27/04/2024 lúc 10:26 (GMT+7)
Breaking News

Lương y - Võ sư Nguyễn Tấn Xuân: Khát vọng cống hiến vì cộng đồng

VNHNO - Lương y - Võ sư Nguyễn Tấn Xuân là người đa tài, ông đã khẳng định được tài năng và có những cống hiến nhất định cho xã hội, cho đất nước trên cả ba lĩnh vực: Võ thuật, y học và thơ ca. Ông không chỉ là bậc thầy về võ đạo và y thuật ông còn là người thầy tận tâm truyền nghề lại cho các thế hệ học trò.

VNHNO - Lương y - Võ sư Nguyễn Tấn Xuân là người đa tài, ông đã khẳng định được tài năng và có những cống hiến nhất định cho xã hội, cho đất nước trên cả ba lĩnh vực: Võ thuật, y học và thơ ca. Ông không chỉ là bậc thầy về võ đạo và y thuật ông còn là người thầy tận tâm truyền nghề lại cho các thế hệ học trò.

Niềm đam mê và tình yêu dành cho Đông y, ông đã đầu tư rất nhiều tâm huyết để tìm tòi, nghiên cứu nhiều bài thuốc quý, phương pháp hay để giúp đời cứu người, sự cống hiến thầm lặng ấy thật đáng trân quý. 

Lương y Nguyễn Tấn Xuân khám cho người bệnh

Lương y - Võ sư Nguyễn Tấn Xuân sinh năm 1949 tại làng An Mô, xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quãng Ngãi - quê hương Núi ấn Sông Trà. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống về Đông y và Võ thuật, chính vì vậy mà ông được hấp thụ một gia phong căn bản và từ nhỏ đã hướng theo nghiệp võ, nghề y. Lương y - Võ sư Nguyễn Tấn Xuân hiện đang đảm nhiệm nhiều chức vụ như: Chưởng môn võ phái Xuân Nghĩa Đường Y - Võ Đạo, Giám đốc Trung tâm Phát triển Y - Võ Xuân Nghĩa Đường, Giảng viên Y - Võ Cổ truyền, Trưởng Bộ môn Boxing quận Gò Vấp Tp.HCM, Chi hội Trưởng Chi hội Võ cổ truyền huyện Hóc môn Tp.HCM, Hội viên Hội Võ cổ truyền Tp.HCM, Hội viên Hội Đông y Việt Nam, Hội viên Hội Châm cứu Việt Nam. Hội viên Tổng Hội Phát triển Võ thuật Thế giới, Ủy viên BCH Hội Châm cứu Tp.HCM, Phó Chủ tịch Chi Hội Lương y Châm cứu Tp.HCM, Chủ tịch Hội Đông y quận Gò Vấp Tp.HCM. Nguyên Phó Trưởng Ban Nghiên cứu Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam nhiệm kỳ 2014 - 2018.

Năm 1992, ông quyết định đi học Đông y tại Viện Y Dược học Dân tộc thành phố Hồ Chí Minh đến năm 1997 thì tốt nghiệp. Sau đó ông mở Phòng mạch mang tên Xuân Nghĩa Đường, tọa lạc tại số 108 Lê Hoàng Phái, phường 17, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1999 đến năm 2001 ông học tiếp lớp lương y nâng cao do Bộ Y Tế tổ chức tại Viện Y Dược học Dân tộc thành phố Hồ Chí Minh, tốt nghiệp loại Xuất sắc. Năm 1997 ông được Hội Võ Cổ truyền Tp.HCM (nay là Liên đoàn Võ Cổ truyền Tp.HCM) mời làm Trọng tài Y tế. Ngày 15 tháng 10 năm 1997 ông thành lập môn phái Xuân Nghĩa Đường Y - Võ Đạo với mong muốn truyền lại kiến thức Y - Võ của mình cho môn sinh. 

Lương y Nguyễn Tấn Xuân cùng các học viên

Để có được bài thuốc Đông y độc đáo ông đã phải đầu tư rất nhiều công sức để nghiên cứu rồi ứng dụng hiệu quả vào thực tế. Theo ông, Y và Võ là hai mặt của một cặp phạm trù bổ sung, hỗ trợ nhau vì sự phát triển sức khỏe của con người. Ông nói: “Tôi thường khuyên các môn sinh học võ nên biết y, ít nhất là biết về Khoa Trật đả; môn sinh học y nên biết võ, ít nhất là phần cơ bản để kiện toàn sức khỏe. Bởi sức khỏe là vốn quý nhất của con người”.

Trải qua mấy chục năm học tập, nghiên cứu Đông y, Võ thuật cổ truyền, dạy học và trị bệnh cứu người, Lương y - Võ sư Nguyễn Tấn Xuân đã tích lũy được một khối lượng lớn kiến thức và kinh nghiệm về y - võ thuật. Ông đã không ngừng tìm tòi, học tập, nghiên cứu để chắt lọc, biên soạn những phương thuốc hay, những bài thuốc quý, những thế võ đẹp của mình rồi xuất bản thành sách phổ biến rộng rãi cho mọi người áp dụng. Đến nay ông đã xuất bản 24 đầu sách ở ba lĩnh vực: Y học, võ thuật và thơ ca.

Trong đó có hai cuốn được tái bản nhiều lần, đó là cuốn “Đông y - Châm cứu giản yếu ca” và “Trật đả toàn khoa”. Riêng cuốn “Trật đả toàn khoa” được Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam chọn làm giáo trình, đã in trong cuốn 1 “Võ cổ truyền Việt Nam”, NXB Trẻ ấn hành tháng 12 năm 2011. Chương VI. Y học - Chữa trị chấn thương trong tập luyện và thi đấu, từ trang 155 đến trang 196. Quyển “Đông y - Châm cứu giản yếu ca” ông viết bằng thể thơ lục bát rất dễ thuộc, dễ nhớ nên bạn đọc trên cả nước, nhất các các thầy thuốc Đông y hết lời khen ngợi.

Lương y Nguyễn Tấn Xuân trao Bằng cho các Huấn luyện viên và võ sư môn Võ Cổ truyền

Sau 21 năm hoạt động ông đã đào tạo được nhiều học trò xuất sắc cả y lẫn võ như: Lương y, Võ sư Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng bộ môn Boxing huyện Hóc Môn Tp.HCM; Lương y, Võ sư Nguyễn Văn Sự - Trưởng bộ môn Muay huyện Hóc Môn Tp.HCM; Lương y, Võ sư Nguyễn Minh Dương - Trưởng bộ môn Boxing huyện Củ Chi Tp.HCM; Y sĩ, Võ sư Đặng Văn Thêm - Chủ nhiệm CLB VCT Xuân Nghĩa Đường huyện Hóc Môn Tp.HCM; Y sĩ, Võ sư Vũ Đình Sáu - Chủ nhiệm CLB VCT Xuân Nghĩa Đường thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai; Bác sĩ, Võ sư Nguyễn Trọng Nghĩa…

Là giảng viên Y - Võ cổ truyền ông đã giảng dạy nhiều lớp về Y - Võ tại nhà vào các chiều chủ nhật, cho Hội Đông y quận Gò Vấp Tp.HCM, cho Chi Hội Võ cổ truyền huyện Hóc Môn Tp.HCM, cho trường Trung cấp Tây Sài Gòn các lớp Y sĩ y học cổ truyền khóa 1 & 2. Đặc biệt năm 2011 ông đã giảng dạy khoa Trật đả cho hơn 100 võ sư, huấn luyện viên môn võ cổ truyền từ Bình Thuận đến Cà Mau do Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam kết hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, Hội Đông y Tp.HCM tổ chức tại thành phố Cần Thơ.

Nói về nghiệp chữa bệnh cứu người, ông cho rằng người thầy thuốc cần phải luôn nêu cao y đức lẫn y thuật trong chữa bệnh là điều rất quan trọng. Đúng như những gì thơ ông đã viết: 

“Cả đời dạy Võ, hành Y

Làm Thơ, viết Nhạc luôn vì chữ Tâm

Cả đời vẫn mãi cầu mong

Học trò thành đạt góp công với đời”

Với những đóng góp tích cực cho nền y học cổ truyền của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và nền y học cổ truyền Việt Nam nói chung, Lương y - Võ sư Nguyễn Tấn Xuân đã được tặng thưởng: 01 Huy chương Vì Sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 01 Huy chương Vì Sự nghiệp Đông y của Trung ương Hội Đông y Việt Nam, 20 Bằng khen và hơn 100 Giấy khen cho cả Y lẫn Võ. 

Đặc biệt là Bằng khen từ Đại hội Võ thuật thế giới lần thứ 18 tổ chức tại California (Hoa Kỳ), vì đã có công lao đóng góp cho phong trào phát triển võ thuật ở địa phương và trên toàn thế giới. Những đóng góp của ông cho ngành, cho cộng đồng xã hội rất đáng được trân trọng và nhân rộng để thế hệ trẻ có thêm động lực học tập và phấn đấu./.