VNHN - Chặng đường của năm 2019 đang bước vào giai đoạn nước rút, trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu không khả quan như dự báo, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro gia tăng, nhất là vấn đề căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn, song thu hút đầu tư vào các KCN Bắc Ninh vẫn là điểm sáng của nền kinh tế.
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty CP Manutronics Việt Nam (KCN Tiên Sơn).
Với một môi trường kinh doanh thông thoáng, an ninh, chính trị ổn định, vị trí giao thương thuận lợi, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, Bắc Ninh vẫn có sức hút của các nhà đầu tư. Nhờ vậy, 9 tháng qua tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh dự án thứ cấp vào các KCN tập trung đạt 1.199,29 triệu USD (vốn FDI 1.016,39 triệu USD; vốn trong nước là 4.206,76 tỷ đồng tương đương 182,90 triệu USD). Trong đó, vốn đăng ký cấp mới đạt 610,16 triệu USD, chủ yếu là vốn FDI với 85 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 521,14 triệu USD, vốn trong nước tương đương 89,02 triệu USD.
Trong số các dự án đăng ký mới có Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Công ty Goertek (Hongkong) với tổng vốn đăng ký đầu tư 260 triệu USD, là 1 trong 4 dự án thu hút mới có số vốn lớn của cả nước, đứng sau 3 dự án khác là: Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD (đầu tư tại Hà Nội); Dự án LG Display Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 410 triệu USD; Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD đầu tư tại Tây Ninh.
Cùng với việc thu hút các dự án mới, các dự án đang hoạt động tiếp tục xin đăng ký điều chỉnh tăng vốn để mở rộng quy mô sản xuất, điều này càng minh chứng cho sự lựa chọn sáng suốt của các nhà đầu tư khi đến với Bắc Ninh. Cụ thể, trong 9 tháng, Ban Quản lý các KCN tỉnh cấp 357 lượt điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng thêm 589,13 triệu USD (FDI là 495,25 triệu USD, trong nước 93,88 triệu USD). Ngoài ra, trong quý I cấp mới 1 dự án hạ tầng khu công nghiệp là Dự án “Đầu tư, xây dựng, kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, thương mại và dịch vụ VSIP Bắc Ninh II” do Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 103,91 triệu USD; Cấp 1 Giấy phép văn phòng đại diện; điều chỉnh 1 Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Như vậy, hiện các KCN Bắc Ninh thu hút 1.429 dự án, với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt 19,004 tỷ USD.
Các dự án đầu tư tại các KCN Bắc Ninh chủ yếu là doanh nghiệp FDI (976 dự án) hoạt động trong lĩnh vực điện tử và phụ trợ điện tử, với các dự án của những Tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, Canon, Hanwha, Foxconn, CrucialTec… Kết quả, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI luôn chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị ngành công nghiệp toàn tỉnh. Mặc dù những tháng đầu năm 2019, chứng kiến sự dần bão hòa của thị trường di động toàn cầu, điều đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các sản phẩm của Hàn Quốc, sự cạnh tranh khốc liệt đến từ Apple (Mỹ) cũng như các hãng điện tử Trung Quốc (Huawei, Oppo, Xiaomi,…); bên cạnh đó sản phẩm Galaxy S10 của Samsung chưa thành công như kỳ vọng cũng tác động đến đà tăng trưởng của toàn ngành điện tử tại các KCN Bắc Ninh.
Tuy nhiên, sang quý III, doanh thu xuất khẩu của Công ty Samsung điện tử bắt đầu tăng trưởng trở lại, cụ thể: tháng 7 tăng 10% so với tháng 6, tháng 8 tăng so với tháng 7 hơn 18% (2.220/1.216 triệu USD)… Tương tự Công ty TNHH Samsung Display, doanh thu xuất khẩu tháng 7 đạt 1.236 triệu USD (tăng 316 triệu USD so với tháng 6); tháng 8 đạt 1.646 triệu USD (tăng 410 triệu USD so với tháng 7)… Nhờ vậy, doanh thu xuất khẩu của các KCN 9 tháng đạt gần 28 tỷ USD, giá trị nhập khẩu đạt hơn 17 tỷ USD. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 770.000 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào nền kinh tế của tỉnh.
Thời gian còn lại của năm 2019 không nhiều, trong khi đó các yếu tố khó khăn và thuận lợi đan xen. Trong bối cảnh hiện nay, Bắc Ninh tiếp tục theo đuổi chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, ưu tiên các nhà đầu tư có dây chuyền công nghệ hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến phù hợp với xu hướng sản xuất theo chuỗi liên kết để phát triển công nghiệp phụ trợ. Quan tâm đến các ngành Việt Nam đang ưu tiên phát triển, chú trọng một số ngành dịch vụ để tiếp thu công nghệ, không để nhà đầu tư tìm đến với mục tiêu tận dụng thị trường lao động giá rẻ, chi phí dịch vụ tiện ích thấp.