27/04/2024 lúc 01:52 (GMT+7)
Breaking News

Nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” trên toàn quốc

VNHN - “TP Hà Nội kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu triển khai nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” trên phạm vi toàn quốc và ban hành tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

VNHN - “TP Hà Nội kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu triển khai nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” trên phạm vi toàn quốc và ban hành tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh. 

Ngày 13/7, Ban Dân vận T.Ư, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ban Cán sự đảng TAND Tối cao và Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp đã phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, TP về “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai chủ trì hội nghị.

Cùng dự có Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn.

Mỗi năm giải quyết thành công 120.000 vụ, việc

Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai cho biết, hoạt động hòa giải đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, là cách thức tốt đẹp được lựa chọn để giải quyết xích mích giữa các cá nhân, gia đình trong cộng đồng dân cư, góp phần phát huy văn hóa dân tộc, tăng cường tình làng, nghĩa xóm, mối liên kết tình cảm của văn hóa làng xã. Thực tế cho thấy, hòa giải là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan hành chính và tư pháp. Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác hòa giải.


Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trình bày về mô hình “tổ hòa giải 5 tốt” của TP Hà Nội 

Qua 6 năm thi hành, Luật Hòa giải ở cơ sở đã đi vào nền nếp, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột trong đời sống Nhân dân một cách nhân văn, ít tốn kém, hiệu quả bền vững.

Báo cáo cho thấy, từ năm 2014 - 2019, các tổ hòa giải cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 875.312 vụ, việc; hòa giải thành công 707.945 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80,9%); hòa giải không thành 167.367 vụ, việc. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiến hành hòa giải trên 140.000 vụ, việc và hòa giải thành công trên 120.000 vụ, việc. Số lượng các vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của cho Nhân dân; giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách nhà nước.

Công tác hòa giải đi vào nền nếp

Trình bày về mô hình “tổ hòa giải 5 tốt” của TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, TP Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã, 579 xã, phường, thị trấn, 5.427 tổ hòa giải và 34.390 hòa giải viên. Đến nay, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội đã đi vào nề nếp, bài bản, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở ngày càng được khẳng định và được Nhân dân ghi nhận.

TP Hà Nội có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh hoạt động hòa giải ở cơ sở như chỉ đạo việc củng cố, kiện toàn, nâng cao bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, xác định đây là một lực lượng nòng cốt của đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở. Hàng năm, 80% số lượng hòa giải viên ở cơ sở được các cấp, các ngành từ TP đến cơ sở tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật.

Cùng đó, TP đẩy mạnh việc quán triệt, triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cở bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quán triệt triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở cùng với việc tuyên truyền sâu, rộng các Bộ luật, luật có liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở thuộc lĩnh vực pháp luật về dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, xây dựng.

TP Hà Nội đã tổ chức 2 lần cuộc thi “Hòa giải viên giỏi ở cơ sở” dưới hình thức sân khấu hóa năm 2014, 2019, khuyến khích việc tổ chức từ thôn, xóm, cụm dân cư, ở đơn vị cấp xã. Nội dung mở rộng trong đề thi ngoài kiến thức pháp luật hòa giải ở cơ sở kết hợp với tìm hiểu các quy định của pháp luật khác có liên quan, gắn với tìm hiểu quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP. Các cuộc thi đã thu hút nhiều hòa giải viên ở cơ sở tham gia cũng như tạo thành phong trào tìm hiểu pháp luật sôi nổi cho Nhân dân trên địa bàn Thủ đô.


Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội 

Đăc biệt là mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở của TP. Năm 2019, TP đã có 2.447/5.429 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 47,6%). Công tác hòa giải đạt được nhiều kết quả tích cực cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn TP trong năm 2018, 2019 tăng cao. Năm 2018 đạt 86,3%; năm 2019 đạt 85,6% tăng cao hơn giai đoạn 2014-2017, tỷ lệ hòa giải chỉ đạt: 81,86%. Trong khi đó, số vụ, việc phát sinh hàng năm giảm; đội ngũ hòa giải viên được củng cố, kiện toàn; kinh phí triển khai công tác hòa giải ở cơ sở được quan tâm và tăng cường…

Có thể nói, việc triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” và gắn kết mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” với tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP, cũng như sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND TP trong công tác này giúp cho công tác hòa giải đi vào nền nếp, bài bản. Quá trình thực hiện công tác hòa giải đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Ủy ban MTTQ TP, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, gắn kết được người dân và chính quyền, góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, giảm mẫu thuẫn trong cộng đồng dân cư; khuyến khích chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở ở xã, phường, thị trấn, quan tâm hơn đến công tác hòa giải về kinh phí, hoạt động đối với công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giải quyết điểm nóng, ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn Thủ đô.

“Từ những kết quả đạt được, cùng với việc xây dựng, thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” như vậy, TP Hà Nội kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu triển khai nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn quốc và ban hành tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở. Cùng đó, có hình thức vinh danh, biểu dương đối với hòa giải viên tiêu biểu có thời gian công tác lâu năm, có nhiều thành tích đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở” - Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đề nghị.

Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Ban Dân vận, Ngành Tư pháp, Tòa án và MTTQ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ để cùng thực hành tốt kỹ năng dân vận khéo trong công tác hòa giải, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, qua đó thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan. Ngành Tư pháp cũng tiếp tục triển khai nghiêm túc Luật Hòa giải ở cơ sở, củng cố đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, từng bước chuyên nghiệp hóa; tăng truyền thông về vị trí, vai trò, ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở để từng bước hình thành thói quen sử dụng phương thức này trong giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư…