26/04/2024 lúc 23:17 (GMT+7)
Breaking News

Nông nghiệp Bắc Ninh: Nâng cao tỷ trọng ứng dụng công nghệ cao

VNHN - Tỉnh Bắc Ninh đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) chiếm từ 25-30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

VNHN - Tỉnh Bắc Ninh đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) chiếm từ 25-30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Ảnh minh họa

Để thực hiện thành công mục tiêu trên, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), đặc biệt là CNC, công nghệ 4.0 vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh phát triển các trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với xây dựng các khu, vùng nông nghiệp CNC sản xuất theo chuỗi, sản xuất an toàn, tập trung theo hướng hàng hóa, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Từ đó ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp cụ thể như:

- Tham mưu và UBND tỉnh phê duyệt 2 quyết định về quy hoạch nông nghiệp, gồm: Quyết định số 18/2015/QĐ-UBND ngày 27/5/2015 về việc phê duyệt đề án rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 740/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 về việc ban hành Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Xác định chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, công nghệ 4.0 là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, gắn kết quả với chỉ tiêu thi đua.

- Để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các ngành, địa phương tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 147/2018/NQ-HĐND, ngày 06/12/2018 về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Theo đó hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng CNC tập trung vào các nội dung: Kinh phí mua giống cá bố mẹ để bổ sung, thay thế đàn cá bố mẹ; kinh phí cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc VietGAP, GMP, GlobalGAP, sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ; chi phí đầu tư, đổi mới trang thiết bị, dụng cụ tiên tiến, nghiên cứu cải tiến, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng CNC, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp nằm trong vùng, khu nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp hữu cơ và chương trình OCOP; chi phí xây dựng nhà màng, nhà lưới, nhà kính có các dự án, phương án không nằm trong các vùng, khu nông nghiệp CNC; xây dựng nhãn hiệu sản phẩm và dán tem truy xuất nguồn gốc…

- Tăng cường ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp, nhất là các tiến bộ kỹ thuật về giống cây, con; quy trình sản xuất an toàn, công nghệ nhà lưới, nhà kính, tưới tự động; công nghệ chăn nuôi chuồng kín, máng ăn máng uống, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi tự động; công nghệ nuôi cá lồng trên sông,...

- Khuyến khích dồn điền đổi thửa, tập trung ruộng đất để có đủ quy mô đầu tư phát triển nông nghiệp CNC. Tăng cường liên kết, xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành phố trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Tập trung xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản chủ lực của tỉnh. Đến nay đã xây dựng được nhãn hiệu sản phẩm: khoai tây Quế Võ, gạo thơm Quế Võ, gà Hồ. Trong thời gian tới sẽ tập trung cho các sản phẩm: cà rốt,  lúa nếp cái hoa vàng, các giống lợn, gà, cá sông...

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp nông dân nắm bắt kịp thời các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới chủ động đưa vào sản xuất.

Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC được đầu tư theo hướng hiện đại, bền vững và cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt khoảng 20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh; dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt từ 25-30%.

Đẩy mạnh cải cách TTHC trong lĩnh vực nông nghiệp

- Thường xuyên rà soát và trình UBND tỉnh công bố kịp thời bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành NN - PTNT (hiện tại có 87 TTHC trong đó 82 TTHC cấp tỉnh; 5 TTHC cấp huyện);

- 100% TTHC được công khai, niêm yết đúng và đầy đủ tại Trung tâm Hành chính công (HCC) tỉnh và Cổng thông tin Dịch vụ công tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận và giải quyết TTHC nhanh hơn

- Có 22 TTHC được cắt giảm thời gian thực hiện, TTHC được cắt giảm thời gian cao nhất là 50%, thấp nhất là 12,5% so thời gian quy định.
-100% TTHC được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm HCC tỉnh. Tính tới thời điểm hiện nay, có 327 các doanh nghiệp/tổ chức/cá nhân đã thực hiện giải quyết TTHC thuộc chức năng quản lý và giải quyết của ngành. Trong quá trình giải quyết TTHC của Sở: 100% hồ sơ TTHC được trả kết quả theo đúng và trước hạn thông qua dịch vụ bưu chính công ích.