18/01/2025 lúc 10:45 (GMT+7)
Breaking News

Hóa trị bằng thảo dược - Giải pháp tập trung vào lợi ích tối đa của người mắc ung thư

Hội thảo sinh hoạt khoa học mang tên “Tiềm năng và triển vọng nghiên cứu thuốc y học cổ truyền trong hỗ trợ và điều trị một số ung thư đường tiêu hóa” diễn ra ngày 7/4/2024 tại Thái Nguyên do Viện Y học bản địa Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Y dược học Tuệ Tĩnh tổ chức.

Sự kiện thu hút quan tâm của nhiều Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ và các nhà khoa học trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, mở ra cơ hội và hy vọng cho nhiều bệnh nhân mắc ung thư, đồng thời gợi mở trách nhiệm nghiên cứu, thử nghiệm của giới chuyên gia đối với căn bệnh hiểm nghèo.

Hội thảo sinh hoạt khoa học mang tên “Tiềm năng và triển vọng nghiên cứu thuốc y học cổ truyền trong hỗ trợ và điều trị một số ung thư đường tiêu hóa” diễn ra tại Viện Y học bản địa Việt Nam.

Những con số báo động về ung thư

Cơ quan ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã công bố những ước tính mới nhất về gánh nặng ung thư toàn cầu. Theo đó, năm 2022, ước tính có khoảng 20 triệu ca ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong. Trong đó, số người còn sống trong vòng 5 năm sau khi được chẩn đoán ung thư là 53,5 triệu người. Khoảng 1 trong 5 người mắc bệnh ung thư trong đời, khoảng 1 trong 9 nam giới và 1 trong 12 phụ nữ chết vì căn bệnh này.

Đáng nói, ung thư đường tiêu hóa là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên toàn thế giới. Nó có thể gây tổn hại nghiêm trọng và tử vong.

Theo BS. Hoàng Sầm, bản chất sử dụng hoạt chất từ thảo dược là một dạng hóa trị.

Đó là lý do thôi thúc bác sĩ Hoàng Sầm cùng các cộng sự của ông tổ chức buổi hội thảo về giải pháp điều trị một số ung thư đường tiêu hóa bao gồm những nghiên cứu chuyên sâu của các chuyên gia trong ngành. Các buổi hội thảo và tọa đàm diễn ra tại Viện Y Học Bản địa Việt Nam luôn diễn ra sôi nổi, hấp dẫn với những đề tài cấp thiết về tình hình sức khỏe cộng đồng, hội thảo lần này cũng không ngoại lệ.

Cụ thể, Hội thảo ngày 7/4 tập trung vào 3 báo cáo chất lượng và súc tích của TS. BS Hoàng Minh Cương – Bộ môn Ung thư, Trường Đại học Y dược Thái Nguyên;  BS. Hoàng Đôn Hòa – CEO Saman Phar, và BS. Hoàng Sầm – Chủ tịch hội đồng Viện Y học bản địa Việt Nam. Trong đó, TS. BS Hoàng Minh Cương tập trung vào báo cáo “Cập nhật kỹ thuật chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày theo Y học hiện đại”; BS. Hoàng Đôn Hòa báo cáo “Nghiên cứu sản xuất thử nghiệm nước ngậm súc miệng họng từ thảo mộc hỗ trợ điều trị bệnh khoang miệng và phòng ngừa ung thư khoang miệng”; Phần sau của Hội thảo, BS. Hoàng Sầm chia sẻ những phát hiện mới về thuốc y học cổ truyền trong hỗ trợ và điều trị một số ung thư đường tiêu hóa. Ngoài ra, ông còn tổng hợp nhiều nghiên cứu nổi bật của các nhà khoa học về điều trị ung thư trên toàn thế giới, mang lại thông tin hữu ích và thú vị cho giới chuyên môn cũng như tất cả những ai quan tâm đến ung thư.

TS. BS Hoàng Minh Cương – Bộ môn Ung thư, Trường Đại học Y dược Thái Nguyên báo cáo “Cập nhật kỹ thuật chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày theo Y học hiện đại”. 

Bản chất sử dụng hoạt chất từ thảo dược là một dạng hóa trị

Tham dự Hội thảo, GS. Hoàng Khải Lập – nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Y Thái Nguyên, bày tỏ: “Trong nhiều năm qua, Viện Y học bản địa Việt Nam đã nghiên cứu nhiều bài thuốc y học cổ truyền với mục đích chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Viện đã phối hợp với một số tổ chức trong nước và quốc tế để tổ chức nhiều hội thảo khoa học nhằm nâng cao chất lượng chữa bệnh cho nhân dân từ các bài thuốc y học cổ truyền.

Trên thực tế, việc chữa trị ung thư bằng Tây y truyền thống cho thấy hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, nhiều bài thuốc y học cổ truyền đã chữa khỏi bệnh này, nhất là trong cộng đồng các dân tộc thiểu số miền núi. Đó là cơ sở quan trọng để giúp chúng ta tiếp tục nghiên cứu, khám phá các bài thuốc y học cổ truyền trong hỗ trợ điều trị một số bệnh ung thư nói chung và ung thư đường tiêu hóa nói riêng.”

TS.BS Nguyễn Chí Bình - chuyên gia chăm sóc sức khỏe cộng đồng, TS. Nguyễn Chí Bình chia sẻ: “Mỗi ngày qua đi, Việt Nam có 3 ca tử vong về bệnh nghề nghiệp, 7 ca chết đuối trong đó có 4 trẻ em, 25 người ra đường không bao giờ quay về vì tai nạn giao thông, đặc biệt, hơn 200 ca liên quan tử vong do ung thư và hơn 400 ca liên quan những bệnh tim mạch. Buổi hội thảo này đề cập chủ đề gây ra rất nhiều đau thương cho người dân chúng ta. Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về tỷ lệ mắc ung thư, trong đó 70% được chẩn đoán muộn, trong khi nhiều nước trên thế giới rất chú trọng việc tầm soát ung thư đường tiêu hóa.

BS. Hoàng Đôn Hòa báo cáo “Nghiên cứu sản xuất thử nghiệm nước ngậm súc miệng họng từ thảo mộc hỗ trợ điều trị bệnh khoang miệng và phòng ngừa ung thư khoang miệng”.

Trong tỷ lệ ung thư của thế giới, 3 nguyên nhân hàng đầu liên quan đến tiêu hóa. Nói cách khác, chúng ta đang đang đề cập đến một vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Cho đến thời điểm hiện tại, tất cả kiến thức về điều trị ung thư gây cảm giác rất chậm, nhưng từ ngàn đời trước đây ở Việt Nam, chúng ta đã nghe câu “Phong, Lao, Cổ, Lại”. Sau này, bác sĩ Hoàng Sầm và chúng tôi phát hiện, “Lại” ở đây chính là ung thư, và hôm nay chúng ta vẫn đang nhắc đến ung thư. Trong 10 nguyên tử vong hàng đầu trên thế giới, ung thư đứng ở vị trí thứ 6. Đứng từ phương diện Lão khoa, tôi rất vui mừng khi được tham buổi hội thảo quý giá do Viện Y học bản địa Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Y dược học Tuệ Tĩnh tổ chức. Xin chúc Hội thảo thành công với những bài báo cáo mà tất cả chúng ta đều quan tâm.”

Theo bác sĩ Hoàng Sầm, bản chất sử dụng hoạt chất từ thảo dược là một dạng hóa trị. Hơn nữa, sau những chuyến công tác ở nhiều nước trên thế giới, ông phát hiện người nước ngoài cũng rất hiểu biết và cập nhật rất nhanh về các loại cây thuốc nam của Việt Nam. Vì vậy có thể nói, sự kết hợp giữa Tây y truyền thống và y học cổ truyền đang được cả thế giới quan sát.

Hội thảo tại Viện Y học bản địa Việt Nam thu hút sự chú ý của nhiều Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ và các nhà khoa học trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Những nghiên cứu chuyên sâu được bác sĩ Hoàng Sầm cùng các chuyên gia chia sẻ, báo cáo và phản biện tại Hội thảo đều hướng đến kết quả cuối cùng, đó là mang lại lợi ích tối đa cho người bệnh, bao gồm chẩn đoán kịp thời, điều trị thích hợp và chăm sóc theo dõi thường xuyên. Đây là những yếu tố rất quan trọng để cải thiện tỷ lệ sống sót cũng như chất lượng cuộc sống.

Thủy Kiều

...