VNHN - Vừa qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đã có những hoạt động vi phạm chủ quyền khu vực biển xung quanh bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã và đang có những hành động kiên quyết, kiên trì và sách lược đúng đắn để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thực tế hoàn toàn không như những luận điệu xuyên tạc rằng Việt Nam nhu nhược, hèn yếu…
Ảnh minh họa - Internet
NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, BÓP MÉO
Họ cho rằng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội Việt Nam quá nhu nhược, hèn yếu không có những động thái kiên quyết để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thậm chí họ còn trắng trợn bịa đặt rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước im lặng vì đã thỏa hiệp với nước ngoài. Với lãnh đạo Quân đội, chúng xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo cả những phát biểu đúng quan điểm, đường lối đối ngoại quốc phòng của một đồng chí lãnh đạo đi dự lễ kỷ niệm ngày truyền thống của Quân đội Trung Quốc tại đại sứ quán Trung Quốc.
Chúng lu loa Chính phủ Việt Nam “hèn nhát”, “bịt miệng báo chí”, “dâng biển cho giặc”. Có người còn tung tin đồn sai sự thật rằng Nhà nước Việt Nam đã đồng ý giao bãi Tư Chính cho Trung Quốc để nhân đó kêu gọi lật đổ chế độ. Một số người xưng là chuyên gia nghiên cứu biển, đảo thì đòi Chính phủ tạo ra các đồng minh mới để “thoát Trung”. Một số người kêu gọi phải sớm kiện Trung Quốc. Tổ chức khủng bố Việt Tân kêu gọi chủ động nổ súng để gây chiến tranh. Nhiều đối tượng tham gia tổ chức Việt Tân công khai rằng họ muốn có chiến tranh để Mỹ can thiệp, nhân tiện thay đổi chế độ.
Vấn đề biển, đảo cũng bị kẻ xấu lợi dụng, gắn với xuyên tạc công tác chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Chúng bịa đặt xuyên tạc một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta “im lặng” để đổi lấy vị trí trong Đại hội XIII. Có kênh Youtube còn bịa đặt danh sách “ủy viên Bộ Chính trị” “chia đôi bãi Tư Chính cho Trung Quốc”. Chúng tiếp tục tung ra nhiều tin giả như “vụ Tư Chính là bước đầu để hợp thức hóa Mật ước Thành Đô” để kích động nhân dân bức xúc, xúi giục biểu tình, tẩy chay Trung Quốc...
Đó là những luận điệu xuyên tạc trắng trợn, đổi trắng thay đen những nỗ lực và quan điểm kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng và Nhà nước ta.
LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA NÓI GÌ?
Từ khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta đã 5 lần tuyên bố chính thức khẳng định, đây là vụ việc nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và luật pháp quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng nêu rõ các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế.
Không chỉ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta cũng đã chính thức phát biểu trên các diễn đàn trong nước và quốc tế. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 ở Thái Lan ngày 31-7-2019, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, những hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo UNCLOS 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp trên biển. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vi phạm Tuyên bố 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Ngày 5-8-2019, tại cuộc tiếp bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách Đối ngoại và An ninh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề cập vấn đề Biển Đông, khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng... Quan điểm này được Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu đồng tình và khẳng định, nằm trên tuyến đường hàng hải quan trọng, Biển Đông cũng là lợi ích kinh tế, lợi ích về an ninh của nhiều quốc gia, trong đó có Liên minh châu Âu. Đây là vấn đề của toàn cầu, được cộng đồng quốc tế cùng quan tâm.
Ngày 23-8-2019, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Australia Scott Morrison thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông; nhất trí cùng hợp tác duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, phấn đấu đạt được COC hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Ngày 26-8-2019, phát biểu tại kỳ họp Ðại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 40 (AIPA 40) tổ chức ở Thái Lan, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân một lần nữa nhắc lại những diễn biến phức tạp ở khu vực trong đó có tình hình Biển Đông, nhắc lại việc tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 vừa qua, các nước đã lên tiếng thẳng thắn về những hoạt động đơn phương trên Biển Đông, vi phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, tác động tiêu cực tới hòa bình, an ninh và ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực.
Sáng 27-8-2019, hội đàm với Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nêu quan điểm của Việt Nam về vấn đề trên. Hai Thủ tướng chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc DOC và phấn đấu sớm đạt được COC thực chất, hiệu quả và ràng buộc pháp lý.
Chiều cùng ngày, tại cuộc làm việc với Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ASEAN tiếp tục lên tiếng, bày tỏ quan điểm thẳng thắn ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng, bảo đảm tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông với tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế.
Trong thời gian sang Trung Quốc dự Hội thảo lý luận lần thứ 15 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 7-2019, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có cuộc hội kiến với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Lạc Tế; hội đàm với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Hoàng Khôn Minh. Về vấn đề trên biển, đồng chí Võ Văn Thưởng thẳng thắn đề nghị hai bên cần thực hiện tốt những nhận thức chung đã đạt được của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, trong đó có Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982; đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển theo luật pháp quốc tế, không để ảnh hưởng tiêu cực đến đà phát triển quan hệ hai nước.
Phát biểu trong một hội nghị mới đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, những thay đổi rõ rệt về Biển Đông và các vấn đề pháp lý cho thấy sự cần thiết trong việc thấu hiểu và cân nhắc trong từng bước đi. Việc nắm bắt tốt các thay đổi và hiện trạng sẽ là cơ sở để Việt Nam điều chỉnh chính sách cụ thể nhằm đảm bảo hai mục tiêu song song: bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tạo môi trường hòa bình để phát triển. Theo đồng chí Lê Hoài Trung, Việt Nam đã rất nỗ lực trong công tác ngoại giao thời gian qua. Việt Nam đến nay đã phản đối mạnh mẽ, yêu cầu Trung Quốc rút tàu, song cũng bình tĩnh và thận trọng trong các bước đi nhằm đảm bảo đường lối xử lý tranh chấp trong hòa bình và có tính xây dựng. Một trong những nỗ lực quan trọng để đấu tranh hòa bình là tranh thủ sự ủng hộ giữa các nước thông qua việc nêu bật lợi ích chung khi có một môi trường hòa bình ở Biển Đông.
DƯ LUẬN QUỐC TẾ ĐỒNG TÌNH, ỦNG HỘ
Với hàng loạt những hành động và phát ngôn trên, không thể nói lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thờ ơ với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo hay “hèn nhát” như những thông tin xuyên tạc. Tính tới nay, cơ bản dư luận quốc tế đều ủng hộ Việt Nam. Nhiều đối tác quốc tế lớn đã lên tiếng về tình hình bất ổn ở Biển Đông, yêu cầu các bên tôn trọng UNCLOS 1982.
Trên cơ sở phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, các nước ghi nhận ý kiến của Việt Nam và lần đầu tiên Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đã ra thông cáo chung nêu quan ngại về việc cải tạo đất và những sự cố nghiêm trọng trên Biển Đông. Thông cáo chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại đề mục “Các vấn đề khu vực và quốc tế” nhấn mạnh quan điểm về Biển Đông ở hai mục 75 và 76, khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC; nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán COC, do đó hoan nghênh các biện pháp thiết thực có thể làm giảm căng thẳng và nguy cơ xảy ra sự cố, hiểu lầm và tính sai; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện xây dựng lòng tin và khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Việc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 ra tuyên bố chung sau nhiều diễn đàn không ra được tuyên bố chung đánh dấu một bước tiến mới về lập trường của ASEAN về tình hình Biển Đông.
Mỹ đã nhanh chóng lên tiếng mạnh mẽ trong thông cáo phát đi ngày 20-7-2019 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus cho biết Washington rất lo ngại về các báo cáo Trung Quốc gây cản trở các hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí ở khu vực Biển Đông, đặc biệt là của Việt Nam: “Các hoạt động khiêu khích nhiều lần của Trung Quốc nhắm vào hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí xa bờ của các nước liên quan đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực và phá hoại thị trường năng lượng tự do mở rộng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Trung Quốc cố tình tạo sức ép, buộc các quốc gia ASEAN nhượng bộ trong đàm phán thông qua COC nhằm ngăn chặn các nước này hợp tác khai thác dầu khí trong khu vực với bên thứ ba. Hành động này bộc lộ rõ ý định độc chiếm các nguồn tài nguyên ở Biển Đông của Trung Quốc.
Ngày 22-8-2019, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lần thứ hai lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về hành xử ở Biển Đông với lời lẽ mạnh mẽ hơn: “Mỹ mạnh mẽ phản đối bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đe dọa hay cưỡng chế các quốc gia đối tác phải rút lại sự hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc hay quấy nhiễu những hoạt động hợp tác của họ”.
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 26-8-2019 đã lên án Trung Quốc có hành động quấy rối các hoạt động khai thác tài nguyên dầu khí của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình: “Trung Quốc đã nối lại các hoạt động quấy nhiễu, đe dọa các hoạt động khai thác dầu khí lâu đời của Việt Nam trên Biển Đông. Động thái này của Bắc Kinh đã đi ngược lại cam kết của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa trong bài phát biểu của ông tại Singapore đầu năm nay rằng Trung Quốc sẽ kiên định con đường phát triển hòa bình…”.
Ngày 27-8-2019, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono khẳng định: “Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác và có liên quan trực tiếp tới sự ổn định và hòa bình của khu vực. Cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản, quan tâm sâu sắc tới tình hình trên Biển Đông. Nhật Bản phản đối bất cứ hành động của nước nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Cộng đồng quốc tế cần phản đối bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và bất cứ hành động nghiêm trọng mang tính cưỡng ép của bất cứ quốc gia nào”.
Các nước khác như Ấn Độ, Australia, Anh, Nga… bằng những hình thức và mức độ khác nhau đều đã bày tỏ sự quan ngại trước những diễn biến phức tạp, căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông và đều tỏ thái độ ủng hộ lập trường và cách ứng xử của Việt Nam trong thời gian qua.
Trong thông cáo phát đi ngày 28-8-2019, Người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) nêu rõ quan điểm: “Những hành động đơn phương trong các tuần qua trên Biển Đông đã gây leo thang căng thẳng và làm xấu đi môi trường an ninh hàng hải, cho thấy nguy cơ nghiêm trọng với sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực. EU sẽ tiếp tục ủng hộ hoàn toàn tiến trình giải quyết do ASEAN dẫn dắt trong khu vực, để thúc đẩy hơn nữa trật tự khu vực và thế giới dựa trên luật pháp, nhằm củng cố sự hợp tác đa phương, cũng như hợp tác gần gũi hơn với các bên thứ ba”.
"DĨ BẤT BIẾN, ỨNG VẠN BIẾN" TRONG SÁCH LƯỢC
Đảng, Nhà nước ta đã và đang triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đã xây dựng Chiến lược Quốc phòng với mục tiêu bảo vệ vững chắc độc lập, tự chủ, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và lợi ích quốc gia; không để đất nước bị bất ngờ về chiến lược; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; không để xảy ra “diễn biến hòa bình”, ngăn chặn có hiệu quả các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước; ngăn ngừa xung đột vũ trang, không để xảy ra chiến tranh; đồng thời sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái, quy mô chiến tranh xâm lược.
Chúng ta cũng xác định phương châm thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong mọi hoàn cảnh. Kiên định đường lối, mục tiêu độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, môi trường hòa bình, thực hiện bằng sách lược mềm dẻo, phương thức linh hoạt, đối phó có hiệu quả với sự biến động phức tạp của tình hình; sự đan xen, chuyển hóa phức tạp giữa đối tác và đối tượng; với mọi âm mưu, thủ đoạn, tình huống của các thế lực thù địch, phản động, nhằm đạt mục tiêu cao nhất.
Với những chủ trương, chiến lược và sách lược cùng các hành động kiên quyết, kiên trì, khôn khéo được sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ luôn chủ động, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.