VNHNO - Là những cuốn sách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, dạy trẻ về kỹ năng sống, về lòng nhân ái bao la, giúp trẻ hình thành tốt về cả tư duy và nhân cách. Vì vậy, bố mẹ hãy bổ sung những cái tên dưới đây vào tủ sách của con nhé.
Không gia đình (Hector Malot)
(Ảnh: internet)
“Không gia đình” hay còn được dịch là “Vô gia đình”, có thể được xem là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của văn hào Pháp Hector Malot, được xuất bản năm 1878. Tác phẩm đã được giải thưởng của Viện hàn lâm văn học Pháp. Nhiều nước trên thế giới đã dịch lại tác phẩm và xuất bản, tác phẩm đã vượt qua biên giới nước Pháp để đến với lứa tuổi thiếu nhi ở khắp năm châu. Cùng với thời gian “Không gia đình” luôn hấp dẫn mọi thế hệ tuổi thơ cũng như người lớn bởi tính nhân văn cao cả, vẻ đẹp lãng mạn và bút pháp tinh tế điêu luyện.
“Không gia đình” kể về cậu bé Rê-mi mồ côi cả cha lẫn mẹ từ bé, không anh em, họ hàng thân thích. Rê-mi theo một gánh xiếc gồm một khỉ, chó và ông cụ Vitali từng trải lương thiện đi biểu diễn và chu du khắp mọi miền nước Pháp. Ý nghĩa tác phẩm làm cho các em thiếu nhi càng thêm yêu mến tác phẩm với hình ảnh những con người tuyệt đẹp. Thủy chung, quả cảm, yêu lao động, yêu nghệ thuật, biết tôn trọng phẩm giá và danh dự, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Những tấm lòng cao cả (Edomondo De Amicis)
(Ảnh: internet)
“Những tấm lòng cao cả” hay Tâm hồn cao thượng (tiếng Ý: nghĩa là Trái tim) là một cuốn tiểu thuyết trẻ em của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis. Lấy bối cảnh trong lúc nước Ý đang thống nhất cũng như nói về đề tài yêu nước. Tiểu thuyết được xuất bản đầu tiên vào ngày 18 tháng 10 năm 1886, ngày khai trường ở Ý và trở thành một hiện tượng xuất bản ngay lập tức.
Xuyên suốt tiểu thuyết là những vấn đề xã hội như sự nghèo đói, “Những tấm lòng cao cả” cho thấy ảnh hưởng của tư tưởng chính trị trong từng lời văn của tác giả.
Trong truyện, cậu bé người Ý En-ri-cô hằng ngày đều ghi lại những sự việc, cuộc sống xung quanh mình và cả những câu chuyện cảm động mà cậu đã được nghe, được thấy và có khi cậu là nhân vật chính vào cuốn nhật kí mà cậu bắt đầu viết từ năm lớp ba. Qua "Những tấm lòng cao cả", Amicis muốn gửi gắm đến các em thiếu nhi những bài học đạo đức sâu sắc cũng như vai trò quan trọng của nhà trường, cha mẹ trong việc dạy dỗ trẻ em.
Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên (Laura Ingalls Wilder)
(Ảnh: internet)
Xuất bản vào năm 2013, "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" bắt nguồn từ những câu chuyện thuở ấu thơ của tác giả Laura Ingalls Wilder, được kể lại qua cô bé Laura – người con thứ hai trong gia đình Ingalls. Cuộc sống của cặp vợ chồng son Laura và Almanzo Wilder trong trang trại nhỏ trên thảo nguyên đã bắt đầu với bao hi vọng... Nhưng mỗi năm lại mang đến những vận hạn không ngờ và họ lại phải làm lại tất cả từ đống tro tàn với hai bàn tay trắng. Chính kí ức xa xôi về những năm tháng tiên phong của tổ tiên, nhiệt huyết của những người nông dân quả cảm đã nuôi dưỡng lòng kiên trì và tìn yêu bề bỉ của họ với đất đai...
Cuốn sách ngợi ca tình gia đình ấm áp, tình bạn thủy chung, ngoài ra còn đề cao những con người lạc quan, yêu đời, sẵn sàng vượt qua khó khăn.
Alice ở xứ sở diệu kỳ (Lewis Carrol)
(Ảnh: internet)
Cuộc phiêu lưu của Alice vào Xứ Sở Thần Tiên (1865) là cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi của tác giả người Anh Charles Lutwidge Dodgson dưới bút danh Lewis Carroll. Câu chuyện kể về cô bé Alice chui qua một hang thỏ rồi lạc vào thế giới thần tiên có những sinh vật kì lạ.
Đây là cuốn sách rất được các bạn nhỏ yêu thích, thỏa sức cho trí tưởng tượng bay cao về một thế giới diệu kì nơi có những phép màu cổ tích.
Totto-Chan: Cô bé bên cửa sổ (Tetsuko Kuroyanagi)
(Ảnh: internet)
“Totto-Chan: Cô bé bên cửa sổ”, tiếng anh: “Totto-Chan: The little girl at the window”, là cuốn tự truyện của Kuroyanagi Tetsuko. Hơn bảy triệu bản của cuốn sách này đã được bán ở Nhật Bản. Ngay trong năm đầu tiên, bốn triệu rưỡi cuốn đã được bán ra. Đây được coi là cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật sau Thế chiến thứ hai.
Nội dung truyện nói về cô bé Totto-Chan, Totto-Chan sinh ra trong gia đình hạnh phúc, lên sáu tuổi em phải thôi học vì bản tính hiếu động, nghịch ngợm đến kì lạ so với các bạn cùng tuổi. Trước tình thế đó, mẹ em đã cho em chuyển đến trường Tomoe của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku.
Đây là một ngôi trường rất đặc biệt trên những toa tàu cũ chỉ gồm 50 học sinh. Học sinh được làm những điều mình thích, tuy cách giáo dục có hơi khác lạ nhưng sau này các em đều trở thành những người tốt và thành đạt trong xã hội.
Cô bé Totto-Chan vẫn nhớ mãi lời thầy Kobayashi nói: "Em thật là một cô bé ngoan". Nhà văn Tetsuko dành những trang cuối của tác phẩm để viết các bạn bè cùng lớp của mình và cả cuộc sống sau này của họ. Có người đã trở thành nhà khoa học, người chuyên trồng hoa lan, người trở thành nhà giáo dục và nghệ sĩ nhưng cũng có người đã qua đời vì bệnh tật. Câu nói của thầy hiệu trưởng đã để lại cho độc giả nhiều suy ngẫm: “Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa”.