26/04/2024 lúc 15:31 (GMT+7)
Breaking News

Vấn đề cốt lõi để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong giai đoạn hiện nay

VNHN - Nhân tài là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tiến bộ xã hội, dân tộc, cộng đồng, là lực lượng tổ chức, tiên phong, quyết định tốc độ, trình độ, chất lượng phát triển của mỗi quốc gia. Vì vậy, công tác phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài là vấn đề cốt lõi của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, đặc biệt là trong xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược giai đoạn hiện nay.

VNHN - Nhân tài là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tiến bộ xã hội, dân tộc, cộng đồng, là lực lượng tổ chức, tiên phong, quyết định tốc độ, trình độ, chất lượng phát triển của mỗi quốc gia. Vì vậy, công tác phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài là vấn đề cốt lõi của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, đặc biệt là trong xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược giai đoạn hiện nay.

Ảnh minh họa

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”

Trong quá trình xây dựng và bảo vệ quốc gia, dân tộc thì nhân dân là người làm chủ lịch sử, trong đó sự tồn vong và phát triển của một dân tộc không chỉ dừng lại ở đời sống vật chất mà còn phụ thuộc vào đời sống tinh thần, nghĩa là dựa vào tài năng, trí tuệ và đạo đức của nhân dân. Trong đời sống tinh thần đó phải kể đến vai trò của trí thức, của những bậc hiền tài, nhân vật kiệt xuất, họ xuất hiện trong quá trình sản xuất và chiến đấu của nhân dân, gắn bó với nhân dân, dẫn dắt nhân dân hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Như vậy, hiền tài phải là người có cả tài năng, đức hạnh, đem tài năng và đức hạnh ấy phục vụ cho Tổ quốc; là người không chỉ học rộng, hiểu sâu, mà còn phải là người gương mẫu về đạo đức, suốt đời chăm lo tu dưỡng phẩm hạnh cho bản thân. Theo Thân Nhân Trung, đó là người “lấy trung nghĩa mà rèn cho danh thực hợp nhau, thực hành điều sở học, làm nên sự nghiệp vĩ đại sáng ngời, khiến cho người đời sau kính trọng thanh danh, mến mộ khí tiết”(1). Sự xuất hiện của họ đem lại niềm tin, sức mạnh cho nhân dân và cùng nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Đó chính là hiền tài của đất nước, là “nguyên khí quốc gia”.

Trọng dụng nhân tài là một dòng chảy liên tục, luôn được duy trì và phát triển trong mọi nền văn minh nhân loại. Bởi trong từng bước đi lịch sử, nhân tài đóng vai trò tiên phong thúc đẩy xã hội tiến lên những bước tiến mới cao hơn, văn minh hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, “kiến thiết cần có nhân tài”(2), Người căn dặn, “để xây dựng nước nhà, chúng ta cần ngày càng nhiều trí thức tốt. Đảng và Chính phủ vừa phải giúp cho thế hệ trí thức ngày càng tiến bộ, vừa phải đào tạo thêm trí thức mới”(3). Ngay từ những năm đầu đổi mới, trong Văn kiện Đại hội VI, Đại hội VII, Đảng chỉ rõ nhiệm vụ của giáo dục là “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”(4); tại Đại hội IX, Đại hội XII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người có đức, có tài; tạo bước chuyển căn bản trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài; xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài; coi đó là giải pháp quan trọng trong thực hiện chiến lược cán bộ”(5), “lựa chọn những người thực sự có đức, có tài giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu… có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài”(6).

Việc phát hiện và phát triển nhân tài là vấn đề hết sức cần thiết trong tiến trình phát triển của xã hội. Bên cạnh việc bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực chuyên môn - lớp người sáng tạo và làm giàu cho kho tàng tri thức của nhân loại, tạo ra những công nghệ mới phát triển không ngừng nền văn minh thì việc tạo điều kiện để làm xuất hiện lớp người quản lý, lãnh đạo có tài năng, có học thức, có tầm nhìn chiến lược, có khả năng tổng kết thực tiễn, tường minh thực trạng, có khả năng truyền cảm hứng và đặc biệt phải biết cách dùng người, có uy tín, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng lại có một ý nghĩa khác. Lớp người này sẽ có vai trò lãnh đạo, tổ chức, phát huy những thành tựu của các nhà chuyên môn để phục vụ lợi ích tối đa cho cộng đồng, dân tộc, cho loài người. Do đó, việc thu hút và trọng dụng nhân tài, quan tâm đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện chính sách nhân tài trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược

Muốn thực hiện tốt chính sách nhân tài để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong giai đoạn hiện nay, một số giải pháp được đưa ra, đó là:

Một là, liên tục lựa chọn, phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng nhân tài quản lý. Việc phát hiện và tuyển chọn phải bắt đầu từ quá trình giáo dục - đào tạo, phải có “dân trí” rồi mới có “nhân tài”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy. Thực vậy, nhân tài không xuất hiện từ lớp người chưa được chuẩn bị về kiến thức, mà phải qua nhà trường, tức là phải được đào tạo một cách thực chất, để mỗi người có vốn liếng tri thức thành năng lực hành nghề và thái độ đạo đức, hành vi ứng xử tốt đẹp. Học vấn phải trở thành văn hóa, thành nguồn nhân lực và trong nguồn nhân lực đó có đội ngũ người tài làm đầu tàu. Và người tài phải bắt đầu từ những học sinh, sinh viên xuất sắc. Nói cách khác, giáo dục - đào tạo là biện pháp chuẩn bị học vấn chung cho một lớp người, trong số đó có những người giàu năng khiếu, nhiệt tâm lao động. Họ sẽ trở thành nhân tài trong môi trường thuận lợi cho tự do và sáng tạo. Muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ và tuyển chọn được nhiều nhân tài cho đất nước, phải coi trọng giáo dục, chấn chỉnh việc giáo dục - đào tạo làm sao phải “thực học để có thực lực”, phải coi trọng cả giáo dục khoa học lẫn đạo đức. Thực hiện tốt chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nhằm bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ, chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực để phục vụ lâu dài cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, khoa học cũng cho thấy, nếu như thông minh trong trường học là thông minh hàn lâm, sách vở, thì thông minh trong đời sống thực tiễn lại là thông minh về sự nhạy bén, linh hoạt, sắc sảo trong xử lý, giải quyết vấn đề. Sự trải nghiệm đó chỉ có được trong hoạt động thực tiễn, tức là người lãnh đạo chỉ có qua quá trình lãnh đạo, quản lý mới đem lại những trải nghiệm cần thiết đối với năng lực lãnh đạo, quản lý. Như vậy, nhân tài lãnh đạo không phải ra đời từ trường sở, mà thông qua việc lựa chọn và phát hiện từ quá trình giáo dục để từ đó đào tạo, bồi dưỡng, sàng lọc trong hoạt động xã hội, cho nên cần phải tạo ra môi trường, bầu không khí thuận lợi cho mọi công dân có điều kiện tham gia và tổ chức các hoạt động xã hội, tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm, xem đó là cơ hội để họ tham gia hoạt động xã hội, trưởng thành và trở thành những người có tài năng quản lý. Mặt khác, cần quan tâm giáo dục các môn khoa học quản lý. Thực tiễn, những năm qua, Đảng rất quan tâm đến việc giáo dục chính trị - tư tưởng và đạo đức cách mạng, song cần hơn nữa sự bồi dưỡng kiến thức về con người, về đối nhân xử thế. Sẽ không thể có đạo đức cách mạng tốt khi thiếu những kiến thức về con người và những quy tắc ứng xử giữa con người. Vì vậy, sau khi tuyển dụng, cơ quan, đơn vị cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để người được tuyển dụng đủ đáp ứng yêu cầu trong các lĩnh vực công tác và bồi dưỡng thêm các môn khoa học xã hội theo hướng nâng cao kiến thức về con người, các quy luật tư duy và hoạt động của con người, các quy tắc ứng xử giữa con người… đó là những kiến thức cần trang bị cho người làm lãnh đạo, quản lý.

Hai là, sử dụng, đãi ngộ nhân tài một cách hợp lý. Đi đôi với việc phát hiện nhân tài thì sử dụng, trọng dụng nhân tài một cách hợp lý để không làm “lãng phí” nhân tài cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: Trong việc dùng nhân tài, “ta không nên căn cứ vào những điều kiện khắt khe”,“ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”(7). Việc bố trí cán bộ phù hợp với sở trường của từng người sẽ tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi để nhân tài có thể phát huy tối đa khả năng cống hiến cho đất nước. Thực tiễn đã chứng minh, bất kỳ lĩnh vực nào, nếu không tạo ra được một cơ chế thích hợp theo đúng quy luật phát triển, người lãnh đạo không biết nhìn nhận, thu hút, trọng dụng nhân tài thì chúng ta không thể sớm tạo ra được sự bứt phá trên nhiều lĩnh vực. C. Mác và Ph. Ăng-ghen từng nhận định, “hoàn cảnh tạo ra con người chừng nào, thì con người tạo ra hoàn cảnh chừng ấy”(8). Hiện nay, nhiều địa phương đã có chính sách “trải thảm đỏ” thu hút nhân tài, tuy nhiên, số lượng nhân tài thu hút được chưa đồng đều và chưa bền vững, số lượng nhân tài vẫn còn ít, chưa phát huy, tận dụng ở mức cao nhất, cơ chế sử dụng người tài vẫn còn bất cập, chưa đủ sức hút mạnh mẽ. Để khắc phục thực trạng này, các cấp, các ngành cần thực hiện có hiệu quả chính sách sử dụng nhân tài theo Kết luận 86-KL/TW, ngày 24-01-2014, của Bộ Chính trị về “chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”, trong đó chú trọng các chính sách tuyển dụng, tạo môi trường làm việc, về cơ chế tiền lương, ngạch bậc, chế độ tuyên dương, tuyên danh người có thành tích đặc biệt xuất sắc, tạo động lực cho nhân tài phát huy tối đa khả năng, trí tuệ cho quốc gia, dân tộc.

Ba là, đổi mới quy trình và tiêu chuẩn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sao cho những người có đức, có tài sớm được đưa vào những cương vị thích hợp để nhanh chóng phát huy tài năng, tạo động lực cho nhân tài phát huy tối đa khả năng, trí tuệ; “bố trí cán bộ có bản lĩnh, năng lực vượt trội và triển vọng phát triển vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp, nhất là cán bộ trẻ”(9). Việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải dựa trên cơ sở đánh giá cán bộ, tiêu chuẩn cán bộ, thực hiện các nội dung công tác cán bộ như quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; luân chuyển để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách; lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, bảo đảm đúng nguyên tắc, minh bạch và công khai, công tâm, khách quan. Để thực hiện tốt điều này, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt công tác đánh giá, lựa chọn, bố trí sử dụng đúng cán bộ, quan tâm “thu hút và trọng dụng nhân tài”(10), tạo tiền đề để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra./.

Theo Tạp chí Cộng sản