27/04/2024 lúc 03:04 (GMT+7)
Breaking News

Thực trạng xâm hại trẻ em -Các quy định pháp luật cần sửa đổi, bổ sung

VNHN - Trước tình hình trẻ em bị xâm hại đáng báo động như hiện nay, nhưng lại nhận được sự ngập ngừng trong việc thực thi các biện pháp pháp luật của các cơ quan chức năng khiến người dân lo lắng và bức xúc về quyền lợi của con em mình. Tuyên truyền là chưa đủ - cần quyết liệt và rõ ràng hơn nữa trong việc xử lý tội phạm ...

VNHN - Trước tình hình trẻ em bị xâm hại đáng báo động như hiện nay, nhưng lại nhận được sự ngập ngừng trong việc thực thi các biện pháp pháp luật của các cơ quan chức năng khiến người dân lo lắng và bức xúc về quyền lợi của con em mình. Tuyên truyền là chưa đủ - Cần quyết liệt và rõ ràng hơn nữa trong việc xử lý và phòng ngừa tội phạm .

Đó là đề tài chính được các Luật gia trao đổi trong Buổi tọa đàm diễn ra ngày 12/5 tại Chi hội Luật gia & Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP. Hồ Chí Minh (thuộc Hội Luật gia Việt Nam). 

Các đại biểu tham gia Tọa đàm 

Là chủ nhân tương lai của đất nước, trẻ em có những quyền lợi nhất định, được quy định trong Luật trẻ em.  Tuy nhiên, những điều luật về Quyền trẻ em hiện nay cần được làm rõ ràng và quyết liệt hơn nữa trước thực trạng xâm hại tình dục trẻ em đáng báo động như hiện nay.

Gần đây, gây xôn xao dư luận là vụ Nguyễn Trọng Trình (trú tại xã Hoà Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) thấy một bé gái đang đi bộ bèn nói dối là bạn của bố cháu bé để dụ cháu lên xe chở về. Trình chở bé đến một khu vườn chuối không có người, dùng sức mạnh thực hiện hành vi dâm ô. Do đau đớn nên bé gái kêu khóc; Lúc này, Trình sợ việc bị bại lộ bèn bỏ mặc cháu ở vườn chuối, tẩu thoát.

Dù đang là đối tượng bị theo dõi tại địa phương vì có tiền án tiền sự, nhưng công an huyện Chương Mỹ lại khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Trọng Trình về hành vi “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” – cho Trình được tại ngoại, chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Quyết định này gặp phải phản ứng dữ dội của cộng đồng xã hội. Sau đó, Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội đã ra văn bản yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra công an TP. Hà Nội thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Trọng Trình từ tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” sang tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Ông Nguyễn Hữu Linh.

Trước đó, vào khoảng 21h ngày 1/4/2019, tại chung cư Galaxy ở Q.4 tại TP.HCM, người đàn ông tên Nguyễn Hữu Linh - Nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP. Đà Nẵng đã khống chế và hôn một bé gái trong thang máy, khiến bé gái hoảng sợ nhưng bị Linh choàng cổ kéo lại. Đến khi thang máy mở cửa, bé gái mới chạy thoát…

Ngày 5/4, Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã có kiến nghị gửi Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 4, Viện Kiểm sát Nhân dân Quận 4, cho biết hành vi của Nguyễn Hữu Linh cần được khởi tố để điều tra về tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” theo quy định tại điều 146 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tội phạm này BLHS không quy định phải khởi tố theo yêu cầu người bị hại. Do chủ thể là người dưới 16 tuổi nên không cần đơn yêu cầu khởi tố của gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, đến cuối tháng 4 cơ quan chức năng mới khởi tố. Lúc này, Nguyễn Hữu Linh đã di chuyển ra khỏi địa bàn cư trú.

Theo Luật gia Nguyễn Văn Liêm thực trạng những năm qua thực hiện Luật trẻ em, tình hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em có tiến bộ. Tuy nhiên, trong phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và xâm hại trẻ em nói chung vẫn gặp những khó khăn, bất cập. Chưa có quy trình tố tụng đặc biệt để xử lý tố giác, tin báo và giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em…

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, nhiều ý kiến đề nghị, cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao phòng ngừa tội phạm này. Ngoài ra, Tòa án Nhân dân Tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn xác định các dấu hiệu của Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi. Trước việc thiếu quy trình giám định đặc biệt đối với loại án xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em, các ý kiến đề nghị VKSND Tối cao chủ trì xây dựng quy trình trưng cầu giám định đối với loại án này.

Ví dụ: Khoản 2, Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: Nghiêm cấm hành vi “quấy rối tình dục tại nơi làm việc”. Tuy nhiên hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn: Thế nào là hành vi quấy rối tình dục? Các biểu hiện cụ thể của hành vi là gì? Hay, Bộ luật Hình sự quy định về Tội dâm ô người dưới 16 tuổi nhưng cho đến nay Tòa án Nhân dân Tối cao chưa ban hành được văn bản hướng dẫn các dấu hiệu của Tội dâm ô người dưới 16 tuổi là như thế nào. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng, khi giải quyết vụ án này thường mất nhiều thời gian hơn.

Ngoài ra, theo Luật gia Lương Duy Cường: Tòa án Nhân dân các cấp cần chủ động phối hợp với cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp ngay từ giai đoạn điều tra để kịp thời nắm bắt diễn biến vụ án để lên kế hoạch xét xử, đảm bảo kịp thời, đúng thời hạn luật định. Trong quá trình giải quyết các vụ án bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em nếu gặp những khó khăn, vướng mắc thì Tòa án Nhân dân các cấp phải ngay lập tức báo cáo Tòa án Nhân dân Tối cao để kịp thời tháo gỡ, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại.