14/05/2024 lúc 21:51 (GMT+7)
Breaking News

Nhức nhối nạn “xe dù, bến cóc” ở Bến Tre

VNHN - Thời gian qua, trên địa bàn huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre xảy ra tình trạng một số nhà xe tùy tiện lập bến bãi, dừng đón – trả khách không đúng quy định, tranh giành khách tuyến cố định... gây bức xúc và ảnh hưởng đến nhiều nhà xe hoạt động chân chính...

VNHN - Thời gian qua, trên địa bàn huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre xảy ra tình trạng một số nhà xe tùy tiện lập bến bãi, dừng đón – trả khách không đúng quy định, tranh giành khách tuyến cố định... gây bức xúc và ảnh hưởng đến nhiều nhà xe hoạt động chân chính...

Vừa qua, Việt nam Hội nhập điện tử nhận được đơn kiến nghị của Hợp tác xã (HTX) xe khách liên tỉnh Miền Tây và HTX vận tải Thống Nhất (Bến Tre) phản ánh việc một số nhà xe hợp đồng chạy tuyến Thạnh Phú (Bến Tre) - TP. HCM tự ý mở “bến xe chui”, hoạt động rầm rộ, tranh giành khách tuyến cố định, khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách hoạt động trong bến gặp rất nhiều khó khăn. Trong đơn, các doanh nghiệp trên đề nghị các cơ quan chức năng trên địa bàn TP. HCM và tỉnh Bến Tre nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng trên.

Đơn kiến nghị của Hợp tác xã xe khách liên tỉnh Miền Tây và HTX Vận tải Thống Nhất (Bến Tre)

gửi cơ quan chức năng và báo chí.

Tùy tiện mở “bến chui”, đón – trả khách dọc đường

Theo đơn kiến nghị của các nhà xe trong BX. Thạnh Phú (thuộc HTX xe khách Thống Nhất), một số nhà xe như: Phước Thơ, Tuấn Lan, Thanh Diễn, Tiến Tuyển, Minh Tuấn, Thanh Vũ… không vào bến đã đón hết khách. Các nhà xe trong BX. Thạnh Phú cũng đã nhiều lần gửi đơn lên các cơ quan chức năng kiến nghị xử lý nạn xe dù cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, đến nay tình trạng trên không những không dẹp được mà còn gia tăng nhanh. Hệ lụy, là các nhà xe trong bến lâm vào cảnh ế ẩm “nợ chồng nợ” do vay vốn ngân hàng nhiều tỷ đồng để thay xe mới mà không biết khi nào trả được… Điển hình, một số nhà xe hợp đồng chạy tuyến Thạnh Phú (Bến Tre) - TP.HCM tự ý mở “bến chui” nhưng hoạt động như xe chạy tuyến cố định đó là: Nhà xe Tuấn Lan, Phước Thơ… Thậm chí, nhà xe Tuấn Lan còn xây nhà tạm mái tôn trên diện tích đất khoảng 100m2 làm nơi đậu đỗ xe. Tương tự, tại xã Thạnh Phong, nhà xe Phước Thơ mở “bến” ngay tại nhà, nhà xe Thanh Diễn thì đậu xe trước cổng UBND xã Thạnh Giao làm “bến” đón, trả khách rất rầm rộ… Đặc biệt vào thời gian cao điểm, nhất là dịp lễ, Tết, những xe khách lớn, nhỏ của các doanh nghiệp trên hoạt động càng nhộn nhịp hơn, ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an toàn giao thông đô thị, khu dân cư và trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.

Một trường hợp dừng đỗ không đúng nơi quy định

Cần xử lý dứt điểm – Lập lại trật tự ATGT đô thị

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Việt nam Hội nhập điện tử đã có buổi làm việc với Thanh tra Sở Giao thông & Vận tải TP. HCM. Tại đây, ông  Lê Hồng Việt – Phó Chánh thanh tra Sở cho biết: “Hiện nay, có những loại hình vận chuyển đó là: Tuyến đối lưu từ địa phương này đến địa phương khác (tuyến cố định); Xe hợp đồng “là loại xe không cần phải vào bến, được đón trả khách theo yêu cầu của khách nhưng phải ghi rõ trong hợp đồng (đón trả khác ở đâu); Xe phục vụ cho khách du lịch gồm du lịch lữ hành, du lịch theo tour các loại hình này cũng cần có hợp đồng đón trả khách rõ ràng như xe hợp đồng”.

Cũng theo ông Việt, tình hình xe dừng, đỗ - đón khách không đúng quy định (còn gọi là xe dù) trên địa bàn thành phố thời gian qua diễn biến rất phức tạp, lực lượng thanh tra giao thông khó lòng xử lý triệt để vấn đề này. Vì nhà xe họ dùng nhiều thủ thuật núp dưới các hình thức khác nhau như xe hợp đồng, xe du lịch để đón và trả khách. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật hiện hành là hợp lệ. Khi bị  lực lượng chức năng kiểm tra thì nhà xe xuất trình hợp đồng đã ký với hành khách, lực lượng chức năng kiểm tra cũng chỉ phạt được những trường hợp như trả khách không đúng địa điểm trả khách được ghi trong hợp đồng, đỗ xe nơi đường bộ giao nhau, đỗ xe song song với một xe khác đang đỗ, đậu xe tại điểm dừng đón, trả khách của xe buýt, chở hành khách không có phù hiệu theo quy định, vận chuyển hành khách theo hợp đồng không có hợp đồng vận chuyển theo quy định, điều khiển phương tiện không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên cánh của xe ô tô chở hành khách, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải...

Được biết, để vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định thì “xe hợp đồng” phải thực hiện nghiêm các quy định về vận tải hành khách bằng ô tô và bảo đảm trật tự ATGT. Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng và địa phương cần phải tăng cường sự phối hợp và kết hợp nhiều biện pháp như tuyên truyền, vận động nhắc nhở và xử phạt nghiêm theo đúng quy định pháp luật, nhằm chấn chỉnh tình trạng “Xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình đang có xu hướng gia tăng hiện nay tại địa bàn huyện Thạnh Phú (Bến Tre) và một tuyến đối lưu từ địa phương này đến địa phương khác.

TRÍ ĐỨC – LÊ HIẾU