22/01/2025 lúc 20:38 (GMT+7)
Breaking News

ASEAN - Ưu tiên trong chính sách của các nước lớn

Trong hơn hai thập niên qua, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành tổ chức hợp tác ngày càng có tầm ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiệu quả của các cơ chế do tổ chức này dẫn dắt đã khẳng định, tạo dựng vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Do vậy, các cường quốc đang ngày càng nhìn nhận tầm quan trọng của ASEAN trong chiến lược đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vai trò trung tâm của ASEAN

Vai trò trung tâm của ASEAN đã được xác định từ những năm 90 của thế kỷ XX với các thuật ngữ khác nhau, như “động lực chính” (primary driving force), “trụ cột trung tâm” (central pillar), “vai trò trung tâm” (centrality). Vai trò này được thể hiện trong khuôn khổ ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF). ASEAN cam kết với các đối tác bên ngoài thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau cũng như củng cố cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, lấy ASEAN làm trung tâm.

Từ góc độ chính trị - an ninh, trong khuôn khổ của ASEAN, thuật ngữ “động lực chính” của ASEAN lần đầu tiên xuất hiện trong Tuyên bố hòa hợp ASEAN II (Tuyên bố Hòa hợp Bali II) vào năm 2003. Theo đó, ASEAN được coi là động lực chính của ARF, diễn đàn chủ đạo về an ninh khu vực. Thuật ngữ “vai trò trung tâm” xuất hiện lần đầu tiên trong Tuyên bố Chủ tịch ASEAN lần thứ 12 vào đầu năm 2007. Khi xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng trụ cột cộng đồng vào năm 2009, Tuyên bố Cha-am Hua Hin về lộ trình cho Cộng đồng ASEAN chỉ rõ nhận thức chung của ASEAN về việc duy trì vai trò trung tâm và động lực chính của ASEAN trong việc xây dựng cấu trúc khu vực đang định hình. Trước đó, Hiến chương ASEAN (được phê chuẩn vào cuối năm 2008) nhấn mạnh sự cần thiết cần “duy trì vai trò trung tâm và chủ động của ASEAN với tư cách là động lực chính trong quan hệ và hợp tác với các đối tác bên ngoài trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch và bao hàm”(1).

Trong khuôn khổ của ARF, Hội nghị lần thứ hai của diễn đàn này khẳng định: “ASEAN đảm nhận trách nhiệm là động lực chính”(2). Vai trò động lực chính và trụ cột trung tâm của ASEAN trong ARF được khẳng định trong Tuyên bố Tầm nhìn ARF đến năm 2020 (đưa ra năm 2009 tại Phu-kệt, Thái Lan) và Kế hoạch hành động Hà Nội (đưa ra năm 2010) thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF đến năm 2020.

Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) chính thức ra đời cuối năm 2005 nhưng phải tới Hội nghị lần thứ 5 được tổ chức tại Hà Nội (năm 2010), vai trò trung tâm của ASEAN trong EAS mới chính thức được khẳng định trong tuyên bố chủ tịch của diễn đàn này. Trong khi đó, trong Tuyên bố Chủ tịch đầu tiên của ADMM+ diễn ra vào tháng 10-2010 tại Hà Nội, các nước thành viên của cơ chế này đã tái khẳng định tầm quan trọng của vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình ADMM+(3). Ra đời năm 2012 với mục tiêu khuyến khích đối thoại giữa các nước tham gia EAS nhằm tận dụng cơ hội và giải quyết các thách thức chung về các vấn đề biển ở khu vực, EAMF nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò trung tâm và hội nhập của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề biển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ra đời cuối năm 2017, nhóm Bộ Tứ (Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ) nhanh chóng “ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tái khẳng định rằng các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như EAS, ARF đóng vai trò không thể thiếu ở khu vực”.

Từ góc độ kinh tế, một mục tiêu được ASEAN nỗ lực thực hiện nhằm khẳng định vai trò trung tâm của mình là thông qua các cuộc đàm phán xây dựng các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEP). Vai trò trung tâm của ASEAN trong hội nhập kinh tế khu vực cũng đã được các nước là đối tác của ASEAN trong EAS ủng hộ. Tuyên bố Chủ tịch EAS lần thứ 2 năm 2007 “nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với vai trò động lực của ASEAN trong hội nhập kinh tế ở khu vực”.

Vai trò trung tâm của ASEAN cũng là chủ đề được thảo luận rộng rãi trong giới học thuật quốc tế. Điểm chung mà các chuyên gia chia sẻ cho rằng ASEAN là sản phẩm của sự thích ứng trước cạnh tranh ảnh hưởng của nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Học giả A-mi-ta A-cha-ri-a (Amitav Acharya) lý giải, vai trò trung tâm của ASEAN là sản phẩm của các nhân tố bên ngoài và của chính các thành viên nhưng ASEAN phải quan tâm nhiều hơn tới các mối quan hệ của các cường quốc(4). Ca-ba-le-rô An-tô-ni (Caballero Anthony) từ cách tiếp cận mạng lưới xã hội lập luận rằng, mặc dù thiếu sức mạnh vật chất, ASEAN vẫn có thể khẳng định vai trò trung tâm nhờ vai trò kết nối(5), cho phép tổ chức này thực thi tầm ảnh hưởng trong các tiến trình khu vực với sự chấp nhận của các cường quốc(6). Nhìn từ lợi ích của ASEAN, Lu-cát Ma-xi-mi-li-an Muy-ê-lơ (Lukas Maximillian Mueller) coi vai trò trung tâm của ASEAN là phương thức để tổ chức này tránh việc bị đẩy ra ngoài lề hơn là đóng vai trò lãnh đạo ở Đông Á(7).

ASEAN trong chính sách của một số cường quốc

Có thể thấy, với vai trò như trên, ASEAN trở thành nhân tố quan trọng trong chính sách của một số nước lớn, như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngay từ thập niên 90 của thế kỷ XX, Trung Quốc đã rất coi trọng việc phát triển quan hệ với ASEAN nhờ vào vai trò tích cực của tổ chức này trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Các nước đang phát triển ở khu vực lân cận của Trung Quốc chiếm vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của nước này kể từ đầu thế kỷ XXI(8). Dưới thời kỳ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Đông Nam Á nói chung và ASEAN nói riêng đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong thực hiện ý niệm ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Trong bài phát biểu vào tháng 10-2013, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Dù từ góc độ địa lý, môi trường tự nhiên hay quan hệ lẫn nhau thì các nước, khu vực xung quanh Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng(9).

Trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” và cuộc cạnh tranh với Mỹ ngày càng gay gắt, toàn diện và ở một cấp độ thấp hơn là cạnh tranh với Ấn Độ và Nhật Bản, Trung Quốc cần hơn một khu vực Đông Nam Á với sự ủng hộ của các nước trong khu vực cũng như ASEAN đối với các chiến lược và sáng kiến mang tầm khu vực và thế giới, đóng vai trò “kiểu mẫu” trong quan hệ hợp tác với bên ngoài của Trung Quốc.

Đối với Mỹ, ASEAN là tổ chức đa phương quan trọng trong chiến lược “xoay trục, tái cân bằng” sang châu Á. Trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ tại Bru-nây năm 2013, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry khẳng định “quan hệ đối tác Mỹ - ASEAN là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Ô-ba-ma” và “là một phần quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đối với châu Á”(10). Năm 2015, quan hệ đối tác Mỹ - ASEAN được nâng lên tầm quan hệ đối tác chiến lược. Trong bối cảnh luật pháp quốc tế bị thách thức, đặc biệt tranh chấp ở Biển Đông, Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ năm 2015 khẳng định cam kết của nước này trong việc củng cố các thể chế khu vực, như EAS và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) để củng cố các quy tắc và chuẩn mực chung, thực hiện các phản ứng tập thể trước những thách thức chung và giúp bảo đảm giải quyết hòa bình các tranh chấp(11).

Dưới thời kỳ Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm, Mỹ tiếp tục coi trọng vai trò của ASEAN. Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 5 (năm 2017), Tổng thống Mỹ Đ. Trăm khẳng định cam kết của Mỹ về vai trò trung tâm của ASEAN với tư cách là diễn đàn khu vực về hợp tác toàn diện(12). Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ năm 2017 coi ASEAN và APEC là trung tâm của cấu trúc và các nền tảng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương(13). Tháng 11-2019, Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ có tới 39 lần đề cập đến ASEAN. Tầm nhìn khẳng định ASEAN là trung tâm địa lý của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là trung tâm của tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Một mặt, Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế, như Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ, EAS, ADMM+, ARF, EAMF; mặt khác, hỗ trợ nỗ lực của các nước ASEAN trong việc bảo đảm quyền lợi bình đẳng của các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương(14).

Tiếp nối chính sách khu vực nói chung của chính quyền tiền nhiệm, chính quyền Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn đã có những nỗ lực nhằm thúc đẩy sự can dự của Mỹ và khu vực khi Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời được đưa ra ngày 3-3-2021 khẳng định ba khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, châu Âu và Tây Bán cầu gắn chặt với lợi ích quốc gia của Mỹ. Ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ và hợp tác với Niu Di-lân, Xin-ga-po, Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác để thúc đẩy các mục tiêu chung(15). Từ tháng 5 đến tháng 8-2021, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ W. Sơ-man, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L. Au-xtin, Phó Tổng thống Mỹ K. Ha-ri đã có các chuyến thăm tới Đông Nam Á. Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn cũng đã tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ năm 2021. Phía Mỹ tiếp tục khẳng định sự cần thiết của ASEAN đối với cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương(16), là cơ chế đa phương trung tâm của cấu trúc khu vực(17). Do vậy, Mỹ cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN(18).

ASEAN cũng đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Ngay từ năm 1991, Thủ tướng Nhật Bản Tô-si-ki Kai-phu nói rõ, Nhật Bản từ lâu đã coi ASEAN là trọng tâm trong chính sách đối ngoại và là một trong những trọng tâm ưu tiên của chính sách viện trợ phát triển chính thức (ODA) của nước này(19). Trong bài phát biểu tại Xin-ga-po vào năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê nhấn mạnh, nếu kinh tế khu vực như là một chiếc máy bay thì Nhật Bản và ASEAN là hai cái cánh của chiếc máy bay đó. Trong chiến lược hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng cho châu Á, ASEAN nằm ở trung tâm của chiến lược này. Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê cũng nhấn mạnh thêm rằng, quan hệ ASEAN - Nhật Bản đã vượt ra ngoài quan hệ kinh tế để xây dựng một mối quan hệ chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh của khu vực, đặc biệt là tự do hàng hải trên các vùng biển(20).

Khi Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở được công bố vào năm 2016, Nhật Bản tiếp tục khẳng định coi trọng vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN, coi ASEAN và các nước Nam Á là trọng tâm của các nỗ lực nâng cao nhận thức về sự tin tưởng, trách nhiệm, vai trò lãnh đạo, dân chủ, pháp quyền và kinh tế thị trường. ASEAN cũng là nhân tố ưu tiên trong các chính sách thúc đẩy nâng cao chất lượng phát triển kết cấu hạ tầng, thương mại và đầu tư, môi trường kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực, tăng cường kết nối(21). Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản năm 2021 nhấn mạnh, với việc nằm ở các khu vực chiến lược quan trọng, tại các trọng điểm chiến lược trên các tuyến đường biển của Nhật Bản và là trung tâm hợp tác khu vực, ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hòa bình và thịnh vượng của Nhật Bản cũng như toàn khu vực(22). Cũng cần nói thêm rằng, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên có tuyên bố chung với ASEAN về hợp tác Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (tháng 11-2020).

Còn đối với Ấn Độ, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, song song với quyết định cải cách kinh tế theo hướng tự do hóa, mở cửa, hội nhập với kinh tế thế giới, nước này triển khai “Chính sách hướng Đông” nhằm góp phần đưa Ấn Độ trở thành cường quốc kinh tế và quân sự không chỉ ở khu vực châu Á mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Trong chính sách này, ASEAN đóng vai trò quan trọng.

Trong bài phát biểu tại Trường Đại học Harvard (Mỹ) vào tháng 9-2003, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Y. Sin-ha nói rõ: “Giai đoạn đầu tiên của chính sách hướng Đông tập trung vào ASEAN và hướng chủ yếu vào các mối liên kết thương mại và đầu tư. Giai đoạn mới của chính sách này được đặc trưng bởi khái niệm mở rộng về hướng Đông, từ Ô-xtrây-li-a tới Đông Á với ASEAN là trọng tâm của chính sách”(23). Khi “Chính sách hướng Đông” được nâng lên thành chính sách “Hành động hướng Đông” và Ấn Độ công bố Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chính sách “Hành động hướng Đông” được xác định là nền tảng của sự can dự của Ấn Độ vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và ASEAN là trung tâm của chính sách này(24). Ấn Độ khẳng định, ASEAN đang thực sự dẫn dắt tiến trình hội nhập thuộc phạm vi chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ và chính ASEAN đã đặt nền tảng (cho hợp tác) của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do vậy, sự thống nhất và trung tâm của ASEAN luôn là ưu tiên quan trọng đối với Ấn Độ.

Cho đến giữa thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, Ấn Độ và ASEAN đã có 30 cơ chế đối thoại, trong đó có hội nghị cấp cao, hội nghị cấp bộ trưởng (ngoại giao, thương mại, du lịch, nông nghiệp, môi trường, năng lượng tái tạo và viễn thông) cùng nhiều cơ chế khác. Ấn Độ là quốc gia thứ hai sau Nhật Bản ra tuyên bố chung với ASEAN về hợp tác trong khuôn khổ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (tháng 10-2021).

Như vậy, vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như ARF, EAS, ADMM+, EAMF rõ ràng đóng vai trò quan trọng trong chính sách của các nước lớn đối với khu vực này. Do vậy, đối với Việt Nam, vai trò trung tâm của ASEAN có ý nghĩa quan trọng chiến lược, thể hiện ở các điểm sau:

Trước hết, dù có những tính toán khác nhau nhưng rõ ràng ASEAN là nhân tố quan trọng trong chính sách của Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng nước lớn, đặc biệt là cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc và ở cấp độ thấp hơn là cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản, giữa Trung Quốc và Ấn Độ diễn ra mạnh mẽ, với vai trò trung lập của mình, ASEAN được các nước lớn lựa chọn là cơ chế đa phương “dẫn dắt cuộc chơi” ở khu vực.

Thứ hai, với hệ thống các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ARF, EAS, ADMM+ và EAMF, ASEAN đã chủ trì thảo luận nhiều vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế... mà các cường quốc có lợi ích, cũng là những vấn đề tác động trực tiếp đến an ninh và phát triển của Việt Nam như vấn đề Biển Đông, hội nhập kinh tế ở khu vực.

Thứ ba, ngoài vai trò “điều phối” hay “dẫn dắt cuộc chơi”, ASEAN với tập hợp của chủ yếu các quốc gia vừa và nhỏ, có quy mô kinh tế vừa phải, phụ thuộc chủ yếu vào bên ngoài về an ninh và phát triển nên thường xuyên trở thành đối tượng bị các nước lớn lôi kéo, chia rẽ. Cam kết lỏng lẻo, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị - an ninh của ASEAN thường bị chỉ trích. Tuy nhiên, sự lỏng lẻo chủ yếu đến từ nguyên tắc đồng thuận của ASEAN lại giúp tổ chức này đứng vững và không ngừng phát huy vai trò trung tâm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều thập niên qua. Nguyên tắc này cũng giúp bảo đảm lợi ích của các nước nhỏ trong các vấn đề liên quan đến chính trị và an ninh nội bộ và chủ quyền lãnh thổ.

Thứ tư, ASEAN là tổ chức hợp tác khu vực đa phương đầu tiên mà Việt Nam tham gia, góp phần giúp Việt Nam phá thế bị bao vây, cô lập, từng bước hội nhập toàn diện với khu vực và thế giới. Cho đến nay, ASEAN cũng là cơ chế khu vực mà vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa chính thức, thường xuyên, hiệu quả nhất thông qua các tuyên bố chủ tịch của các hội nghị cấp cao ASEAN, các tuyên bố riêng rẽ của ASEAN về Biển Đông trong các năm 1992, 1995, 2014; Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, văn kiện của ARF, EAS, ADMM+...

Rõ ràng, ASEAN là tổ chức hợp tác khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh và phát triển của Việt Nam hiện nay và trong những năm tới. Điều này cũng đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đó là: một mặt, khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực; mặt khác, chủ trương giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam trong ASEAN. Việc xây dựng chiến lược, chính sách đối ngoại cụ thể đối với ASEAN để hiện thực hóa định hướng mà Đảng đã chỉ ra là thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Tóm lại, ASEAN là cơ chế hợp tác khu vực hiệu quả hàng đầu hiện nay ở châu Á - Thái Bình Dương. Vai trò trung tâm của tổ chức này đã được minh chứng qua quá trình phát triển của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt với sự tham gia của hầu hết các cường quốc trên thế giới có lợi ích ở khu vực. Với vai trò quan trọng đó, ASEAN trở thành một trong những ưu tiên trong chính sách của các cường quốc đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thực tế vận động của ASEAN trong những thập niên qua cho thấy, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam khi đất nước bước vào giai đoạn mở cửa và hội nhập. Những cơ chế này cũng là những “mặt trận” quan trọng đối với Việt Nam trong công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ./.

TS Võ Xuân Vinh 

Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(1) Ban Thư ký ASEAN: “ASEAN Charter” (Hiến chương ASEAN), Gia-các-ta, tr. 5.
(2) ASEAN Regional Forum: “The Second ASEAN Regional Forum” (Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ hai), https://aseanregionalforum.asean.org/wp-content/uploads/2019/01/Second-ARF-Bandar-Seri-Begawan-1-August-1995.pdf , ngày 1-8-1995.
(3) Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ nhất, ngày 12-10-2010.
(4) Amitav Acharya: “The Myth of ASEAN Centrality” (Tạm dịch: “Câu chuyện về vai trò trung tâm của ASEAN”), Contemporary Southeast Asia: A journal of international and strategic affairs, t. 39, số 2, 2017, tr. 273 - 274.
(5) Xem thêm: Lê Lêna: Vai trò của ASEAN trong hợp tác an ninh - chính trị Đông Á từ góc nhìn lý thuyết phân tích mạng lưới xã hội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018.
(6) Mely Caballero Anthony: “Understanding ASEAN’s centrality: bases and prospects in an evolving regional architecture” (Tạm dịch: “Tìm hiểu vai trò trung tâm của ASEAN: Nền tảng và triển vọng trong một cấu trúc khu vực đang phát triển”), The Pacific Review, t. 27, số 4, 2014, tr. 563.
(7) Lukas Maximillian Mueller: “ASEAN centrality under threat - the cases of RCEP and connectivity” (Tạm dịch “Vai trò trung tâm của ASEAN đang bị thách thức - Trường hợp của RCEP và sự kết nối”), Journal of Contemporary East Asia Studies, t. 8, số 2, 2019, tr. 180.
(8) Li Chenyang and Yang Xiangzhang: “China’s Cooperation with Neighboring Developing Countries: Achievements and Challenges Ahead” (Tạm dịch: “Sự hợp tác của Trung Quốc với các nước đang phát triển lân cận: Thành tựu và thách thức”), China Quarterly of International Strategic Studies, t. 5, số 1, 2019, tr. 33
(9)   中国共产党, 习近平在周边外交工作座谈会上发表重要讲话强调: 为我国发展争取良好周边环境 (Tạm dịch: Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn về công tác ngoại giao láng giềng: “Phấn đấu tạo dựng môi trường ngoại giao láng giềng thân thiện vì sự phát triển của Trung Quốc”), Nhân dân nhật báo, ngày 25-10-2013, http://politics.people.com.cn/n/2013/1025/c1024-23332318.html?
(10) U.S. Mission to ASEAN: “Opening Remarks at U.S. - ASEAN Summit” (Tạm dịch: “Phát biểu khai mạc tại Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - ASEAN”), https://asean.usmission.gov/opening-remarks-at-u-s-asean-summit/, ngày 9-10-2013.
(11) The White House: “National Security Strategy” (Chiến lược An ninh quốc gia), https://obamawhitehouse.archives.gov/sites/default/files/docs/2015_national_security_strategy_2.pdf, tháng 2-2015, tr. 24.
(12) U.S. Mission to ASEAN: “Remarks by President Trump at 5th U.S. - ASEAN Summit” (Tạm dịch: “Phát biểu của Tổng thống Mỹ Trăm tại Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN lần thứ 5”), https://asean.usmission.gov/remarks-president-trump-5th-u-s-asean-summit/, ngày 14-11-2017.
(13) The White House: “National Security Strategy of the United States of America” (Chiến lược An ninh quốc gia của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ), tháng 12-2017, tr. 46.
(14) Department of States of the United States of America: “A Free and Open Indo - Pacific: Advancing a Shared Vision” (Tạm dịch: “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Nâng cao tầm nhìn chung”), https://www.state.gov/a-free-and-open-indo-pacific-advancing-a-shared-vision/, ngày 3-11-2019
(15) The White House: “Interrim National Security Strategic Guidance” (Hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia tạm thời), https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2021/03/NSC-1v2.pdf, tháng 3-2021, tr. 10
(16) The White House: “Remarks by President Biden at the Annual U.S. - ASEAN Summit” (Tạm dịch: “Phát biểu của Tổng thống Mỹ Bai-đơn tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên Hoa Kỳ - ASEAN”), https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/10/26/remarks-by-president-biden-at-the-annual-u-s-asean-summit/, ngày 26-10-2021.
(17), (18) The White House: “Remarks by Vice President Harris on the Indo - Pacific Region” (Tạm dịch: “Phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Ha-rít về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”), https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/08/24/remarks-by-vice-president-harris-on-the-indo-pacific-region/,  ngày 24-8-2021.
(19) Toshiki Kaifu: “Japan and ASEAN: Seeking a Mature Partnership for the New Age” (Tạm dịch: “Nhật Bản và ASEAN: Tìm kiếm quan hệ đối tác cho kỷ nguyên mới”), https://www.jstor.org/stable/25770347, ngày 3-5- 1991.
(20) Association of Southeast Asian Nations: “Japan and ASEAN, Always in Tandem: Towards a more advantageous win - win relationship (Tạm dịch: “Nhật Bản và ASEAN luôn song hành: Hướng tới mối quan hệ đôi bên cùng có lợi”), https://asean.org/book/japan-and-asean-always-in-tandem-towards-a-more-advantageous-win-win-relationship-through-my-three-arrows/, ngày 26-7-2013.
(21) Ministry of Foreign Affairs of Japan: “Free and Open Indo - Pacific” (Tạm dịch: “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”), https://www.mofa.go.jp/files/000430632.pdf
(22) Ministry of Defense: “Defense of Japan 2021” (Quốc phòng Nhật Bản 2021), https://www.mod.go.jp/en/publ/w_paper/index.html, tr. 358.
(23) Ministry of External Affaires: “Speech by External Affairs Minister Shri Yashwant Sinha at Harvard University” (Tạm dịch: “Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Shri Yashwant Sinha tại Đại học Harvard (Mỹ)”), https://www.mea.gov.in, ngày 29-9-2003.
(24) Narendra Modi: “ASEAN is and always will be the heart of our Act East Policy” (Tạm dịch: “ASEAN luôn và sẽ là trung tâm của chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ”), https://www.narendramodi.in/text-of-pm-s-opening-statement-at-16th-asean-india-summit-in-bangkok-547190, ngày 3-11-2019.

 
...