26/04/2024 lúc 09:43 (GMT+7)
Breaking News

Sơn La từng bước chuyển mình, thay đổi diện mạo mới

Dựa vào những tiềm năng, thế mạnh vốn có, tỉnh Sơn La đã và đang thực hiện triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. 

Dựa vào những tiềm năng, thế mạnh vốn có, tỉnh Sơn La đã và đang thực hiện triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. 

Sơn La là địa phương có điều kiện tự nhiên và khí hậu thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Với quỹ đất phát triển nông nghiệp chiếm gần 75% diện tích đất tự nhiên, đặc biệt 02 cao nguyên Mộc Châu và Nà Sản có địa hình tương đối bằng phẳng rất thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, dược liệu; cùng hàng nghìn ha mặt nước trên các lòng hồ thủy điện có thể nuôi trồng thủy sản… Tỉnh thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu quả gắn với các nhà máy chế biến, thành lập các hợp tác xã, thống nhất quy trình sản xuất an toàn, làm đầu mối ký kết với các doanh nghiệp thu mua nông sản.

Mô hình trồng dâu tây tại Mộc Châu. 

Để thực hiện mục tiêu đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc, bên cạnh việc chuẩn bị nguồn nhân lực, quỹ đất, tỉnh còn ban hành các cơ chế, chính sách xúc tiến đầu tư, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để phát huy những tiềm năng, lợi thế; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, xây dựng cơ bản, tài nguyên môi trường. 

Việc thu hút đầu tư đã hình thành nên các hợp tác xã và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện, toàn tỉnh đã thành lập 603 hợp tác xã và 04 Liên hiệp hợp tác xã; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, tăng giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Thực hiện theo Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về định hướng hoạt động thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy mô tập trung. Tỉnh đã tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, tỉnh thu hút phát triển các cơ sở chế biến tập trung quy mô công nghiệp, đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản tươi sau thu hoạch. Quản lý thực hiện tốt các dự án đầu tư trên địa bàn, kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư.

Sơn La tập trung xây dựng thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc. 

Cùng với đó, với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, đồng hành của doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân, sau 12 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông” (số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008) thành phố Sơn La đã đạt được nhiều kết quả nổi bật ở nhiều mặt, lĩnh vực nông nghiệp chuyển biến tích cực, tư duy sản xuất của người dân thay đổi từ tự cung tự cấp sang trồng và chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá; đồng lòng hoàn thành các mục tiêu đề ra theo lộ trình và phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 20-30% tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản. Thu hút đầu tư, đi vào hoạt động 01 cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản; 01 Trung tâm thu mua, bảo quản nông sản và giới thiệu nông sản đặc sản của tỉnh Sơn La và thành phố Sơn La; có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Việc tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thu hút các doanh nghiệp đã góp phần phát huy thế mạnh của địa phương; tạo sự đột phá, đưa nền công nghiệp của tỉnh ngày một phát triển. Qua đó, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân, bộ mặt nông thôn mới được sang một trang mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân./.