27/04/2024 lúc 10:00 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển KTHT, HTX trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Bài cuối): Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Sự khởi sắc và ngày càng phát triển của KTHT, HTX trong vùng đồng bào dân tộc vùng cao của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên ngoài sự nỗ lực phấn đấu của mỗi HTX, còn có sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền, đoàn thể và nhất là sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên và Liên minh HTX Việt Nam.

Sự khởi sắc và ngày càng phát triển của KTHT, HTX trong vùng đồng bào dân tộc vùng cao của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên ngoài sự nỗ lực phấn đấu của mỗi HTX, còn có sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền, đoàn thể và nhất là sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên và Liên minh HTX Việt Nam.

Sự vào cuộc đồng bộ này cho thấy chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, của Liên minh HTX về phát triển KTHT, HTX ở những vùng đồng bào dân tộc, vùng cao vốn còn nhiều khó khăn, trở ngại này.

Liên kết chuỗi- hướng đi cho các HTX vùng cao

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Võ Nhai cho biết, thế mạnh của địa phương là lâm sản; trồng trọt các loại cây như chè, bưởi, na, nhãn, ổi… với hàng nghìn ha sản phẩm mỗi loại.

Năm 2020, UBND huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân và các HTX về khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình liên kết, mô hình sản xuất sạch, an toàn và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Kinh tế HTX góp phần giúp đời sống người dân vùng cao tỉnh Thái Nguyên ngày càng khởi sắc.

Theo đó, huyện Võ Nhai đã đầu tư nhiều chương trình, nội dung như: quy trình sản xuất VietGAP; tuyên truyền, tập huấn để bà con thay đổi hình thức canh tác truyền thống, chăm sóc bằng phân bón hóa học, sử dụng hóa chất sang sản xuất, chăm bón bằng hữu cơ, sinh học; quy trình về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm để bà con và các thành viên HTX nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn, thăm quan các mô hình sản xuất  có chất lượng, hiệu quả tại các tỉnh, thành phố khác để bà con sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đang định hướng xây dựng các sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương.

“Huyện Võ Nhai đã quy hoạch vùng sản xuất theo Đề án sản phẩm chủ lực của tỉnh để áp dụng việc ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch trụ sở làm việc cho các HTX, 10 điểm thu gom, sơ chế, trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP. Để thực hiện tốt việc này, huyện Võ Nhai cũng đã đầu tư xây dựng 10 mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị để các HTX có kế hoạch sản xuất và tiêu thụ”, ông Tuấn nói.

Được biết, trước đây sản xuất nông nghiệp của người dân, HTX tại địa phương theo hướng mạnh ai nấy làm nên hiệu quả đạt được rất thấp, nguồn tiêu thụ không ổn định. Đến nay địa phương xác định liên kết là xu hướng tất yếu, là con đường giúp người dân đi đến thành công, đồng thời giúp người dân nhận ra phải sản xuất an toàn, theo đúng tiêu chuẩn của doanh nghiệp, người tiêu dùng đặt ra.

Liên kết là xu hướng của sản xuất nông nghiệp trong thời gian tiếp theo. Để làm được điều này thì thời gian không xa, HTX sẽ đóng vai trò chủ đạo của chuỗi liên kết.

“Quan trọng nhất là tạo ra chìa khóa, giải pháp để cho một bộ phận người dân chưa tham gia vào KTHT, HTX nhận thấy phải liên kết, phải tham gia vào HTX, nhất là đồng bào các dân tộc vùng cao như Võ Nhai”, ông Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh thêm.

Tham gia HTX- con đường cho kinh tế hộ đồng bào dân tộc

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, Thái Nguyên hiện có 583HTX, trong đó có 366 HTX nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có hơn 70 sản phẩm OCOP từ 3-4 sao với các mặt hàng chủ lực là gạo, chè, thịt, cá, rau củ quả. Nhờ sản xuất an toàn, sản phẩm ngày càng chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của thị trường nên những năm qua, thu nhập của các thành viên HTX tăng từ 10-15%/năm, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân.

Dù chưa có con số thống kê chính thức về số lượng HTX trong vùng đồng bào dân tộc, nhưng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có các huyện có đông đồng bào dân tộc sinh sống là Định Hóa, Võ Nhai… So với các huyện, thành phố trong toàn tỉnh, các HTX trong vùng cao, vùng có đồng bào dân tộc sinh sống và tham gia làm thành viên những năm qua cũng phát triển khá đồng đề và từng bước đi lên.

Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết, các cấp chính quyền đánh gia cao sự phát triển của Kinh tế HTX tại địa phương trong những năm gần đây, đồng thời mong muốn Liên minh HTX Việt Nam và chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ để các HTX phát triển nhanh và bền vững.

KTHT, HTX trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên những năm qua phát triển kháo tốt và đồng đều nhờ có sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành, địa phương và sự nỗ lực vươn lên của mỗi HTX. Đặc biệt phải kể đến Đề án phát triển KTHT, HTX giai đoạn 2017-2020 của Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành.

“Đây là sự chỉ đạo, là căn cứ để có sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền đến các cấp, ngành, giúp cho KTHT, HTX tỉnh Thái Nguyên phát triển như hiện nay”, ông Dũng cho biết.

Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết, tính đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên có 51 dân tộc cùng sinh sống. Trên địa bàn tỉnh có 123 xã, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi, chiếm trên 90% diện tích toàn tỉnh, được phân định thành 3 khu vực (I, II, III) gồm: 25 xã khu vực I; 62 xã khu vực II; 36 xã khu vực III; 542 xóm, bản đặc biệt khó khăn.

Dưới sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, vùng đồng bào dân tộc tỉnh Thái Nguyên cơ bản đã có sự thay đổi tương đối và toàn diện, đời sống từng bước được nâng lên, tỷ lệ giảm nghèo trong vùng DTTS và Miền núi giảm từ 19,22% năm 2016 giảm xuống còn 6,17% thời điểm hiện tại, giảm bình quân trên 3,2%/năm.

Đáng phẩn khởi là các xã 135 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5%/năm. Công tác giảm nghèo đã góp phần quan trọng đưa Thái Nguyên tăng 3 bậc, xếp thứ 2 trong 11 tỉnh miền núi vùng Đông Bắc có tỷ lệ hộ nghèo thấp chỉ sau tỉnh Quảng Ninh.

Đặc biệt là đã xuất hiện nhiều tấm gương người dân tộc làm kinh tế gỏi, trong đó điển hình là giám đốc các HTX. Đây là những tấm gương cho thấy người dân tộc và dân tộc thiểu số cũng rất có ý chí và điều kiện vươn lên phát triển kinh tế xã hội.

“Chỉ có phát triển KTHT, HTX mới tạo cơ hội cho kinh tế hộ gia đình phát triển. Do vậy, việc chỉ đạo phát triển các HTX trong vùng dân tộc là rất cần thiết và cần phải có những chính sách đồng bộ để tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc tham gia vào HTX nhiều hơn nữa”, ông Nguyễn Thái Nam nhấn mạnh.