% đối với xăng và 21-27% đối với dầu. Do đó, việc điều tiết hợp lý các loại thuế đối với xăng, dầu sẽ có tác động lớn đối với giá nhiên liệu trong nước.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian qua, để thực hiện mục tiêu giữ ổn định giá và kiểm soát lạm phát, trongthời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá.
Đồng thời, có văn bản chỉ đạo các Sở GTVT tham mưu cho UBND theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc tăng giá dịch vụ vận tải đường bộ phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu vé đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
“Bên cạnh đó, Bộ GTVT đang triển khai các giải pháp thể chế như: cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Quyết định số 1977/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa; nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển đội tàu biển”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Trước tình hình biến động giá nhiên liệu tăng cao, Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách nhằm kiểm soát và hỗ trợ hoạt động sản xuất của người dân và doanh nghiệp như giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; triển khai các giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như trong năm 2022, áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%), gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất,...
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng các hỗ trợ vừa qua là chưa đủ. Do đó, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương triển khai các giải pháp để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn này.
Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách miễn, giảm phí sử dụng hạ tầng đường sắt, phí ra vào vùng nước cảng biển, cảng thủy nội địa; đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đồng thời, UBND các địa phương xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách miễn giảm phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển; phí đậu, đỗ đón khách tại nhà ga, bến cảng.
Về phần mình, Bộ GTVT xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách giá dịch vụ liên quan đến hoạt động hàng không nhằm hỗ trợ các hãng hàng không.
"Các Bộ, ngành khẩn trương triển khai nhanh chóng và có hiệu quả các gói phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, Công điện số 291/CĐ-TTg ngày 31/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên doanh nghiệp vận tải tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.