24/01/2025 lúc 04:11 (GMT+7)
Breaking News

Chương trình GDPT mới: Coi trọng dạy học trực quan và thực hành trong môn Tin học

VNHN - Theo Chương trình môn Tin học được Bộ GD&ĐT công bố, thời lượng dành cho phân môn Tin học trong môn Tin học và Công nghệ ở cấp tiểu học và môn Tin học ở THCS là 35 tiết/lớp/năm học. Ở THPT, thời lượng dành cho môn Tin học là 70 tiết/lớp/năm học. Ngoài ra, có chuyên đề học tập Tin học theo hai định hướng ICT và CS, mỗi định hướng 35 tiết/lớp/năm học.

VNHN - Theo Chương trình môn Tin học được Bộ GD&ĐT công bố, thời lượng dành cho phân môn Tin học trong môn Tin học và Công nghệ ở cấp tiểu học và môn Tin học ở THCS là 35 tiết/lớp/năm học. Ở THPT, thời lượng dành cho môn Tin học là 70 tiết/lớp/năm học. Ngoài ra, có chuyên đề học tập Tin học theo hai định hướng ICT và CS, mỗi định hướng 35 tiết/lớp/năm học.

3 mạch kiến thức

Nội dung môn Tin học phát triển ba mạch kiến thức hoà quyện: Học vấn số hoá phổ thông (DL), Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), Khoa học máy tính (CS) và được phân chia theo hai giai đoạn:

Giai đoạn giáo dục cơ bản: Môn Tin học giúp học sinh hình thành và phát triển khả năng sử dụng công cụ kĩ thuật số, làm quen và sử dụng Internet; bước đầu hình thành và phát triển tư duy giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của máy tính và hệ thống máy tính; hiểu và tuân theo các nguyên tắc cơ bản trong trao đổi và chia sẻ thông tin.

Ở cấp tiểu học, chủ yếu học sinh học sử dụng các phần mềm đơn giản hỗ trợ học tập và sử dụng thiết bị tin học tuân theo các nguyên tắc giữ gìn sức khoẻ,đồng thời bước đầu được hình thành tư duy giải quyết vấn đề có sự hỗ trợ của máy tính.

Ảnh minh học

Ở cấp trung học cơ sở, học sinh học cách sử dụng, khai thác các phần mềm thông dụng để làm ra sản phẩm số phục vụ học tập và đời sống; thực hành phát hiện và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo với sự hỗ trợ của công cụ và các hệ thống tự động hoá của công nghệ kĩ thuật số; học cách tổ chức lưu trữ, quản lí, tra cứu và tìm kiếm dữ liệu số, đánh giá và lựa chọn thông tin.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Môn Tin học có sự phân hoá sâu. Tuỳ theo sở thích và dự định về nghề nghiệp trong tương lai, học sinh lựa chọn một trong hai định hướng: Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính.

Hai định hướng có chung một số chủ đề con và mỗi định hướng này còn có những chủ đề con riêng.

Định hướng Tin học ứng dụng đáp ứng nhu cầu sử dụng máy tính như một công cụ của công nghệ kĩ thuật số trong cuộc sống, học tập và làm việc, đem lại sự thích ứng và khả năng phát triển dịch vụ trong xã hội số.

Định hướng Khoa học máy tính đáp ứng mục đích bước đầu tìm hiểu nguyên lí hoạt động của hệ thống máy tính, phát triển tư duy máy tính, khả năng tìm tòi, khám phá các hệ thống tin học, phát triển ứng dụng trên hệ thống máy tính.

Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, học sinh có thể chọn một số chuyên đề học tập tuỳ theo sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp.

Những chuyên đề thuộc định hướng Tin học ứng dụng nhằm tăng cường thực hành ứng dụng, giúp học sinh thành thạo hơn trong sử dụng các phần mềm thiết yếu, làm ra sản phẩm số thiết thực cho học tập và cuộc sống.

Những chuyên đề thuộc định hướng Khoa học máy tính nhằm giới thiệu lập trình điều khiển robot giáo dục, kĩ thuật thiết kế thuật toán, một số cấu trúc dữ liệu và một số nguyên tắc thiết kế mạng máy tính.

Định hướng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học đặc thù

Áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, coi trọng dạy học trực quan và thực hành. Khuyến khích sử dụng phương pháp dạy học theo dự án để phát huy khả năng làm việc nhóm, khả năng tự học và tính chủ động của học sinh. Việc dạy học ở phòng thực hành máy tính cần được tổ chức linh hoạt nhằm đem lại cho học sinh sự hào hứng, chủ động khám phá, nhưng phải bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tuỳ theo nội dung bài, ở mỗi hoạt động, lựa chọn hình thức tổ chức dạy học phù hợp. Một số chủ đề liên quan trực tiếp đến lập luận, suy diễn logic, tư duy thuật toán và giải quyết vấn đề có thể được dạy học không nhất thiết phải sử dụng máy tính.

Gắn nội dung kiến thức với các vấn đề thực tế, yêu cầu học sinh không chỉ đề xuất giải pháp cho vấn đề mà còn phải biết kiểm chứng hiệu quả của giải pháp thông qua sản phẩm số.

Chú ý thực hiện dạy học phân hoá, cụ thể:

Ở THCS, giúp học sinh lựa chọn những chủ đề thích hợp, khơi gợi niềm đam mê và giúp học sinh phát hiện khả năng của bản thân đối với môn Tin học, chuẩn bị cho sự lựa chọn môn Tin học ở cấp THPT.

Ở THPT, hai định hướng Khoa học máy tính và Tin học ứng dụng khác nhau không chỉ về nội dung kiến thức mà cả về phương pháp dạy học. Phương pháp dạy học thực hành rất quan trọng trong các chủ đề định hướng Tin học ứng dụng với mục tiêu rèn luyện và phát triển kĩ năng sử dụng công cụ kĩ thuật số.

Phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề phù hợp với nhiều chủ đề của định hướng Khoa học máy tính với mục tiêu phát triển tư duy máy tính cho học sinh./.

Theo Giaoducthoidai.vn