19/05/2024 lúc 17:10 (GMT+7)
Breaking News

Báo chí đối ngoại trong thời kỳ đất nước hội nhập

VNHN - Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, thông tin đối ngoại là một bộ phận quan trọng trên mặt trận đối ngoại; có vai trò to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.

VNHN - Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, thông tin đối ngoại là một bộ phận quan trọng trên mặt trận đối ngoại; có vai trò to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.

Để làm tốt nhiệm vụ thông tin đối ngoại phục vụ sự nghiệp cách mạng, Đảng ta đã sử dụng báo chí như một công cụ quan trọng để đấu tranh dư luận, thông tin để thế giới hiểu rõ tính chính nghĩa của các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; xác lập chỗ đứng, biểu tượng, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế; thông tin về công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới ngày nay.

Ảnh minh họa - Cao Hà

Trước những thay đổi sâu sắc của tình hình thế giới và nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, Đảng ta đã xác định, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Hơn 30 năm đổi mới đã chứng minh đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn.

Đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta là một bộ phận quan trọng trong đường lối chính trị của Đảng. Đường lối, chính sách đối ngoại đổi mới của Đảng ta được khởi xướng từ Đại hội VI và được các Hội nghị Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị; Đại hội Đảng lần thứ VII, VIII, IX, X, XI bổ sung, phát triển. Tăng cường thông tin đối ngoại là chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, được thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng các khóa, đặc biệt, được nêu cụ thể trong các văn bản như: Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/6/1992 của Ban Bí thư (khóa VII) về đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại; Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị ( khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 10/9/2008 của Ban Bí thư (Khoá X) về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”.

Kết luận số 16-KL/TW, ngày 14/2/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011- 2020, nhấn mạnh: “Công tác thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của hệ thống chính trị, trong đó lực lượng chuyên trách là nòng cốt, thông tin đối ngoại cần xác định đối tượng có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn, các nước trong khối ASEAN, Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, đồng bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là giới trẻ”. Như vậy, việc tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới thể hiện rõ đường lối đổi mới của Đảng ta về đối ngoại, nhằm thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, các hình thức thông tin đối ngoại  ngày càng trở nên phong phú hơn, gắn liền với sự phát triển của báo chí Việt Nam. Các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử ở Việt Nam đã không ngừng phát triển, góp phần tích cực vào kết quả công tác thông tin đối ngoại trong thời gian qua.

Tính đến tháng 12/2018, cả nước có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập, 67 đài phát thanh, truyền hình và 01 hãng thông tấn quốc gia, với đội ngũ cán bộ báo chí, phóng viên, biên tập viên, những người công tác trong cơ quan báo chí lên tới hơn 40.000 người; trong số đó có hơn 40 cơ quan báo chí có tôn chỉ, mục đích thông tin đối ngoại, với đội ngũ phóng viên, biên tập viên khoảng gần 1000 người, tập trung chủ yếu ở các cơ quan báo chí như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam….

Nếu như trước đây, báo chí đối ngoại được hiểu là những cơ quan báo chí chuyên trách thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại, thì hiện nay, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng internet, các cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử, đều đang thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại. Báo chí chuyên trách về thông tin đối ngoại có vị trí nòng cốt, các cơ quan báo chí khác thì tùy thuộc vào tôn chỉ, mục đích và định hướng thông tin trong các trường hợp cụ thể để tuyên truyền.

Thời gian qua, báo chí đối ngoại đã có những đóng góp quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta; thực hiện tốt vai trò vừa là cơ quan ngôn luận của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của nhân dân, đồng thời là cơ quan giữ vai trò nòng cốt trong công tác thông tin đối ngoại. Nhờ hệ thống báo chí thông tin đối ngoại phong phú, đa dạng nên những thông tin về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, những thành tựu của công cuộc đổi mới, hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, đất nước Việt Nam tươi đẹp, hòa bình, hữu nghị, năng động và đổi mới mạnh mẽ, tích cực hội nhập quốc tế và đầy tiềm năng phát triển đã được kịp thời chuyển tải đến cộng đồng quốc tế.

Báo chí thông tin đối ngoại đã góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế; quảng bá hình ảnh, tiềm năng kinh tế của đất nước và doanh nghiệp; mở rộng hợp tác, mở rộng thị trường và giảm tranh chấp thương mại; vận động người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp xây dựng đất nước; hỗ trợ lực lượng ngoại giao kinh tế thực hiện nhiệm vụ; thông tin trung thực về tình hình Việt Nam, góp phần quan trọng phản bác các luận điệu xuyên tạc liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc, tự do ngôn luận và các vấn đề phức tạp khác.

Có thể nêu một số ví dụ điển hình cho thấy vai trò quan trọng của báo chí trong công tác thông tin đối ngoại. Thời gian khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, xây dựng trái phép tại các đảo xâm chiếm của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, gây gia tăng căng thẳng tại Biển Đông, báo chí đã bám sát tư tưởng chỉ đạo, quan điểm, giải pháp của Đảng, Nhà nước ta về đối nội, đối ngoại, kiên quyết khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của nước ta trên Biển Đông; tuyên truyền khẳng định quan điểm giải quyết mọi mâu thuẫn, bất đồng thông qua đàm phán, hòa bình, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kịp thời truyền tải lòng yêu nước, tiếng nói ủng hộ của mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc, của kiều bào ta ở nước ngoài đối với Đảng và Chính phủ.

Báo chí cũng đã chủ động, tích cực tuyên truyền làm rõ âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng các cuộc biểu tình ở trong nước để gây rối, phá hoại nền kinh tế đất nước; thông tin kịp thời ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các giải pháp của Chính phủ đảm bảo ổn định an ninh, trật tự, môi trường kinh doanh, giúp các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vững tâm tiếp tục sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.  Cùng với các hoạt động ngoại giao, báo chí đã chủ động, kịp thời thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước ta, lên án hành động vi phạm luật pháp quốc tế và làm mất ổn định tình hình trong khu vực của Trung Quốc.

Công cuộc đổi mới của đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Việt Nam đã dần thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế, đang từng bước ổn định và phát triển; vị thế trên trường quốc tế từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc vẫn diễn biến phức tạp; tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ngày càng gay gắt, khó lường. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới; mặt trái của quá trình toàn cầu hoá, dân chủ hóa, kinh tế thị trường, công nghệ thông tin; âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch; những biểu hiện "tự diễn biến", “tự chuyển hóa”, xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân đã có tác động tiêu cực đến cả xã hội.

Thực tế ấy đang là thách thức đối với đội ngũ báo chí thông tin đối ngoại, nhất là trong điều kiện báo chí còn gặp nhiều khó khăn, sự đầu tư về nguồn nhân lực, vật lực cho công tác này còn hạn chế, chưa tương xứng với tình hình mới; nội dung thông tin của báo chí trong nước vẫn thiếu chiều sâu, thiếu sức thuyết phục; có nhiều thông tin nhấn mạnh những mặt trái, tiêu cực, vô hình chung làm cho đồng bào ta ở nước ngoài có cái nhìn thiếu thiện cảm về tình hình trong nước; việc chuyển ngữ một số ấn phẩm báo chí chưa kịp thời; hình ảnh đất nước, con người Việt Nam chưa được quảng bá tương xứng với tầm vóc, vị thế hiện nay; nhiều trường hợp vẫn còn bị động, lúng túng, chưa phản ứng kịp thời trong đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, luận điệu sai trái; chưa có nhiều các bài viết, các luồng thông tin sắc bén để chế áp thông tin xấu; nhiều thông tin còn sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng.

Công tác định hướng thông tin có thời điểm chưa kịp thời, chưa trúng, chưa đúng tầm; cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp có lúc còn bị động, lúng túng, nhất là trước những vấn đề phức tạp mới nảy sinh. Cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập; lực lượng phóng phóng viên, biên tập viên còn dàn trải, thiếu và chưa đồng đều về năng lực công tác.

Hiện nay, việc đưa thông tin trong nước đến với thế giới đã trở nên dễ dàng hơn nhờ mạng internet. Tuy nhiên, làm thế nào để đồng bào ta ở nước ngoài, người dân và chính quyền các nước biết, tiếp nhận hoặc chủ động tiếp nhận thông tin từ nguồn chính thống trong nước đang là vấn đề đặt ra, đòi hỏi báo chí thông tin đối ngoại phải có sự đổi mới cả về nội dung và phương thức tuyên truyền, nhất là đối với báo chí điện tử, lực lượng giữ vai trò nòng cốt trong công tác thông tin đối ngoại.

Để phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ trọng tâm đổi mới kinh tế và hội nhập với nền kinh tế thế giới, báo chí cần bám sát quan điểm, đường lối của Đảng về đối ngoại, thể hiện rõ quan điểm, lập trường của Đảng và Nhà nước ta, đó là Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển; kiên trì xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định; giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau. Trên cơ sở đó, các cơ quan chỉ đạo, quản lý và cơ quan báo chí cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất là, cần xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị, địa phương huy động các nguồn lực từ xã hội phục vụ hoạt động báo chí đối ngoại. Xây dựng chính sách để khuyến khích, hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài xuất bản báo chí cho người Việt, bảo đảm trao đổi nội dung thông tin, phù hợp với định hướng thông tin đối ngoại; khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân có chuyên mục, bài viết hay phục vụ công tác thông tin đối ngoại. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách để từng bước thực hiện hình thức đặt hàng dịch vụ công của Nhà nước đối với hoạt động báo chí đối ngoại.

Thứ hai là, xây dựng, hoàn thiện và thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí đối ngoại, đặc biệt là các chuyên gia đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái. Tăng cường ngân sách cho đào tạo, bồi dưỡng, có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho những người làm công tác thông tin đối ngoại.

Thứ ba là, tăng cường hợp tác quốc tế, mời phóng viên báo chí nước ngoài vào Việt Nam để đưa tin, viết bài; lựa chọn, thuê khoán cộng tác viên nước ngoài viết bài và làm công tác biên tập; hợp tác với các cơ quan báo chí nước ngoài để xây dựng các bài viết, phóng sự quảng bá hình ảnh Việt Nam; đồng thời chủ động tạo điều kiện tiếp xúc, giao lưu, hợp tác, phát huy thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động báo chí đối ngoại.

Thứ tư là, tích cực, chủ động, kịp thời thông tin tuyên truyền về thành tựu của công cuộc đổi mới; về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta; tiềm năng phát triển và hợp tác của Việt Nam; về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa và những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc. Tăng cường thông tin về kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài, xúc tiến thương mại, du lịch, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Tăng cường công tác dự báo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xây dựng bài viết, chuyên mục có sức thuyết phục về các vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, các vấn đề tồn tại và nảy sinh trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước, các vấn đề môi trường, phát triển bền vững. Nghiên cứu hình thức, cách thức phù hợp để tăng cường việc cung cấp thông tin chính thống, đưa thông tin trên báo chí đối ngoại đến với đối tượng tiếp nhận thông qua kênh truyền thông xã hội.

Thứ năm là, tăng cường đầu tư ngân sách cho công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng; quan tâm đầu tư, đổi mới và hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật của các cơ quan báo chí đối ngoại, đặc biệt là các cơ quan báo chí đối ngoại chuyên biệt, báo chí điện tử. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính phục vụ hoạt động báo chí đối ngoại. Chuyển đổi cơ chế cấp phát kinh phí sang hình thức đặt hàng trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn của từng loại hình báo chí./.