13/05/2024 lúc 10:52 (GMT+7)
Breaking News

Mã hóa bài thi trắc nghiệm THPT Quốc gia 2019 trước khi chấm

VNHN - Vụ việc gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 là bài học xương máu về những kẽ hở trong quy trình chấm thi. Chính vì vậy, năm nay quy trình chấm bài thi trắc nghiệm đã có nhiều điểm đổi mới, thể hiện qua 5 bước chấm thi nghiêm ngặt. Trong đó có bước mã hóa bài thi trắc nghiệm của thí sinh trước khi chấm giúp kết quả điểm thi được công bằng, minh bạch và tránh gian lận.

VNHN - Vụ việc gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 là bài học xương máu về những kẽ hở trong quy trình chấm thi. Chính vì vậy, năm nay quy trình chấm bài thi trắc nghiệm đã có nhiều điểm đổi mới, thể hiện qua 5 bước chấm thi nghiêm ngặt. Trong đó có bước mã hóa bài thi trắc nghiệm của thí sinh trước khi chấm giúp kết quả điểm thi được công bằng, minh bạch và tránh gian lận.

Quy trình chấm bài thi trắc nghiệm được đưa ra tại Quy chế thi THPT Quốc gia và hướng dẫn chi tiết trong Phụ lục 5 - Hướng dẫn quy trình chấm bài thi trắc nghiệm ban hành kèm Công văn số 1209/BGDDT-QLCL ngày 27/3/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, quy trình này quy định việc chấm thi được diễn ra nghiêm ngặt, được lực lượng công an bảo vệ 24/24. Bên cạnh đó, các cán bộ chấm thi và khu vực chấm thi được công an giám sát từ khi mở niêm phong bài thi trắc nghiệm cho tới khi kết thúc chấm thi. Ngoài ra, không được mang theo bút chì, tẩy vào khu vực chấm thi, không sửa chữa thêm bớt vào bài thi trắc nghiệm của thí sinh bằng bất cứ lý do gì.

Đặc biệt, toàn bộ quá trình chấm bài thi trắc nghiệm của thí sinh năm 2019 đều có sự giám sát chặt chẽ của camera. Và các camera đều phải có bộ lưu trữ dữ liệu dự phòng, đảm bảo có thể hoạt động liên tục ngay cả khi bị mất điện. Sau khi kết thúc công tác chấm bài thi thì các dữ liệu ở camera đều được niêm phong và được Giám đốc Sở GD&ĐT lưu trữ trong thời gian tối thiểu là 1 năm.

Ảnh minh họa

5 bước chấm thi trắc nghiệm năm 2019 diễn ra như sau:

Bước 1. Nhận bài thi từ Hội đồng thi

Trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm nhận các túi bài thi từ Hội đồng thi trong tình trạng nguyên niêm phong của Điểm thi. Thực hiện quy trình bảo quản bài thi tại phòng chấm thi trắc nghiệm theo quy định tại Khoản 2, Điều 23 Quy chế thi.

Bước 2. Quét Phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN): Phiếu trả lời trắc nghiệm được quét theo từng phòng thi.

Thư ký cắt miệng túi bài thi, kiểm đếm Phiếu trả lời trắc nghiệm đối chiếu với số Phiếu trả lời trắc nghiệm ghi trên túi bài thi và Phiếu thu bài. Sau đó, chuyển Phiếu trả lời trắc nghiệm cho cán bộ kỹ thuật nạp vào máy quét; quét xong Phiếu TLTN của túi nào, Phiếu trả lời trắc nghiệm được thư ký kiểm đếm, đóng lại túi đó và niêm phong theo quy định.

Sao lưu toàn bộ dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) ra đĩa CD hoặc DVD (gọi là CD0) thành 03 bộ đĩa giống nhau, bàn giao 01 bộ đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 01 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 01 bộ đĩa gửi về Bộ GDĐT;

Bước 3. Nhận dạng ảnh quét

Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm sẽ chuyển dữ liệu ảnh bài làm của thí sinh thành kết quả dưới dạng văn bản (text) đã được mã hóa.

Sau đó, xuất toàn bộ dữ liệu đã nhận dạng (dạng văn bản đã mã hóa) và ghi ra đĩa 03 bộ CD hoặc DVD (gọi là CD1) giống nhau bàn giao 01 bộ đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 01 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 01 bộ đĩa gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bước 4. Sửa lỗi

Nếu phát hiện lỗi, cán bộ kỹ thuật trực tiếp dùng chức năng sửa lỗi kỹ thuật của Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm để tiến hành sửa lỗi kỹ thuật của bài thi. Sau khi sửa xong tất cả các lỗi kỹ thuật, in tất cả biên bản sửa lỗi giao cho Trưởng Ban Chấm phúc khảo.

Xuất toàn bộ dữ liệu đã nhận dạng sau đã sửa tất cả các lỗi (dạng văn bản đã mã hóa) và ghi ra 3 bộ CD hoặc DVD (gọi là CD2) giống nhau bàn giao 01 bộ đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 1 bộ đĩa gửi về Bộ GD&ĐT.

Bước 5. Chấm điểm

Sau khi thực hiện xong 4 bước trên, Hội đồng thi sẽ mở niêm phong Đĩa Dữ liệu (đáp án) do Bộ GD&ĐT cung cấp.

Nạp dữ liệu chấm từ Đĩa dữ liệu vào Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm để chấm điểm. Thực hiện chức năng chấm điểm của Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm.

Xuất toàn bộ dữ liệu xử lý và kết quả chấm thi trắc nghiệm chính thức (đã mã hóa) từ Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm và ghi vào 03 bộ đĩa CD hoặc DVD (gọi là CD3) giống nhau, được niêm phong dưới sự giám sát của Tổ Giám sát, công an và lập biên bản; 1 đĩa gửi về Bộ GD&ĐT; 1 đĩa bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng thi; 1 đĩa Trưởng Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ.

Hy vọng với 5 bước chấm thi trắc nghiệm nghiêm ngặt cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019 kể trên sẽ mang lại kết quả chuẩn xác nhất với bài làm của thí sinh; đảm bảo công bằng, minh bạch và tránh gian lận./.