07/07/2024 lúc 06:41 (GMT+7)
Breaking News

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong 50 năm qua

Các di tích, di sản thế giới ở Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ vào sự bền vững của môi trường. Sự đóng góp đó được biểu hiện trong việc bảo vệ, bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản (sự đa dạng đặc biệt về sinh học, về địa hình, nguồn nước, cảnh quan và những đặc điểm tự nhiên, những yếu tố căn bản khác).

 Màn xòe Thái tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2018.

I. Kết quả hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

1. Xây dựng, hoàn thiện thể chế

Ngay sau khi đất nước giành được độc lập, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL về “Bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam”, từ 1945 -1975, đã ban hành 01 Nghị định, 02 Chỉ thị và 01 Thông tư. Giai đoạn từ sau năm 1975 cho đến trước thời điểm Luật Di sản văn hóa năm 2001 ra đời, một số văn bản tiếp tục được ban hành, tiêu biểu như: Chỉ thị số 352-TTg ngày 07/ 10/1977 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo tồn di tích lịch sử của giai đoạn chống Mỹ cứu nước; Pháp lệnh số 14 LCT/HĐNN ngày 04/01/1984 về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh; Nghị định số 288-HĐBT ngày 31/12/1985 của Hội đồng Bộ trưởng quy định việc thi hành Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh...

Để hiện thực hóa Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII vào thực tiễn đời sống cuối năm 1998, việc soạn thảo Luật di sản văn hóa đã được triển khai. Luật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa X kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2001, xác định rõ vấn đề bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam (bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể) - đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa, phản ánh một bước chuyển biến rõ rệt, tích cực về nhận thức và quyết tâm của toàn xã hội trên hành trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Từ đó đến nay, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, hiện có 01 Luật, 01 Luật sửa đổi, bổ sung; 11 Nghị định của Chính phủ; 03 Quyết định và 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 18 Thông tư, 04 Quyết định, 01 Chỉ thị theo thẩm quyền; đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ để ban hành 02 Thông tư liên tịch.  Có thể khẳng định, Di sản văn hóa cũng là lĩnh vực chuyên ngành có hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh sớm nhất trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo thống kê từ Báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, đã có tổng cộng 300 văn bản liên quan được ban hành nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hầu hết Ủy ban nhân nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn; 08 Di sản thế giới đã ban hành Kế hoạch quản lý, Quy chế bảo vệ của từng khu di sản; nhiều địa phương đã ban hành quy chế quản lý và bảo vệ di sản văn hóa, quy chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành ở địa phương trong việc phối hợp thực hiện các nội dung quy định của pháp luật về di sản văn hóa và tôn giáo, tín ngưỡng.

2. Về xếp hạng, ghi danh di sản văn hóa

Theo số liệu thống kê trước năm 1975 công tác kiểm kê, xếp hạng, ghi danh di sản văn hóa chỉ mới thực hiện trên lĩnh vực di tích (năm 1962 là 62 di tích xếp hạng, năm 1964 là 31 di tích, năm 1974 là 10 di tích, năm 1975 là 13 di tích). Từ khi Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 có hiệu lực thi hành, hoạt động kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng/công nhận/ghi danh di sản văn hóa (trên các lĩnh vực di tích, di sản văn hóa phi vật thể, bảo vật quốc gia) mới được quan tâm, tổ chức thực hiện bài bản trên cả nước.

Theo kết quả kiểm kê di tích của các địa phương cho biết, trên cả nước hiện có gần 4 vạn di tích, trong đó, đã công nhận/xếp hạng 08 di sản thế giới, 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.628 di tích quốc gia, trên 11.000 di tích cấp tỉnh và nhiều công trình, địa điểm có giá trị tiêu biểu về văn hóa, khoa học, lịch sử đã được đặt dưới sự bảo vệ của pháp luật ; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê trên địa bàn cả nước, 560 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại các Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, 09 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới. Nhà nước đã tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nắm giữ và có công bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, qua các đợt xét tặng đã có 131 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và 1.619 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Các bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam đã ra đời vào đầu thế kỷ XX cùng với sự du nhập của văn hóa phương Tây vào Việt Nam. Đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ở Việt Nam, thông qua các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm, xây dựng sưu tập, người Pháp đã lần lượt cho xây dựng ở nước ta 7 bảo tàng lớn. Từ năm 1954 đến năm 1975, với sự giúp đỡ của một số nước Đông Âu, sự nghiệp bảo tàng Việt Nam đã có sự chuyển biến cơ bản. Năm 1958, từ cơ sở Bảo tàng Louis Finot, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ra đời. Năm 1959, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam khánh thành sau 5 năm thu thập tài liệu và chuẩn bị trưng bày. Cũng trong năm 1959, Bảo tàng Quân đội Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) được thành lập. Năm 1966, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đời. Bảo tàng này là nơi lưu giữ và giới thiệu các sưu tập hiện vật tiêu biểu về lịch sử mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là các tác phẩm mỹ thuật thời kỳ cận hiện đại. Cũng trong thời kỳ này, một số bảo tàng địa phương đầu tiên được thành lập: Bảo tàng Hải Phòng (1959), Bảo tàng Khu tự trị Việt Bắc (năm 1963, nay là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam).

Ở miền Nam, cho đến thời điểm thống nhất đất nước năm 1975, ngoài các bảo tàng do người Pháp xây dựng từ trước năm 1945, không có những bảo tàng lớn được xây dựng trong khoảng thời gian này. Từ năm 1975 đến năm 1986, có 44 bảo tàng được thành lập, khánh thành, trong đó nhiều bảo tàng tỉnh và thành phố. Từ năm 1986, cùng với quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, nhiều bảo tàng mới ra đời hoặc được nâng cấp với sự đầu tư lớn của nhà nước như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam... Cho đến nay, ở Việt Nam đã hình thành một mạng lưới với với 200 bảo tàng (gồm 127 bảo tàng công lập và 73 bảo tàng ngoài công lập), lưu giữ và trưng bày hơn 4 triệu tài liệu, hiện vật, 294 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.

3. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Những năm qua, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa ngân sách nhà nước hàng năm đều quan tâm cấp cho mục tiêu bảo tồn chống xuống cấp di tích, kết quả như sau: Giai đoạn 2001 - 2005: 533 di tích, kinh phí 518,35 tỷ đồng; giai đoạn 2006 - 2010: 1.218 di tích, kinh phí 1.510,47 tỷ đồng; giai đoạn 2011 - 2015: 1.302 di tích, kinh phí 1.436,844 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020: 471 di tích, kinh phí 245 tỷ đồng (Chưa bao gồm một số di tích quốc gia đặc biệt, Di sản thế giới được hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công); giai đoạn 2021 - 2025: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025. Công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã đạt được những hiệu quả tích cực, đã huy động được nguồn vốn không nhỏ từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng và nguồn vốn viện trợ của UNESCO, các tổ chức Chính phủ, phi chính phủ cho bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích. Theo số liệu thống kê từ các địa phương, giai đoạn 2010 - nay, nguồn xã hội hóa cho tu bổ, tôn tạo di tích lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Các bảo tàng tiếp tục được đổi mới về phương thức hoạt động, theo hướng tăng cường hiện vật gốc và ứng dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật để làm phong phú và hấp dẫn nội dung trưng bày, đổi mới hình thức phục vụ công chúng; xây dựng các phòng giáo dục và chương trình giáo dục dành riêng cho học sinh phổ thông; chủ động kết hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thường xuyên các cuộc trưng bày chuyên đề; kết hợp với việc trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể tại bảo tàng, nhằm thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống nâng cao văn hóa, khoa học cho công chúng, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Một số bảo tàng ngoài công lập có mô hình hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều đối tượng công chúng tham quan, góp phần phát triển du lịch, như: Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày (Hà Nội), Bảo tàng Đồng Quê (Nam Định), Bảo tàng Nước mắm Làng chài xưa (Bình Thuận), Bảo tàng Thế giới Cà phê (Đắk Lắk)...

Việc quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại di tích đã có những bước tiến rõ rệt hơn. Theo thống kê những năm gần đây số vụ mất cắp cổ vật tại di tích đã giảm hẳn cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng, hầu hết các vụ vi phạm đều được các cơ quan điều tra giải quyết kịp thời, nhiều vụ việc được xử lý, trả lại cổ vật bị mất cắp cho di tích. Hầu như không còn tình trạng thăm dò, khai quật địa điểm khảo cổ không có giấy phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trường hợp khai quật thông thường), của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trường hợp khai quật khẩn cấp). Việc tự ý tìm kiếm, đào bới làm sai lệch hoặc gây nguy cơ xâm hại, hủy hoại địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ; trao đổi, mua bán và vận chuyển trái phép di vật khảo cổ đã giảm hẳn.

Di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn đã trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế-xã hội cộng đồng cư dân tại địa phương. Các di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục quốc gia, quốc tế; các nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đẩy mạnh giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mình, tạo thêm động lực trong quá trình xã hội hoá các hoạt động bảo tồn di sản văn hoá. Tại một số địa phương, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu/dấu ấn riêng của địa phương có di sản (Lễ hội Đền Sóc, Chùa Hương ở Hà Nội, Lễ hội Đền Hùng Phú Thọ, Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc ở Hải Dương, Lễ hội Yên Tử ở Quảng Ninh, Ca Huế, Đua Ghe ngo Sóc Trăng, Lễ hội Bà Chúa Xứ An Giang, Lễ hội Ook om bok Trà Vinh, Lễ hội Kate hay Gốm Chăm ở Bàu Trúc Ninh Thuận...).

Các Di sản tư liệu góp phần vào việc tuyên truyền văn hóa đọc, nâng cao tinh thần ham học, giáo dục truyền thống lịch sử, phát huy bản sắc dân tộc: Từ nội dung đơn giản giáo dục về lịch sử, địa lý, truyền thống hiếu học hay những câu chuyện về đạo làm người... cho các lứa tuổi học sinh trong sách giáo khoa của Mộc bản trường Phúc Giang; đến triết lý sử dụng nhân tài đất nước như “hiền tài là nguyên khí quốc gia” trên Bia Tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long; hay những chặng đường hình thành lịch sử của Phật giáo và những đúc kết từ hiện thực cuộc sống về các bài thuốc dân gian, đánh dấu sự phát triển của y học, khoa học… chứa đựng trong Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Ngoài ra, Di sản tư liệu còn góp phần quan trọng trong việc xác định và bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc, nghiên cứu tổ chức, bộ máy điều hành của triều đại phong kiến (Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Hoàng Hoa sứ trình đồ - Hành trình đi sứ Trung Hoa).

4. Vị thế của di sản văn hóa trên trường quốc tế

Trên lĩnh vực quốc tế, Việt Nam đã từng bước ký kết, tham gia và trở thành thành viên chính thức của 04/06 Công ước UNESCO, đó là: Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, Công ước UNESCO 2003 về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, Công ước UNESCO 2005 Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Việc tham gia các Công ước nói trên đã chứng tỏ sự hội nhập thực sự của Việt Nam vào cộng đồng quốc tế trên lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trước năm 1975 Việt Nam chưa có di sản được UNESCO ghi danh/công nhận, nhưng đến nay chúng ta đã có 32 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh/công nhận.

Uy tín và kinh nghiệm của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận, thông qua việc tín nhiệm bầu chọn nhiều vị trí quan trọng trong cơ chế hợp tác UNESCO như: Thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013 - 2017, 2023 - 2027 ; Ủy ban liên Chính phủ, Đại hội đồng Công ước UNESCO 2005; thành viên Ban tư vấn Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003; Ủy viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015 - 2019, 2021 - 2025. Đặc biệt, ngày 22/11/2023 tại thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước 1972, Việt Nam đã trúng cử trở thành Thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 với số phiếu cao nhất (121/170 phiếu) trong số các nước ứng cử thuộc nhóm Châu Á - Thái Bình Dương.

5. Đóng góp của di sản văn hóa cho phát triển kinh tế xã hội và môi trường bền vững

Các di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh và được tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ đỏ trong việc thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu. Như Quần thể di tích Cố đô Huế (năm 1993) và Vịnh Hạ Long (năm 1994) từ khi mới được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới chỉ có vài chục nghìn khách du lịch, đến nay đã thu hút tới hàng triệu khách tới tham quan, nghiên cứu. Đặc biệt Quần thể danh thắng Tràng An, thời điểm lập hồ sơ đề cử năm 2012 chỉ có trên 01 triệu lượt khách, đến năm 2019 (sau 05 năm được UNESCO ghi danh) đã thu hút hơn 6,3 triệu lượt khách. Năm 2019, riêng 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam đã đón khoảng 21.336.148 khách du lịch (trong đó có 10.656.114 khách quốc tế), với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 3.123 tỷ đồng.

Năm 2023, Vịnh Hạ Long (đón 2,68 triệu khách, doanh thu đạt 780 tỷ đồng), Quần thể di tích Cố đô Huế (đón 2,325 triệu khách, tổng doanh thu 355,938 tỷ đồng), Khu Phố cổ Hội An (khoảng 1,7 triệu khách, thu từ vé tham quan đạt khoảng 194,5 tỷ đồng), Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (đón 696.167 khách, doanh thu đạt 278 tỷ đồng), Khu đền tháp Mỹ Sơn (đón 380.000 khách, doanh thu đạt 60,305 tỷ đồng), Hoàng thành Thăng Long đón 702.871 khách, doanh thu đạt 15 tỷ 541 triệu đồng), Quần thể danh thắng Tràng An (đón hơn 4,6 triệu khách, tổng doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.527 tỷ đồng). Các số liệu thống kê đã cho thấy sự đóng góp to lớn của di sản thế giới trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và địa phương kể từ khi được UNESCO ghi danh. Nguồn thu từ ngành du lịch và dịch vụ thương mại nói chung, từ các Di sản thế giới nói riêng đã đóng góp đáng kể vào tổng GDP của các địa phương có Di sản thế giới.

Các di tích, di sản thế giới ở Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ vào sự bền vững của môi trường. Sự đóng góp đó được biểu hiện trong việc bảo vệ, bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản (sự đa dạng đặc biệt về sinh học, về địa hình, nguồn nước, cảnh quan và những đặc điểm tự nhiên, những yếu tố căn bản khác). Trong số các di tích, không ít di sản có các khu vực bảo vệ rộng lớn và còn gìn giữ, bảo tồn hệ sinh thái đa dạng về động, thực vật, nước, hang động, rừng, không khí (Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quần thể danh thắng Tràng An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Yên Tử, Vườn Quốc gia Cát Tiên)... Chính điều đó đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo môi trường bền vững, giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cũng cần phải nói đến các hoạt động được phép diễn ra tại các di tích, di sản thế giới đều được kiểm soát và áp dụng các biện pháp khai thác theo hướng bảo vệ môi trường bền vững, theo đặc thù riêng của từng di sản.

Các di tích, di sản thế giới cũng đóng góp vào việc phát triển xã hội, kinh tế bền vững. Có thể minh chứng điều này qua trường hợp Khu phố cổ Hội An, với việc chính quyền và nhân dân thành phố Hội An đã đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới và đã đạt được những kết quả nổi bật, đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển du lịch - dịch vụ và thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với số lượng khách tham quan Khu phố cổ Hội An ngày càng tăng, từ gần 879 nghìn khách năm 2006 đến năm 2019 đã tăng lên gần 2,5 triệu lượt. 20 năm qua (từ khi trở thành Di sản thế giới) ngành kinh tế này đã tăng vượt bậc và hiện chiếm tỷ trọng hơn 70% so với GDP toàn thành phố. Các nguồn thu này đã giúp bổ sung phần đáng kể vào nguồn tài chính dành cho các chi phí địa phương trong việc cải thiện cơ cở hạ tầng, giáo dục, y tế, an ninh và cho chính việc bảo tồn Di sản thế giới Khu phố cổ Hội An. Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật và các dịch vụ phục vụ du khách ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, tại các khu di sản hình thành các tuyến, điểm du lịch với các hình thức du lịch có trách nhiệm, bền vững như du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch làng vườn, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch biển... vừa tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa mới, vừa góp phần giảm tải cho các khu vực vùng lõi của di sản, góp phần giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương. Ngoài ra, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tại khu di sản, nhất là làng nghề truyền thống, nghệ thuật biểu diễn truyền thống được khôi phục, phát huy, ngày càng thu hút du khách.

II. Những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

1. Khó khăn, vướng mắc

- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa còn chưa xử lý được đầy đủ những phát sinh, vướng mắc trong quá trình quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Việc tuyên truyền, quảng bá và xây dựng các sản phẩm du lịch gắn trực tiếp với từng khu di sản, thể hiện và phát huy được nét đặc thù của địa phương ở một số khu di sản chưa đạt hiệu quả cao. Công tác truyền thông, xúc tiến du lịch và tổ chức các hoạt động dịch vụ tại một số khu di sản còn hạn chế, thậm chí còn làm méo mó di sản, ảnh hưởng đến thương hiệu và sức thu hút khách tham quan. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia chưa bắt kịp được yêu cầu.

- Kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, hiệu quả đầu tư chưa cao. Việc thu hút các nguồn lực xã hội hóa cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa thực sự có hiệu quả.

- Nhiều bảo tàng cấp tỉnh vẫn phải dùng chung trụ sở với đơn vị khác, rất khó khăn khi triển khai hoạt động. Nhiều trụ sở bảo tàng cấp tỉnh hiện nay chỉ là các công trình kiến trúc vốn xây dựng cho những mục đích sử dụng khác (kho tàng, công sở, thậm chí là nhà thờ công giáo...), nay được cải tạo để làm bảo tàng, nên không đáp ứng yêu cầu về không gian chức năng và kỹ thuật. Đối với một số công trình nhà bảo tàng được xây dựng mới, khi triển khai các dự án xây dựng thì nguồn kinh phí đầu tư cho trưng bày bảo tàng chưa được chú trọng, còn khá phổ biến tình trạng chỉ chú trọng đầu tư cho phần xây “vỏ” ngôi nhà, chưa đầu tư thỏa đáng cho phần trưng bày và việc chuẩn bị cho trưng bày chưa được đi trước một bước.

- Nhận thức xã hội về di sản văn hóa chưa thật sự đồng đều, sâu sắc và toàn diện, nhất là trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; việc tuyên truyền, quảng bá về di sản văn hóa chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

- Một số ít địa phương, đơn vị chưa chấp hành tốt pháp luật về di sản văn hóa, còn để xảy ra vi phạm trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích; một số địa phương chưa quan tâm đầu tư kinh phí đúng mức cho hoạt động tu bổ di tích dẫn đến tình trạng một số di tích bị xuống cấp, ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân.

2. Nguyên nhân chủ yếu

- Hệ thống văn bản pháp luật về di sản văn hóa vẫn còn thiếu đồng bộ, một số nội dung vẫn bị chồng chéo bởi các luật khác, nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

- Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển chưa được xử lý hài hòa. Việc bảo tồn chưa được ưu tiên và coi trọng, tại các khu di sản, việc phát triển du lịch một cách mạnh mẽ trong khi chưa có đủ cơ sở hạ tầng, chưa có những công cụ pháp lý hữu hiệu để điều chỉnh các hành vi liên quan đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội.

- Việc tuyên truyền, quảng bá và xây dựng các sản phẩm du lịch gắn trực tiếp với từng khu di sản, thể hiện và phát huy được nét đặc thù của địa phương ở một số khu di sản chưa đạt hiệu quả cao. Công tác truyền thông, xúc tiến du lịch và tổ chức các hoạt động dịch vụ tại một số khu di sản còn hạn chế, thậm chí còn làm méo mó di sản, ảnh hưởng đến thương hiệu và sức thu hút khách tham quan. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia chưa bắt kịp được yêu cầu.

- Tư duy của cán bộ quản lý di sản văn hóa còn chậm đổi mới, vẫn còn tâm lý trông chờ, chưa thực sự mạnh mẽ, quyết đoán, bứt phá để tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng được cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động lâu dài. Nhận thức của chính quyền các cấp về di sản văn hóa phi vật thể là không đồng đều. Cho nên cần thiết xây dựng chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể ở các cấp.

III. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 09/6/2014, Hội nghị lần thứ Chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đã xác định rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung giữ vai trò thiết yếu trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, đặc biệt là nhiệm vụ thứ nhất - Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện “Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc” và nhiệm vụ thứ tư - Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội; là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Nhằm đẩy mạnh công tác phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa, trong thời gian tới cần triển khai, một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về di sản văn hóa, tập trung vào việc xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành, theo định hướng: Hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng; Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương; tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...

Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa thông qua việc tăng cường công tác tuyên truyền và đa dạng hóa cách thức phổ biến pháp luật về di sản văn hóa, để các cấp quản lý và từng người dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc cùng chung tay bảo vệ di sản. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, gắn kết di sản với phát triển du lịch, thu hút du khách tham quan, góp phần phát triển du lịch bền vững, nâng cao đời sống cộng đồng địa phương.

Tiếp tục nghiên cứu, lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận các di sản văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Trong đó, chú trọng đến di sản văn hóa ở những khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông chưa phát triển, nhưng lại có văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nên có sức thu hút lớn khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu (như: Khu di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Địa đạo Củ Chi, Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê…).

- Đẩy mạnh hoạt động bảo tồn với phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua phát triển du lịch bền vững là hướng đi ưu việt để di sản văn hoá được tồn tại bền vững. Đẩy mạnh hợp tác đầu tư của doanh nghiệp để hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ, đón tiếp khách du lịch tại các Di sản Thế giới, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đón tiếp, thuyết minh đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi và sự thoải mái cho khách du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hoạt động trải nghiệm, vui chơi, giải trí…  Đồng thời, hỗ trợ đầu tư, phát triển các loại hình du lịch cộng đồng tại các di tích trọng điểm, vừa thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc sinh sống tại các khu di sản, di tích. Phát triển du lịch thông qua khai thác bền vững di sản văn hóa là một cách thức góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong xu thế hiện nay.

Ưu tiên đầu tư kinh phí cho hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; dự án chỉnh lý, nâng cấp trưng bày các bảo tàng cấp quốc gia, bảo tàng tại các vùng kinh tế trọng điểm, bảo tàng tại các địa bàn có sức thu hút khách du lịch...

- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực, trình độ khoa học cho đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để tư liệu hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa; tăng cường hợp tác quốc tế, tăng cường xã hội hóa hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa./.

PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch