26/04/2024 lúc 20:08 (GMT+7)
Breaking News

Nỗ lực giữ mục tiêu tăng trưởng

VNHN - Dịch Covid-19 đã gây ra những tác động không nhỏ đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, thành phố vẫn quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,51% cả năm 2020. Điều đó cũng đồng nghĩa, các cấp chính quyền, các sở, ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, với quyết tâm và nỗ lực rất lớn.

VNHN - Dịch Covid-19 đã gây ra những tác động không nhỏ đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, thành phố vẫn quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,51% cả năm 2020. Điều đó cũng đồng nghĩa, các cấp chính quyền, các sở, ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, với quyết tâm và nỗ lực rất lớn.

Đến lúc này có thể thấy rõ những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ông Đậu Ngọc Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội cho biết, kim ngạch xuất khẩu của thành phố 2 tháng đầu năm 2020 đạt 1,7 tỷ USD, giảm 19%; kim ngạch nhập khẩu đạt 3,7 tỷ USD, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2019. 

Về thu ngân sách, ước tính nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý I-2020, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giảm khoảng 11.400 tỷ đồng. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài đến quý II-2020 hoặc lâu hơn, thu ngân sách nhà nước có thể giảm từ 15.000 tỷ đồng đến 19.500 tỷ đồng. 

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, căn cứ diễn biến cũng như tác động của dịch Covid-19, thành phố đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020, gồm: 7,51% (đạt kế hoạch), 6,93% và 6,42%. Trong đó, theo kịch bản thứ nhất, nếu quý I-2020 dịch Covid-19 kết thúc, thì quý II-2020 thành phố phải lấy lại đà để quý III và quý IV-2020 sẽ bứt phá hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 7,51%.

Ở các kịch bản còn lại, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài sang các quý sau khiến GRDP tăng trưởng thấp dưới kế hoạch. Rõ ràng đến thời điểm này, việc đạt mức tăng trưởng từ 7,5% trở lên đang là thách thức lớn. Song, Hà Nội đã quyết tâm chọn mục tiêu khó này để thực hiện. Tại cuộc làm việc vào tuần trước giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự đảng UBND thành phố về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó tập trung đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu đặt phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Khi kiểm soát được dịch bệnh, Hà Nội sẽ nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh và phục hồi nền kinh tế. “Giai đoạn này, chúng ta phải tích cực chuẩn bị, giữ cầu, kêu gọi, thúc đẩy đầu tư; chuẩn bị các dự án đến khi dịch bệnh kết thúc có thể triển khai ngay, không mất thêm thời gian” - Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nói và chỉ đạo, cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4-2020, UBND thành phố tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để cùng phối hợp thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, hiện các sở, ngành thành phố đang nỗ lực triển khai giải pháp ứng phó, để duy trì sản xuất, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.

Cộng đồng doanh nghiệp đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu đặt ra. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất đồ gia dụng tại Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho hay, Sở đã làm việc với các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. “Chương trình khuyến công năm 2020 sẽ tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới trang thiết bị; thúc đẩy hoạt động đào tạo, tập huấn; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá tại một số thị trường tiềm năng như Mỹ, Nga...”, ông Lê Hồng Thăng thông tin.

Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Lê Văn Quân, trung tâm đang triển khai Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, với tổng kinh phí trên 312 tỷ đồng giai đoạn 2019-2025; phấn đấu đến năm 2025 sẽ hỗ trợ được 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo; 150 doanh nghiệp thương mại hóa được sản phẩm... Tương tự, các ngành Thuế, Hải quan đã triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cắt giảm thủ tục, hoãn kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xem xét gia hạn nộp thuế… để doanh nghiệp có thêm điều kiện sản xuất, kinh doanh.

Liên quan đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệpChủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các sở, ngành tăng cường các nhóm thủ tục hành chính liên thông, rút gọn đầu mối, thời gian nhận, xử lý và trả hồ sơ; tăng tốc độ thông quan hàng hóa. Trước mắt là mở rộng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đơn giản hóa các thủ tục cho vay vốn sản xuất, kinh doanh, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, giải quyết việc làm... Kịp thời thực hiện miễn, giảm, giãn thuế đối với doanh nghiệp khó khăn theo quy định; giảm lãi suất những khoản vay mới của ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực, tập huấn nội dung các hiệp định thương mại tự do để doanh nghiệp tận dụng, đẩy mạnh xuất khẩu. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cũng cho biết, thành phố sẽ triển khai và giải ngân một số công trình lớn như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3, hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3…; đẩy mạnh xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; chuẩn bị quỹ đất sạch, từ 2.000ha đến 3.000ha khu vực giáp ranh đô thị để đấu giá, đầu tư cho kết cấu hạ tầng khung như cầu, đường, công trình phục vụ dân sinh... Hiện, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã chủ động nhiều giải pháp, nỗ lực ứng phó với dịch Covid-19.

Ông Phạm Hữu Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kim khí Thăng Long cho biết, đơn vị kết hợp cả phòng, chống dịch với duy trì sản xuất và phương án sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Những hoạt động nói trên sẽ giúp đơn vị làm chủ tình hình, có thể tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Chia sẻ ý kiến nhằm thúc đẩy tăng trưởng, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, một số lĩnh vực như nông nghiệp, dược phẩm, bán hàng trực tuyến… cần phải được tập trung đẩy mạnh. “Đơn cử nông nghiệp có thể gia tăng sản xuất vừa bảo đảm cung ứng đủ thực phẩm thiết yếu, kiểm soát chỉ số giá, vừa phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn”, ông Cấn Văn Lực đề xuất. Trong “nguy có cơ”, từ nhận diện khó khăn, bất lợi, Hà Nội đã, đang và sẽ nỗ lực khắc phục, hướng tới kết quả tăng trưởng tối đa trong năm 2020.