26/04/2024 lúc 14:50 (GMT+7)
Breaking News

Trách nhiệm thuộc về ai khi "người bị hại" lộ danh tính trên mạng xã hội ?

VNHN - Để luật an ninh mạng được áp dụng triệt để, việc bảo mật thông tin trên báo chí sẽ phát huy đúng mục đích của nó, giữ kín thông tin, hình ảnh của người bị hại. Khi mỗi người dân tham gia vào các tài khoản mạng xã hội nâng cao ý thức, tuân thủ luật an ninh mạng, chia sẻ những thông tin từ các nguồn chính thống.

VNHN - Hiện nay, báo chí đã và đang cố gắng thực hiện bảo mật thông tin cá nhân, che mặt người bị hại, thân nhân có liên quan đến người bị hại nhằm đảm bảo quyền nhân thân về hình ảnh truyền thông đại chúng khi đăng tải lên các trang báo điện tử, báo truyền hình, báo in …

Thế nhưng với tốc độ lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, người bị hại không được che mặt bảo mật, mà thậm chí chỉ cần một cú click chuột thì không khó để tìm kiếm tất cả thông tin cá nhân, hình ảnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, tinh thần, công việc và gia đình của họ.

Vậy công bằng nào cho người bị hại khi lộ danh tính trên mạng xã hội ?

Trong thời đại công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của internet có thể dễ dàng chia sẻ hình ảnh trên các trang mạng xã hội. Việc vi phạm quyền nhân thân về hình ảnh truyền thông đại chúng vẫn thường xuyên xảy ra. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là vấn đề được bàn luận trên thế giới trong một thời gian dài, nhưng đến nay vẫn không thể tìm ra được những nguyên tắc, quy định thật hoàn hảo. Không chỉ ở khía cạnh pháp luật, sử dụng hình ảnh cá nhân trên truyền thông cũng còn là vấn đề đạo đức.

Mới đây nhất là sự việc trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip một cô gái bị một nhóm người của nhà hàng "Nhắng nướng Hiền Thiện" tại thành phố Bắc Ninh bắt quỳ, xin lỗi do đăng tải thông tin không tốt trên trang cá nhân. Theo nội dung đoạn video, người đàn ông được cho là chủ quán nướng này đã liên tục dùng những lời lẽ nhục mạ, chửi bới cô gái. Bên cạnh người đàn ông còn nhiều người khác được cho là nhân viên cũng buông lời chửi bới cô. Cô gái trẻ vừa quỳ, vừa khóc liên tục van xin chủ quán nướng và nhân viên nhà hàng.

Cô gái bị chủ nhà hàng Nhắng nướng Hiền Thiện bắt quỳ xin lỗi. Ảnh: Internet.

Đoạn clip được vợ chủ quán livestream và đăng trên facebook thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ của cộng đồng mạng. Sự bức xúc của cư dân mạng đối với hành vi đầy tính đe dọa và xúc phạm của đội ngũ nhà hàng "Nhắng nướng Hiền Thiện" nhận về vô số chỉ trích. Vậy nạn nhân trong sự việc trên, cô gái kia có đáng phải bị công khai khoảnh khắc không đáng có đó bằng hàng ngàn cú click chuột trên mạng xã hội ? Khi mà báo chí vào cuộc che đi danh tính nạn nhân nhưng trước đó đoạn clip vẫn còn xuất hiện hình ảnh cô gái trẻ khóc lóc van xin nhà hàng kia với cách hành xử côn đồ ?

Căn cứ vào Điều 32, thuộc bộ luật Dân Sự 2015. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh vi phạm quy định tại điều này thì người bị hại có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa: Internet.

Ai sẽ chịu trách nhiệm khi bị lộ danh tính trên mạng xã hội ?

Song song với sự phát triển của Kỷ nguyên internet, luật an ninh mạng ra đời nhằm bảo vệ hình ảnh, thông tin của công dân. Căn cứ vào Điều 17, Luật An ninh mạng quy định phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng. Đây là quy định tiến bộ, cụ thể hóa Khoản 1, Điều 14 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, “các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và Pháp luật”. Từ quy định này của Luật An ninh mạng sẽ giúp bảo vệ người dân trước các hoạt động gián điệp mạng, bảo vệ được bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng. Qua đó, không bị can thiệp vào đời tư, gia đình, chỗ ở và thư tín.

Ảnh minh họa: Internet.

Việt Nam là một trong 15 quốc gia có số người dùng smartphone cao nhất thế giới với 43,7 triệu người dùng, tương đương với 44,9% tổng dân số (Theo báo cáo Vietnam Digital Advertising). Điều này có nghĩa là khi một sự kiện diễn ra, thì tốc độ lan truyền của sự kiện đó trên các trang mạng xã hội sẽ nhanh gấp nhiều lần khi thông tin đó xuất hiện trên các trang báo. Với hàng ngàn lượt chia sẻ trên hàng ngàn tài khoản khác nhau, khuôn mặt và cả thông tin người bị hại dễ dàng bị công khai và tràn lan. Thống kê trên cho thấy, rất khó để có thể quản lý tất cả các tài khoản xã hội khi họ hoạt động trên các không gian mạng, người bị công khai phát tán hình ảnh hay thông tin cá nhân sẽ phải tự sử dụng các biện pháp pháp lý để khởi kiện những cá nhân, tổ chức có hành vi này đối với mình.

Báo chí đã và đang thực hiện đúng theo tôn chỉ và nguyên tắc hoạt động của nghề báo, đảm bảo thông tin và hình ảnh của người dân được bảo vệ một cách tốt nhất. Để luật an ninh mạng được áp dụng triệt để, việc bảo mật thông tin trên báo chí sẽ phát huy đúng mục đích của nó, giữ kín thông tin, hình ảnh của người bị hại. Khi mỗi người dân tham gia vào các tài khoản mạng xã hội nâng cao ý thức, tuân thủ luật an ninh mạng, chia sẻ những thông tin từ các nguồn chính thống. Thiết nghĩ nên có những chế tài xử phạt đối với những hành vi công khai hình ảnh, thông tin của người bị hại gây ảnh hưởng đến tinh thần và cuộc sống của họ. Chỉ có như vậy, quyền nhân thân về hình ảnh truyền thông đại chúng của công dân mới được phát huy hết giá trị không chỉ qua báo chí mà còn trên không gian mạng ./.