VNHN - Theo Chương trình mới môn Địa lý mới được công bố, Giáo dục địa lí được thực hiện ở tất cả các cấp học phổ thông. Ở tiểu học và trung học cơ sở, nội dung giáo dục địa lí nằm trong môn Lịch sử và Địa lí; ở trung học phổ thông, Địa lí là môn học thuộc nhóm môn khoa học xã hội được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Môn Địa lí vừa thuộc lĩnh vực khoa học xã hội (Địa lí kinh tế - xã hội) vừa thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (Địa lí tự nhiên), giúp học sinh có được những hiểu biết cơ bản về khoa học địa lí, các ngành nghề có liên quan đến địa lí, khả năng ứng dụng kiến thức địa lí trong đời sống;
Đồng thời củng cố và mở rộng nền tảng tri thức, kĩ năng phổ thông cốt lõi đã được hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo cơ sở vững chắc giúp học sinh tiếp tục theo học các ngành nghề liên quan.
Thời lượng thực hiện chương trình trong mỗi năm học cho mỗi lớp là 105 tiết (gồm 70 tiết dành cho các kiến thức cốt lõi và 35 tiết dành cho các chuyên đề học tập), dạy trong 35 tuần.
Ảnh minh họa
Mạch nội dung trong Chương trình môn Địa lý
Nội dung giáo dục môn Địa lí gồm địa lí đại cương, địa lí kinh tế - xã hội thế giới, địa lí Việt Nam (địa lí tự nhiên và địa lí kinh tế - xã hội). Ngoài các kiến thức cốt lõi, nội dung giáo dục môn Địa lí còn có các chuyên đề học tập, được phân phối phù hợp với mạch nội dung chính của mỗi lớp.
Lớp 10, học sinh được học về địa lý đại cương với các nội dung: Những vấn đề chung, địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế - xã hội.
Vấn đề chung, học sinh được học các nội dung: Môn Địa lí với định hướng nghề nghiệp cho học sinh; sử dụng bản đồ;
Địa lý tự nhiên, học về trái Đất; thạch quyển; khí quyển; thủy quyển, sinh quyển; Một số quy luật của vỏ địa lí.
Địa lý kinh tế - xã hội học về địa lí dân cư; Các nguồn lực, một số tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế; Địa lí các ngành kinh tế; Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
Ngoài ra, học sinh được học các chuyên đề: Biến đổi khí hậu; Đô thị hoá; Phương pháp viết báo cáo địa lí.
Lớp 11, học sinh được học về Địa lý kinh tế xã hội thế giới, cụ thể:
Một số vấn đề kinh tế - xã hội thế giới: Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế – xã hội của các nhóm nước; Toàn cầu hoá, khu vực hoá kinh tế và an ninh toàn cầu; Nền kinh tế tri thức.
Địa lý khu vực và quốc gia: Khu vực Mỹ Latinh; Liên minh châu Âu (EU); Khu vực Đông Nam Á; Khu vực Tây Nam Á; Hợp chúng quốc Hoa Kì; Liên bang Nga; Nhật Bản; Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc); Australia (Ô-xtrây-li-a); Cộng hoà Nam Phi.
CÁc chuyên đề: Một số vấn đề về khu vực Đông Nam Á; Một số vấn đề về du lịch thế giới; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0).
Lớp 12, học sinh học hoàn toàn về địa lý Việt Nam với các nội dung cụ thể sau:
Địa lý tự nhiên: Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ;Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống; Sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên; Vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Địa lý dân cư: Dân số, Lao động và việc làm; Đô thị hóa.
Địa lý các ngành kinh tế: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Vấn đề phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; vấn đề phát triển công nghiệp; Vấn đề phát triển dịch vụ;
Địa lý các vùng kinh tế: Khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ; Phát triển kinh tế – xã hội ở Đồng bằng sông Hồng; Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ở Bắc Trung Bộ; Phát triển kinh tế biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ; Khai thác thế mạnh để phát triển kinh tế ở Tây Nguyên; Phát triển kinh tế – xã hội ở Đông Nam Bộ; Sử dụng hợp lí tự nhiên để phát triển kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; Phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng an ninh ở Biển Đông và các đảo, quần đảo.
Học sinh cũng được thực hành tìm hiểu địa lý địa phương; đồng thời học các chuyên đề: Thiên tai và biện pháp phòng chống; Phát triển vùng; Phát triển làng nghề.
Phương pháp giáo dục môn Địa lí
Phương pháp giáo dục môn Địa lí được thực hiện theo các định hướng chung sau:
Tích cực hoá hoạt động của học sinh; trong đó giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn, khuyến khích, tạo môi trường học tập thân thiện cho học sinh; học sinh học tập chủ động, tích cực, sáng tạo, tập trung rèn luyện năng lực tự học.
Tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, gắn bài học địa lí với thực tiễn địa phương, đất nước, thế giới; vận dụng kiến thức vào việc giải quyết các vấn đề về môi trường, kinh tế - xã hội tại địa phương, từ đó phát triển nhận thức, kĩ năng, hình thành phẩm chất, năng lực đặc thù và năng lực chung.
Đa dạng hóa các phương pháp dạy học, kết hợp linh hoạt các phương pháp dạy học tiên tiến, các phương pháp dạy học đặc thù của môn học như: sử dụng bản đồ, sơ đồ, số liệu thống kê, biểu đồ, tranh ảnh, mô hình, quan sát, thực địa,...; cải tiến và sử dụng theo hướng phát huy tính tích cực các phương pháp dạy học truyền thống như: thuyết trình, hỏi đáp,...
Thực hiện các hình thức tổ chức dạy học một cách đa dạng và linh hoạt, kết hợp các hình thức dạy học cá nhân, dạy học theo nhóm, dạy học theo lớp; dạy học trên lớp, dạy học ngoài trời, dạy học trong thực tế, thực địa; tham quan, khảo sát địa phương, sưu tầm, hệ thống hoá thông tin, trưng bày, giới thiệu, triển lãm, trò chơi học tập,...
Tổ chức, hướng dẫn, tạo điều kiện để học sinh tìm tòi, khám phá, khai thác và chiếm lĩnh kiến thức từ các phương tiện dạy học địa lí như: bản đồ, atlat, tranh ảnh, mô hình, các dụng cụ quan trắc, dụng cụ đo vẽ, tài liệu, tư liệu,...
Khuyến khích, tạo điều kiện, xây dựng môi trường học tập thuận lợi cho học sinh khai thác thông tin từ Internet để phục vụ học tập; rèn luyện cho học sinh kĩ năng xử lí, trình bày thông tin địa lí bằng công nghệ thông tin và truyền thông,...; tăng cường tự làm các thiết bị dạy học với việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (lập các trang website học tập, xây dựng hệ thống bài học, bài tập, thực hành, bài kiểm tra bằng các phần mềm thông dụng và thích hợp, xây dựng các video clip giới thiệu sự vật, hiện tượng địa lí,...).
Một số hình thức kiểm tra, đánh giá Môn Địa lí sử dụng các hình thức đánh giá chủ yếu: Đánh giá thông qua bài viết: bài tự luận, bài trắc nghiệm khách quan, bài tiểu luận, bài thu hoạch tham quan, báo cáo kết quả sưu tầm, báo cáo kết quả nghiên cứu, điều tra,... Đánh giá thông qua vấn đáp, thuyết trình: trả lời câu hỏi vấn đáp, phỏng vấn, thuyết trình vấn đề nghiên cứu,... Đánh giá thông qua quan sát: quan sát quá trình học sinh sử dụng các công cụ học tập, thực hiện các bài thực hành, thảo luận nhóm, học ngoài thực địa, tham quan, khảo sát địa phương, tham gia dự án nghiên cứu,… bằng cách sử dụng bảng quan sát, hồ sơ học tập,.../. |