26/04/2024 lúc 17:20 (GMT+7)
Breaking News

Tạo động lực mới để phát triển kinh tế bền vững

VNHN-Hơn 30 năm đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nền kinh tế của Việt Nam đã có bước phát triển tích cực, là nguồn lực rất quan trọng để chúng ta xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc ta. Phấn đấu từng bước hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta đã liên tục đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế do Quốc hội đề ra trong điều kiện khủng hoảng kinh tế ở khu vực và thế giới diễn ra nhiều năm; ở trong nước, dịch bệnh, thiên tai nối nhau hoành hành.

VNHN-Hơn 30 năm đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nền kinh tế của Việt Nam đã có bước phát triển tích cực, là nguồn lực rất quan trọng để chúng ta xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc ta. Phấn đấu từng bước hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta đã liên tục đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế do Quốc hội đề ra trong điều kiện khủng hoảng kinh tế ở khu vực và thế giới diễn ra nhiều năm; ở trong nước, dịch bệnh, thiên tai nối nhau hoành hành.

Trong bối cảnh đó, chúng ta tự hào trước những thành tựu có ý nghĩa lịch sử: năm 1988, GDP của nước ta mới đạt 5,5 tỷ đô-la; bình quân đầu người đạt 86 đô-la, nhưng đến năm 2016, GDP đã tăng 37 lần (hơn 205 tỷ); thu nhập đầu người tăng 27 lần (2.215 đô-la)! Theo so sánh của Ngân hàng thế giới thì năm 1990, GDP bình quân đầu người của Thái-lan so với Việt Nam chênh lệch 15,3 lần, nhưng tới 2015 đã rút ngắn còn 2,7 lần; với Phi-líp-pin thì 1990 vượt Việt Nam 7,3 lần; đến 2015 chỉ vượt 1,4 lần; với Ấn Độ, năm 1990 cao hơn ta gấp 3,8 lần, nhưng tới 2015 GDP bình quân đầu người ở nước ta đã vượt Ấn Độ (2.140 đô-la/1.593 đô-la). Một thành công nữa được các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là quốc gia đầu tiên vượt mục tiêu Thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đề ra về xóa đói, giảm nghèo. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta là 59%, đến cuối năm 2016 chỉ còn 8,38% (trong khi đó Phi-líp-pin còn 25,2%, Ấn Độ 21,9%, Thái-lan 12,6%, In-đô-nê-xi-a 11,3%)

Tuy nhiên, cùng với những thành tựu tạo dấu ấn sâu sắc đó, trong quá trình phát triển kinh tế, chúng ta đã nhận thức chưa đầy đủ nội hàm kinh tế thị trường định hướng XHCN, dẫn đến việc xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện thể chế nền kinh tế còn chậm, chưa khơi dậy được đầy đủ tiềm năng các thành phần kinh tế. Thiếu sót khuyết điểm nổi rõ là, một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, nhất quán; còn có biểu hiện lợi ích cục bộ, chưa tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển...

Nhằm khắc phục nhanh những hạn chế, yếu kém nói trên, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) đã đề ra bảy nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó nhấn mạnh phải nhận thức sâu sắc hơn nữa nội hàm kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Luận điểm này không mới, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều ngành, địa phương, doanh nghiệp... đã phạm sai lầm, dẫn đến hạn chế tốc độ phát triển của nền kinh tế. Chính vì lẽ đó, Trung ương Đảng đã thảo luận và thống nhất rất cao: trong tình hình mới, cần phải đề ra những nghị quyết cụ thể về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế! Đây là những nghị quyết được xây dựng trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn công phu, thể hiện sự nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn của đất nước.

Điều quyết định đưa nghị quyết vào cuộc sống thành công vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Đúng như Bác Hồ nhấn mạnh: chủ trương 1, biện pháp phải 10 và quyết tâm phải 20! Dư luận xã hội kỳ vọng ở ý chí kiên định và sáng tạo của các cơ quan chức năng, các ngành, các địa phương khi xây dựng chương trình hành động cụ thể , khắc phục nhanh các biểu hiện đối phó, hình thức, quan liêu; đặc biệt là sự buông lỏng công tác quản lý, kiểm tra, giám sát... Chỉ có như vậy mới thật sự tạo ra động lực mới nhằm bảo đảm nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững./.