VNHN - Chiều nay (9/1), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì điểm cầu Hà Nội về Hội nghị trực tuyến giám đốc các Sở GD&ĐT triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cụ thể, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới bao gồm: Chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành ngày 26/12/2018.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì điểm cầu Hà Nội
Được biết, chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: Thứ nhất, giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9);
Thứ hai, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Theo đó, giai đoạn giáo dục cơ bản mục đích trang bị cho học sinh tri thức, kĩ năng nền tảng; hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi;
Đồng thời, chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và nhiều mặt của xã hội tương lai;
Ngoài ra, đáp ứng yêu cầu phân luồng sau trung học cơ sở theo các hướng: học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động.
Đối với giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động.
Với các sở GDĐT và phòng GDĐT, cần tham mưu, đề xuất với ủy ban nhân dân cấp tỉnh/huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT từ năm học 2020-2021.
Trong Thông tư nêu rõ: Các sở GDĐT và phòng GDĐT tổ chức tập huấn, quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ GDĐT về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Cùng đó, tổ chức thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đảm bảo hiệu quả đúng tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 08/NQ-CP, thực hiện các nguyên tắc được nêu trong Công văn số 3712/BGDĐT-CSVC ngày 24/8/2018:
Mặt khác, việc dồn dịch, sáp nhập các điểm trường, trường có quy mô nhỏ phải được thực hiện trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; chỉ sáp nhập đối với những trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thuận lợi về khoảng cách giữa các điểm trường, chỉ sáp nhập các trường có quy mô nhỏ ở cùng địa bàn cấp xã;
Các cơ sở giáo dục thuộc diện dồn dịch điểm lẻ cần chuẩn bị đủ cơ sở vật chất (phòng học, phòng ở bán trú, nhà làm việc, nhà công vụ, các công trình bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, hệ thống điện nước,…).
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học.
Chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Liên quan đến cơ sở vật chất trước yêu cầu triển khai chương trình giáo dục mới, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất Phạm Hùng Anh cho hay: Cả nước có 567.012 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 424.757 phòng, tỉ lệ kiên cố 74,9%. Như vậy, vẫn còn 25% số phòng học chưa được kiên cố hoá. Cụ thể: Mầm non 64,9%; tiểu học 72,2%; THCS 83,4%; THPT 93,9%. Tỉ lệ trung bình phòng học/lớp ở bậc mầm non là 0,96, tiểu học 0,89, THCS 0,84, THPT 0,85. Tỉ lệ trung bình phòng học kiên cố/lớp bậc mầm non 0,63; tiểu học 0,63; THCS 0,71; THPT 0,81. Với phòng học bộ môn, cấp THCS có 47.383 phòng/10.582 trường, tỉ lệ 4,5 phòng/trường (trong đó số phòng đáp ứng quy định là 33,135 phòng, đạt tỉ lệ 69,9%); cấp THPT có 13.019 phòng/2.463 trường, tỉ lệ 5,3 phòng/trường. Trong đó số phòng đáp ứng quy định là 9.968 phòng, đạt tỉ lệ 76,6%./. |