25/04/2024 lúc 15:36 (GMT+7)
Breaking News

Bảo vệ an ninh văn hóa trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế

VNHN-Bảo vệ an ninh văn hóa trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế quốc tế đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng và phức tạp. Các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể cần đẩy mạnh hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị và tinh thần cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

VNHN-Bảo vệ an ninh văn hóa trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế quốc tế đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng và phức tạp. Các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể cần đẩy mạnh hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị và tinh thần cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cũng như nhiều nước chậm phát triển và đang phát triển, Việt Nam đang bị cuốn vào xu thế tất yếu của thời đại - xu thế toàn cầu hóa kinh tế. Có khác là, chúng ta tham gia vào tiến trình này một cách chủ động. Với những chủ trương đúng đắn, chủ động tham gia tiến trình toàn cầu hóa kinh tế và trên quan điểm đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, sẵn sàng làm bạn với các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và cùng có lợi.

Việt Nam đã từng bước tham gia vững chắc vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Sau hơn hai mươi năm đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội mà vẫn bảo đảm được sự ổn định chính trị, giữ vững và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đồng nghĩa Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu và đầy đủ vào nền kinh tế thế giới. Bên cạnh những cơ hội do toàn cầu hóa kinh tế đem lại, chúng ta đang đứng trước những nguy cơ, thách thức to lớn trong nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Bảo vệ an ninh văn hóa, xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế quốc tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của đất nước.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng chỉ rõ "Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế"(1).

1 - Thách thức từ tiến trình toàn cầu hóa đối với văn hóa dân tộc.

Bản chất của toàn cầu hóa là quá trình phân công lại lao động quốc tế do sự bùng nổ của cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ trong hơn nửa thế kỷ qua. Toàn cầu hóa phản ánh sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội, vì vậy nó đòi hỏi phải mở rộng và thống nhất thị trường toàn cầu. Do vậy, không có toàn cầu hóa kinh tế một cách thuần nhất. Toàn cầu hóa còn là quá trình được mở rộng tới mọi lĩnh vực khác của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa. Đó là quá trình giao lưu, hội nhập và cả đấu tranh một cách rất tự nhiên giữa các nền văn hóa. Thông qua các hình thức liên kết kinh tế, chuyển giao công nghệ, luân chuyển vốn và mở rộng thị trường, các nền văn hóa khác nhau có điều kiện giao lưu, truyền bá, lan tỏa và thẩm thấu lẫn nhau làm cho văn hóa phong phú, đa dạng hơn. Tuy nhiên, toàn cầu hóa ngày nay đang bị chủ nghĩa tư bản thao túng, do đó tiến trình này không chỉ mang tính chất kinh tế, khi xem xét ở góc độ địa - chính trị - văn hóa, nó được cảnh báo như là một cuộc "xâm lược văn hóa", không chỉ ở một khu vực nào đó mà ở cấp độ và quy mô toàn cầu. Trong cuộc xâm lược này, kẻ xâm lược chính là chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Chiếm ưu thế hơn hẳn về mọi mặt, chủ nghĩa tư bản đang tự cho mình quyền áp đặt cái gọi là giá trị của "thế giới tự do" (hoặc thậm chí chỉ là "giá trị A-mê-ri-can"). Mỹ từng tuyên bố một cách không giấu giếm rằng:"Chúng ta sẽ mở rộng hòa bình bằng cách khuyến khích mở cửa và tự do tại các xã hội trên mọi lục địa"(2). Đó thực sự là một nguy cơ không thể mảy may xem thường.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là, liệu quá trình toàn cầu hóa phải chăng là cuộc "xâm lược" văn hóa, hay một thứ "chủ nghĩa thực dân văn hóa mới"?

Những nguy cơ, thách thức do toàn cầu hóa đối với văn hóa dân tộc được thể hiện ở những mặt sau:

- Làm lu mờ quan điểm coi trọng truyền thống, dẫn đến tình trạng xem nhẹ tính kế thừa các giá trị văn hóa dân tộc trong bộ phận cán bộ nhân dân.

Thông qua các quan hệ kinh tế, các nước tư bản tích cực truyền bá các giá trị phương Tây, khai thác và khuyến khích phát triển tâm lý hưởng lạc vật chất tầm thường, đánh vào thị hiếu thấp hèn của một bộ phận dân chúng và cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị làm thay đổi quan niệm của họ về giá trị văn hóa truyền thống. Các giá trị văn hóa phương Tây đã và đang thâm nhập và tạo ra trong lòng xã hội trào lưu "cách tân", xem nhẹ và quay lưng lại với các giá trị truyền thống và coi thường tính kế thừa, tạo ra một lớp người "mới" xa lạ, mất gốc và không định hướng được tương lai, gieo rắc và khuyến khích các loại hình văn hóa độc hại và các tệ nạn xã hội phát triển nhằm từng bước hủy hoại sức sống của văn hóa dân tộc. Theo thống kê của Tổ chức Văn hóa - Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO), hiện nay hãng Thông tấn Liên bang và hãng Thông tấn Hợp chủng quốc của Mỹ sử dụng hơn 100 thứ tiếng, phát tin 24/24 giờ nhằm vào trên 100 quốc gia. Trên mạng In-tơ-nét toàn cầu, số lượng bài viết truyền bá các giá trị Mỹ và phương Tây với khoảng 7 triệu chữ được tung lên hằng ngày. Các chương trình truyền hình của các nước đang phát triển sử dụng từ 60% đến 80% nội dung của các kênh truyền hình Mỹ và Tây Âu. Vô hình trung, hệ thống phát thanh, truyền hình các nước đang phát triển đã trở thành các trạm chuyển tiếp của Mỹ và Tây Âu.

- Đồng hóa văn hóa bởi cái gọi là giá trị của "thế giới tự do".

Để dự báo và cắt nghĩa cho các cuộc xung đột trên thế giới trong các năm đầu thế kỷ XXI, S. Hăn-tinh-tơn (học giả người Mỹ) đã đưa ra học thuyết về cái gọi là "cuộc xung đột giữa các nền văn minh". Học thuyết của S. Hăn-tinh-tơn bộc lộ một cách rất rõ ý đồ của "chủ nghĩa thực dân văn hóa mới" bởi những quan điểm về các cuộc kháng cự của các dân tộc chống lại phương Tây hiện nay.

Thật ra chẳng có bất cứ một cuộc xung đột nào giữa các nền văn minh cả, bởi bản chất của các nền văn hóa dù có khác nhau ở một số đặc trưng nào đó nhưng đều là những di sản, tài sản chung của nhân loại. Các cuộc xung đột theo trí tưởng tượng của S. Hăn-tinh-tơn chỉ nhằm bao biện cho các hành động thực dân của chủ nghĩa đế quốc, gieo rắc tâm lý lo sợ về một thảm họa do xung đột văn hóa gây ra. Nguy hiểm hơn, cuộc viễn chinh của chủ nghĩa thực dân văn hóa cùng với mặt trái của tiến trình toàn cầu hóa và cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động đang làm gia tăng tính quyết liệt và phức tạp của các cuộc xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo trên thế giới, làm nảy sinh và khuyến khích sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Bản chất của khủng bố quốc tế chỉ là các hành động cực đoan của những kẻ theo tư tưởng chính trị cực đoan, tôn giáo - dân tộc hẹp hòi hay chỉ là biểu hiện của một "cảm thức vô vọng", chứ tuyệt nhiên không phải là hành động của một "nền văn minh" này chống lại một "nền văn minh" khác. Nếu có chăng, đó chỉ là việc, các dân tộc bị lôi kéo vào các cuộc phiêu lưu chính trị, quân sự giữa một bên là chủ nghĩa thực dân phương Tây với một bên là chủ nghĩa cực đoan chính trị mà thôi.

Có thể thấy rằng, chủ nghĩa thực dân văn hóa mới đang tác động vào hệ thống các quan điểm về đạo đức, tâm lý, phá vỡ thuần phong, mỹ tục vốn đã được gìn giữ hàng nghìn năm của dân tộc. Nó sẽ tiến xa hơn, tiếp cận dần tới mục tiêu đồng hóa văn hóa, tạo ra những điều kiện cho việc chiếm lấy những lợi ích kinh tế. Người ta có thể dễ dàng nhận thấy trong xã hội các nước đang phát triển hiện nay, văn hóa phương Tây đang xâm nhập, len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, tạo ra nguy cơ đẩy văn hóa truyền thống lùi về phía sau. Về vấn đề này, ông Lý Quang Diệu (nguyên Thủ tướng Xin-ga-po) tuyên bố: "Chúng tôi không chấp nhận bị phương Tây hóa, Mỹ hóa hoặc Anh hóa gì đó...", còn nguyên Thủ tướng Ma-lai-xi-a, ông M. Mô-ha-thia thì cảnh báo rằng: "Nền dân chủ phương Tây chỉ mang lại sự không ổn định, sự sa sút về kinh tế cũng như nghèo đói về tinh thần".

- Mối đe dọa từ chiến lược "diễn biến hòa bình" chống chủ nghĩa xã hội.

Các thế lực thù địch lợi dụng toàn cầu hóa và chính sách đối ngoại rộng mở của Nhà nước ta để thực hiện âm mưu phá hoại về văn hóa - tư tưởng chủ yếu thông qua con đường "diễn biến hòa bình". Chúng tập trung tấn công vào tư tưởng của các tầng lớp nhân dân, tạo tâm lý thiếu tin tưởng dẫn đến hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch mưu toan tạo ra một thế hệ người hoàn toàn "mới" được trang bị bằng hệ tư tưởng tư sản, chống chủ nghĩa xã hội và phản bội dân tộc.

"Diễn biến hòa bình", trước hết là sự tạo ra tình trạng tự diễn biến về văn hóa - tư tưởng. Đó là quá trình khuyến khích sự truyền bá phổ biến các giá trị tư sản trong lòng xã hội xã hội chủ nghĩa, lấn lướt các giá trị ưu việt của xã hội xã hội chủ nghĩa và tinh hoa văn hóa dân tộc. Tự diễn biến về văn hóa - tư tưởng cũng là quá trình thúc đẩy các phức tạp xã hội, làm đảo lộn trật tự, nhất là trong các vấn đề nhạy cảm trong lĩnh vực tôn giáo, dân tộc, dân chủ và nhân quyền. Chúng không ngừng xuyên tạc sự thật về công cuộc xây dựng xã hội mới, vu cáo Đảng, Nhà nước vi phạm nhân quyền, hạn chế dân chủ, đàn áp tôn giáo và phân biệt đối xử, ngược đãi dân tộc thiểu số.

Ngày nay, hệ thống phát thanh, truyền hình ở nước ngoài của Mỹ và Tây Âu ngày đêm truyền bá tư tưởng phương Tây, khống chế trực tiếp về hình thái ý thức toàn cầu. Lịch sử sẽ không bao giờ quên bài học về sự sụp đổ của Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước đây. Sự tan vỡ của hệ thống xã hội chủ nghĩa cuối thế kỷ trước do nhiều nguyên nhân, nhưng chắc chắn có sự "góp công" quan trọng của thứ vũ khí cực kỳ nguy hiểm là "chiến tranh tâm lý" kéo dài suốt thời kỳ "chiến tranh lạnh". Có lẽ là không sai khi cho rằng, "chiến tranh tâm lý" đã đạp đổ bức tường Béc-lin, điều mà sức mạnh của cả hệ thống quân sự khổng lồ của phương Tây đã không làm vỡ nổi một viên gạch. Hiện nay, Đài châu Á tự do vẫn tiếp tục chĩa vào các nước xã hội chủ nghĩa còn lại (trong đó có Việt Nam), ra rả suốt ngày đêm không nhằm gì khác ngoài mục đích xuyên tạc sự thật về công cuộc đổi mới, mở cửa, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và kêu gọi lật đổ sự lãnh đạo của đảng cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa.

"Diễn biến hòa bình" đang tạo ra nguy cơ thẩm thấu, gặm nhấm các giá trị xã hội xã hội chủ nghĩa và bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho người ta quên đi các nghĩa vụ, quên đi gốc gác của mình. "Diễn biến hòa bình" đang tìm cách tạo ra các mâu thuẫn xã hội, hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa ly khai, kiên trì tấn công "gột rửa" tư tưởng cán bộ, đảng viên và quần chúng lao động nhằm dẫn đến sự nhạt phai lý tưởng, khủng hoảng tư tưởng, đánh mất phương hướng. Chúng đã đạt được một số mục đích như tạo ra một số phần tử phản động mới nhờ sự kích động tâm lý cực đoan, bất mãn hoặc sự ấu trĩ về chính trị của một số người trước đây ít nhiều có vai trò trong xã hội; khuyến khích chủ nghĩa ly khai dân tộc gây rối an ninh ở một số khu vực trọng điểm về an ninh; kích động thái độ chống chính quyền của một số chức sắc tôn giáo; cổ súy hoạt động khủng bố của các tổ chức phản động cũ ở nước ngoài nhằm gây áp lực với Đảng và Nhà nước ta...

2 - Giải pháp bảo vệ, xây dựng và phát triển văn hóa trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Đảng ta khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Sau 60 năm thực hiện "Đề cương Văn hóa Việt Nam" và thực hiện các nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, văn hóa Việt Nam đã giành được những thành tựu quan trọng, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần quan trọng tạo nên những thành tựu về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và ổn định chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển văn hóa còn một số yếu kém, khuyết điểm chưa theo kịp nhịp độ phát triển kinh tế. Đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng; tệ nạn xã hội, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đang có xu hướng phát triển, chưa được đấu tranh ngăn chặn triệt để; ở một số nơi, một số lĩnh vực, môi trường văn hóa bị xuống cấp; đội ngũ cán bộ làm văn hóa và bảo vệ an ninh văn hóa - tư tưởng chưa thực sự mạnh...

Bước vào giai đoạn mới, trước những nguy cơ, thách thức từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhiệm vụ " bảo vệ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đang đặt ra những yêu cầu mới. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết Trung ương 10 (khóa IX) và Nghị quyết Đại hội X của Đảng, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể cần đẩy mạnh các hoạt động sau đây:

Một là, tiếp tục chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền đối với lĩnh vực văn hóa, bảo đảm định hướng chính trị đi đôi với vận dụng đúng đắn những đặc trưng của hoạt động văn hóa. Gắn nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển văn hóa với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, kiên quyết đưa ra khỏi tổ chức đảng, bộ máy chính quyền những phần tử thoái hóa, biến chất. Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu thể chế hóa các chủ trương, chính sách của đảng về văn hóa, chăm lo xây dựng, bồi dưỡng tài năng văn hóa, có thái độ tôn trọng và cởi mở trong cộng tác với đội ngũ những người hoạt động văn hóa.

Hai là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức hoạt động văn hóa tạo nên sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa, xây dựng con người Việt Nam có đủ 5 đức tính đã được xác định tại Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng các thiết chế văn hóa.

Ba là, đẩy mạnh hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị và tinh thần cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước âm mưu "diễn biến hòa bình" và hoạt động phá hoại về chính trị tư tưởng của các thế lực thù địch.

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế về văn hóa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới đi đôi với kiên quyết chống du nhập văn hóa lai căng phản động, đồi trụy. Bảo vệ văn hóa phải đi đôi với việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi đôi với việc chống sự thâm nhập các luồng văn hóa lai căng độc hại và bài trừ hủ tục.

Trong phát triển văn hóa dân tộc hiện đại không thể không tiếp nhận văn hóa bên ngoài, lại càng không thể "bế quan, tỏa cảng", bài ngoại cực đoan. Vì vậy, để tiếp nhận văn hóa bên ngoài được đúng cần phải có sự xem xét, chọn lọc cẩn trọng. Vấn đề có tính nguyên tắc là, trước hết phải khẳng định bản sắc riêng, giữ vững nền tảng "tư tưởng" và "tinh thần" dân tộc. Không giữ được cái nền đó, dân tộc sẽ bị dập vùi dưới gót giầy của chủ nghĩa thực dân mới. Văn hóa dân tộc, với tư cách là một bộ phận của văn hóa thế giới phải tự hoàn thiện trên nền tảng bản sắc riêng có, đồng thời phải mang trên mình các sắc thái khác của bức tranh văn hóa thế giới. Nền văn hóa mới phải mang hai đặc trưng cơ bản là dân tộc và thời đại, bởi "đa dạng văn hóa là di sản chung của nhân loại"(3).

Năm là, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh văn hóa - tư tưởng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa.

Sáu là, chăm lo xây dựng, kiện toàn bộ máy tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và bảo vệ an ninh văn hóa.

Có thể nói, văn hóa bao giờ cũng là một yếu tố cơ bản của xã hội, một điều kiện gắn kết dân tộc. Để bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cần phải có chính sách nhất quán, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa xây và chống. Điều quan trọng nhất là phải thực hiện chiến lược phát triển con người, xây dựng con người mới, nền văn hóa mới tiên tiến, đậm đà bản sắc Việt Nam.

Chủ động tham gia tiến trình toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế là sự lựa chọn đúng, nhưng chúng ta cũng cần phải chủ động bảo vệ và phát huy vai trò nền văn hóa dân tộc. Để "hội nhập" mà không bị "hòa tan", điều cốt lõi là phải bảo vệ vững chắc bản sắc văn hóa dân tộc.

* Viện Chiến lược và Khoa học Công an. Bộ Công An
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia , Hà Nội - 2006, tr 106
(2) Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ, Oa-sinh-tơn, 17-9-2002
(3) UNESCO: Tuyên bố toàn cầu, Hà Lan-1996
Hoàng Hiệp