23/01/2025 lúc 16:33 (GMT+7)
Breaking News

Bệnh 'ảo tưởng sức mạnh' của người trẻ khi đi xin việc

VNHNO - Các chuyên gia tuyển dụng chia sẻ rằng có nhiều bạn trẻ khá "ảo tưởng sức mạnh" về năng lực chính mình khi đi xin việc khiến nhiều nhà tuyển dụng phải lắc đầu ngao ngán.

VNHNO- Các chuyên gia tuyển dụng chia sẻ rằng có nhiều bạn trẻ khá "ảo tưởng sức mạnh" về năng lực chính mình khi đi xin việc khiến nhiều nhà tuyển dụng phải lắc đầu ngao ngán.

Ảo tưởng về môi trường làm việc

Là một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông với nhiều năm kinh nghiệm tham gia những buổi phỏng vấn tuyển dụng, chị Vũ Nguyễn Thùy Vân (Q.3, TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ nhiều lần chị khá bức xúc với những ứng viên "ảo tưởng". "Những ứng viên này luôn đòi hỏi nơi tuyển dụng phải có môi trường chuyên nghiệp, trong khi chính bản thân các bạn ấy không hiểu đúng được khái niệm về môi trường chuyên nghiệp là như thế nào". Hầu hết các bạn ấy quan niệm rằng môi trường chuyên nghiệp đại loại là lương cao, thưởng đều, sếp hiền như bụt và được làm việc theo hứng thú bất chấp quy tắc của cơ quan...

Cùng một nhận định như trên, CEO Đoàn Công Chung, Công ty cổ phần tập đoàn CGROUP (Trụ sở ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh) cho biết có những bạn sinh viên đã tốt nghiệp ở trường Đại học lớn đàng hoàng, đến xin việc với đòi hỏi mức lương cơ bản từ 8 triệu thậm chí chục triệu, tuy nhiên khi nói đến các kỹ năng thì mới phát hiện đến cả vi tính văn phòng các bạn cũng chưa thành thạo. "Đa số các bạn đều muốn có mức lương thật cao, môi trường làm việc lý tưởng nhưng lại không chịu được áp lực, không vượt qua được áp lực, không chịu hoàn thiện bản thân cũng như một kiến thức và kỹ năng vững chắc để làm nền" CEO Đoàn Công Chung cho biết.

Thay vì đòi hỏi môi trường làm việc thì hãy tập thích nghi với môi trường ấy

“Có khi tôi nghĩ do các em xem nhiều phim, đọc nhiều tiểu thuyết, theo dõi nhiều show truyền hình thực tế nên chắc bị lầm tưởng giữa môi trường trong phim ảnh với cuộc sống thực tế và tự vẽ nên một bức tranh về môi trường làm việc cho mình” nhà tuyển dụng Thùy Vân cho hay.

Đó chỉ là một số trong rất nhiều câu chuyện mà phía nhà tuyển dụng gặp phải khi tuyển ứng viên. Trong số ấy rất nhiều người trẻ với kinh nghiệm phục vụ cho công việc rất ít, không cho thấy được năng lực phù hợp với vị trí ứng tuyển. Thế nhưng lúc phỏng vấn lại đòi hỏi một mức lương khiến nhà tuyển dụng phải giật mình.

Vẫn biết mỗi chúng ta đi làm mục đích là để kiếm tiền, nhưng trước khi kiếm được tiền từ nhà tuyển dụng thiết nghĩ chúng ta phải bỏ công sức sao cho xứng đáng bởi lẽ không nhà tuyển dụng nào bỏ tiền ra để trả lương cho một công việc không tương xứng. Ở Trung Quốc có một quan niệm rất hay rằng: "Đến một công ty làm việc, đừng chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền, mà hãy học sao cho mình đáng đồng tiền trước đã!"

Hiểu đúng môi trường làm việc chuyên nghiệp

Nói về nhiều trường hợp "ảo tưởng sức mạnh" bản thân khiến nhiều bạn hiểu sai về môi trường làm việc chuyên nghiệp, CEO CGROUP cho biết: "Các bạn phải hiểu được công việc mình bắt đầu từ đâu, kết thúc thế nào. Phải biết mình chỉ là một mắc xích trong một quy trình vận hành để cùng phối hợp cho nhịp nhàng chứ không phải tự cho mình là quy trình đó".

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm làm việc, CEO Nguyễn Minh Hoàng cho rằng "môi trường làm việc chuyên nghiệp tức là các bạn phải hoàn thành công việc khi được giao. Dù các bạn có hứng thú hay không hứng thú, sức khỏe hay tâm sinh lý có ổn định hay không thì vẫn phải hoàn thành. Đó gọi là thái độ chuyên nghiệp".

Thái độ làm việc rất quan trọng khi bắt đầu cho công việc mới

"Các bạn cứ hình dung rằng mình đang ở trong nhà máy sản xuất gà chiên và bạn phụ trách công đoạn vặt lông gà, bạn tiếp theo làm công đoạn chặt gà... Hôm nay trái gió trở trời, mặt trời không đủ sáng để bạn quang hợp tạo ra hứng, bạn không làm việc vặt lông gà, hoặc bạn làm như mèo mửa. Dây chuyền vẫn phải chạy, vậy là hoặc là không có gà để chiên, hoặc sẽ có món gà chiên cả lông, khách không vào mua, công ty không có doanh thu, nhưng bạn vẫn đòi hưởng lương bình thường coi sao được" nhà tuyển dụng Thùy Vân ví von.

Hầu hết với những bạn "ảo tưởng sức mạnh" thì trong thời gian thử việc sẽ được nhà tuyển dụng quan tâm, động viên để khắc phục. Tuy nhiên nếu sau thời gian thử việc mà các bạn ấy không thay đổi theo hướng tích cực thì bắt buộc nhà tuyển dụng phải cho nghỉ. Và có một vấn đề các ứng viên cần lưu ý thêm rằng: Khi bắt đầu công việc ở một môi trường mới, thay vì các bạn mong muốn, đòi hỏi được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp thì các bạn hãy tự biến mình thành chuyên nghiệp để phù hợp với môi trường đó.

Không phù hợp thì quay lại nói xấu công ty

Chính vì tâm lý luôn đòi hỏi nhà tuyển dụng về một môi trường làm việc khá "trên trời" đó đã đẩy một số bạn trẻ cảm thấy "hụt hẫng", "vỡ mộng" khi đối diện với những áp lực trong môi trường thực tế. Bởi lẽ công việc nào cũng phải có áp lực, môi trường nào cũng có áp lực. Nếu không vượt qua được áp lực công việc cũng đồng nghĩa các bạn không vượt lên chính bản thân mình. Nếu các bạn tự vẽ cho mình một viễn cảnh công việc hết sức trơn tru thì khi đối diện với áp lực công việc thường cảm thấy dễ chán nản rồi dẫn tới nhảy việc để tìm việc khác.

Không chỉ vậy, "có những bạn sau khi không vượt qua được những thử thách từ nhà tuyển dụng thì ra đi, sau khi ra khỏi công ty thì quay lại nói xấu đủ điều về nơi từng gắn bó, thậm chí dùng mạng xã hội để hô hào kêu gọi tẩy chay này nọ". Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Minh Hoàng, CEO của yThink Marketing Solution (Q.8, TP.Hồ Chí Minh). Thực tế hành động nói xấu công ty cũ chỉ làm xấu chính hình ảnh các bạn, chứng minh rằng những bạn ấy là người vừa thiếu chuyên nghiệp, vừa chẳng ra gì. Bởi lẽ chẳng ai đi tuyển dụng một người thích nói xấu công ty cũ bao giờ.

Bà Phan Thị Minh Tâm, phụ trách nhân sự Công ty TNHH Nam Hà (tỉnh Bình Dương) kể: “Có lần phỏng vấn 5 ứng viên thì có tới 3 người đổ lỗi cho công ty cũ khi nói về lý do nhảy việc. Chúng tôi không tuyển những người này vì họ có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh công ty sau khi nghỉ việc”.

... và tuyệt đối đừng bao giờ nói xấu công ty cũ, nơi mà ta từng gắn bó...

Một lời khuyên của hầu hết các nhà tuyển dụng dành cho các bạn trẻ là khi nhận ra môi trường làm việc thực tế không giống trong mơ mộng, thay vì hờn dỗi, trách móc thậm chí nhảy việc để rồi quay lại nói xấu công ty cũ thì các bạn hãy ra sức tìm cách thích nghi với môi trường làm việc ấy. Bởi lẽ nhà tuyển dụng không bao giờ đánh giá cao những ứng viên thường xuyên thay đổi công việc với lý do không phù hợp.

Và một điều các bạn nên lưu ý là dù đã nghỉ việc ở công ty cũ nhưng hãy nhớ đó từng là nơi mà ta từng gắn bó, từng cùng nhau chia sẻ khó khăn, từng mang lại tiếng cười cho nhau. Vì một lý do nào đó mà chúng ta không thể gắn bó với nơi đó nhưng hãy giữ hình ảnh tốt cho nơi mình đã từng đầu quân. Vì khi bạn nói xấu về nơi đó, chẳng khác nào bạn làm bẩn chính gương mặt của mình. Và trước khi nói xấu công ty cũ chúng ta nên tự hỏi rằng lý do vì sao trước kia ta bắt đầu công việc từ nơi đó./.


“Về chuyên môn, hầu hết các ứng viên đều đáp ứng yêu cầu khi phỏng vấn. Tuy nhiên, nếu họ không hề nhìn lại bản thân mà còn nói xấu nơi mình từng gắn bó một cách thiếu kiểm soát. Việc họ chê sếp cũ cổ hũ, thiếu năng lực; đồng nghiệp không hòa đồng hay phúc lợi không tốt... chỉ làm chúng tôi mất lòng tin, không muốn tuyển”- Bà Phan Thị Minh Tâm, phụ trách nhân sự Công ty TNHH Nam Hà (tỉnh Bình Dương) cho biết.