26/04/2024 lúc 17:57 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa: Quyết liệt thực hiện các giải pháp không để dịch bệnh nguy hiểm lây lan

VHHN- Sáng 15-2, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh nghe báo cáo đánh giá tình hình và triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19, Cúm gia cầm A/H5N6 và các loại dịch bệnh  động vật khác trên địa bàn tỉnh.

VHHN- Sáng 15-2, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh nghe báo cáo đánh giá tình hình và triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19, Cúm gia cầm A/H5N6 và các loại dịch bệnh  động vật khác trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Tham dự hội nghị có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phạm Thị Thanh Thuỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Lê Văn Diện, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Phạm Đăng Quyền, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở ngành, các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh và các địa phương tại 27 điểm cầu trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Thanh Hoá đang được kiểm soát tốt, chưa có tình trạng lây lan thứ phát, có 01 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã khỏi và ra viện, 13 bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 (trong đó có 12 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, 01 bệnh nhân đang chờ kết quả, hiện đang được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bỉm Sơn).

Lãnh đạo Sở Y tế báo cáo tại hội nghị

Liên quan đến trường hợp bệnh nhân đầu tiên của Thanh Hoá điều trị khỏi Covid-19, bệnh nhân đã ra viện được 13 ngày, sức khoẻ ổn định, bình thường, nhưng ngành y tế vẫn yêu cầu, động viên tiếp tục cách ly tại nhà và chỉ quay trở lại Công ty ở tỉnh Vĩnh Phúc làm việc khi tỉnh Vĩnh Phúc công bố hết dịch. Hiện hàng ngày y tế địa phương vẫn kiểm tra sức khoẻ, đo thân nhiệt 2 lần/ ngày tại gia đình cho bệnh nhân và người nhà.

Hiện tại, Thanh Hoá có 05 bệnh nhân đi từ vùng dịch về đang được cách ly theo dõi tại bệnh viện, trong đó có 01 trường hợp người Thanh Hóa đi tàu biển từ Trung Quốc về Quảng Trị đang cách ly theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hóa; 03 người đi lao động về từ xã Sơn Lôi, huyện Bình Sơn (Vĩnh Phúc) được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hậu Lộc. Hiện sức khỏe của các trường hợp trên bình thường. Ngoài ra, 13 người có tiếp xúc với bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bỉm Sơn đang được theo dõi tại gia đình.

Thanh Hoá có 2.365 lao động từ Trung Quốc về được cách ly tại gia đình và 888 người Trung Quốc được cách ly tại doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, đã có 1.692 người đã qua 14 ngày không có dấu hiệu của bệnh dịch, hiện còn lại 915 lao động từ Trung Quốc về được cách ly tại gia đình. Hệ thống y tế Thanh Hoá vẫn giám sát, theo dõi hàng ngày tình trạng sức khoẻ của các trường hợp lao động Thanh Hoá  từ Trung Quốc về và số lao động Trung Quốc cách ly tại doanh nghiệp để kịp thời phát hiện các trường hợp bệnh, xử lý triệt để dứt điểm ngay từ khi có người bệnh nghi ngờ.

Thanh Hoá cũng sẽ tiếp tục giám sát, cách ly, điều trị người nghi nhiễm Covid-19, bảo đảm tất cả những người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh phải được phát hiện sớm, nhanh chóng lấy mẫu bệnh phẩm và gửi làm xét nghiệm để xác định chẩn đoán đồng thời cách ly, theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa để không lây lan, phát tán mầm bệnh… Hệ thống y tế sẽ tiếp tục triển khai phòng chống dịch Covid-19 với phương châm: Cách ly, giám sát, truyền thông, 4 tại chỗ và điều trị, đồng thời 2 khối điều trị và dự phòng cần phát hiện sớm, phản ứng nhanh và khoanh vùng gấp.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh động vật cúm gia cầm, bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh lở mồm long móng gia súc, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bệnh cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra tại 25 hộ chăn nuôi ở 7 xã, 5 huyện gồm: Nông Cống, Quảng Xương, Vĩnh Lộc, Như Xuân, Thành phố Thanh Hóa làm 3.902 con gia cầm mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy 28.582 con gia cầm. Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 25.633 hộ của 2.234 thôn, 457 xã của 27/27 huyện, thị xã, thành phố, buộc phải tiêu hủy 214.204 con lợn với trọng lượng 14.390 tấn. Đến nay Thanh Hóa có 17 huyện, 420 xã công bố hết dịch tả lợn Châu Phi, còn 10 huyện, 37 xã chưa công bố hết dịch. Bên cạnh đó từ đầu tháng 02/2020, bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại 17 hộ chăn nuôi làm 98 con trâu bò mắc bệnh.

Để chủ động ngăn chặn, khống chế hiệu quả dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đặc biệt là bệnh Cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi, bệnh lở mồm long móng… tỉnh sẽ tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản nhằm phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch trên động vật, đặc biệt là dịch Cúm gia cầm. Các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai ngay công tác tiêm vắc xin gia súc, gia cầm bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch, đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống dịch. Ngành Nông nghiệp và các địa phương chủ động hướng dẫn chủ chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm, cũng như thường xuyên vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại nhằm triệt để nguồn lây bệnh.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức các cuộc họp, giao ban thường xuyên bàn giải pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm trọng này, đồng thời đồng chí yêu cầu người đứng đầu các đơn vị trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh, đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Chống dịch như chống giặc”. Thanh Hoá cũng là 1 trong 4 tỉnh mà Thủ tướng Chính phủ công bố dịch Covid-19. Qua chỉ đạo, phát hiện kịp thời, phản ứng và xử lý của các cơ quan y tế là rất tốt nên bệnh nhân đầu tiên đã được điều trị khỏi, hiện chưa có lây lan thứ phát sang đối tượng khác. Đây là một thành công rất lớn. Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí  Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương những cố gắng của ngành Y tế Thanh Hóa trong công tác phòng, chống dịch cũng như điều trị thành công ca bệnh đầu tiên của Thanh Hóa nhiễm Covid-19. Đồng thời yêu cầu ngành Y tế, các sở, ban, ngành và 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát hiện sớm, phản ứng nhanh và khoanh vùng  gấp dịch bệnh Covid-19 ngay từ khi dịch bệnh còn ở phạm vi nhỏ, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Nhấn mạnh phương châm 4 tại chỗ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tất cả các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp với mục tiêu: không để dịch lây lan thứ phát trên địa bàn tỉnh. Giao Sở Y tế làm tốt công tác truyền thông từ tỉnh tới xã, tuyên truyền về công tác tiêu độc khử trùng, vệ sinh cá nhân, “bình tĩnh, chủ động để xử lý”. Cần giám sát chặt chẽ các nguồn lây, từng người dân có trách nhiệm giám sát, thông báo với chính quyền địa phương, đồng thời yêu cầu cấp xã nắm bắt diễn biến mọi tình hình trong xã, nếu xảy ra vấn đề lây lan dịch bệnh rộng, Chủ tịch xã đó phải chịu trách nhiệm. Công an nắm bắt các đối tượng để đưa vào giám sát, cách ly. Về tiêu độc, khử trùng tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trường học phải có hướng dẫn cụ thể, đúng cách. Về phương án cách ly, yêu cầu các địa phương thực hiện đúng phương án cách ly (cách ly tại gia đình, tại doanh nghiệp). Thực hiện tốt các biện pháp về hạn chế tiếp xúc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, dừng tất cả các lễ hội, hạn chế tập trung đông người, nếu có phải có giải pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng, bảo đảm dịch không lây lan. Đối với học sinh, quyết định thực hiện nghỉ học đến hết tháng 2-2020. Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch cho việc sử dụng thời gian nghỉ, có hướng dẫn chi tiết để củng cố kiến thức cho học sinh; chuẩn bị các điều kiện để học sinh quay trở lại trường; tập huấn cho giáo viên các biện pháp phòng chống dịch để hướng dẫn, phổ biến cho học sinh. Các huyện phải xây dựng phương án 4 tại chỗ, giao Sở Y tế kiểm tra tại các địa phương. Các Sở, ngành xây dựng phương án về tác động của dịch bệnh đối với kinh tế - xã hội và giải pháp thực hiện bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tích cực chủ động đấu mối triển khai sớm xét nghiệm Covid-19 tại Thanh Hóa.

Về công tác phòng chống dịch H5N6, đồng chí nhấn mạnh, diễn biến dịch bệnh nhanh, do vậy yêu cầu các địa phương cần nêu cao tinh thần cảnh giác, giám sát chặt chẽ. Đồng chí lưu ý những nguyên nhân khiến dịch lan rộng, nhanh trên địa bàn tỉnh; đồng thời gợi mở các giải pháp: phát hiện, giám sát dịch, không giấu dịch; tổ chức tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm, yêu cầu trong 5 ngày tới phải thực hiện xong công tác tiêm phòng trên toàn tỉnh; tăng cường sử dụng vôi bột để tiêu độc, khử trùng; tăng cường công tác giám sát của cá nhân, tập thể.

Về tình dịch Tả lợn Châu Phi, cần thực hiện nghiêm Chỉ thị của UBND tỉnh, yêu cầu tập trung cao trong công tác phòng chống dịch, nhất là chỉ đạo quyết liệt 13 xã đang có dịch, giải pháp căn cơ đó là quản lý giám sát chặt chẽ việc nhập giống, thức ăn, vận chuyển giết mổ, quản lý tái đàn, tập trung vệ sinh tiêu độc khử trùng, không để mầm bệnh lây lan. Các địa phương cần quyết liệt trong chỉ đạo, xử lý chấm dứt dịch, phấn đấu mục tiêu cuối tháng 2 không còn phát sinh ổ dịch; cuối tháng 3 công bố hết dịch trên địa bàn tỉnh.

Xác định quyết tâm mới trước diễn biến phức tạp, nhanh chóng của các loại dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là dịch Covid-19, tiếp tục phải xác định quyết tâm mới, có những giải pháp triệt để hơn để chủ động trong phòng chống các loại dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của các dịch bệnh đến sức khỏe, tính mạng của con người và đến phát triển kinh tế xã hội trong năm 2020, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có thái độ rất cụ thể, quyết liệt để hoàn thành mục tiêu này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng yêu cầu các sở, ban, ngành và 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới.