02/05/2024 lúc 04:45 (GMT+7)
Breaking News

Lễ hội Lồng Tồng nhận được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

VNHN - ​Ngày 25/2, tại Khu Di tích lịch sử ATK Định Hóa, Thái Nguyên đã diễn ra Lễ khai hội Lồng Tồng Xuân Mậu Tuất năm 2018 và đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội đã thu hút hàng chục nghìn người đến vui hội xuân đầu năm mới.

VNHN - ​Ngày 25/2, tại Khu Di tích lịch sử ATK Định Hóa, Thái Nguyên đã diễn ra Lễ khai hội Lồng Tồng Xuân Mậu Tuất năm 2018 và đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội đã thu hút hàng chục nghìn người đến vui hội xuân đầu năm mới.

 

Năm nay, lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa diễn ra trong 2 ngày mùng 9 và 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất (tức ngày 24 và 25/2/2018) tại xóm Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Trong ngày Mùng 9 tháng Giêng (tức 24/2), lễ hội đã đã diễn ra một số hoạt động sôi nổi như: cắm trại; thi ẩm thực (gồm 2 nội dung giã bánh dày và sắp mâm cỗ); thi đi cà khoeo, thi đấu bóng chuyền; thi trình diễn trang phục dân tộc; trại trà và giao lưu văn hóa dân tộc…

Ngày mùng 10 tháng Giêng (tức 25/2), đã diễn ra các hoạt động chính quan trọng tại lễ hội như: Dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đánh trống khai hội; Lễ cầu mùa của dân tộc Tày và dân tộc Sán Chay; Lễ cầu phúc của dân tộc Dao; Lễ Tịch điền tại cánh đồng Tỉn Keo; trình diễn múa Lân-Sư-Rồng; múa rối Thẩm Rộc; thi cấy, đẩy gậy, hội tung còn… Đặc biệt tại đây còn diễn ra lễ trao nhận "Công nhận Lễ hội Lồng Tồng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia".

Lễ hội Lồng Tồng là lễ hội xuống đồng đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chay và một số dân tộc khác ở miền rừng núi cao… của tỉnh Thái Nguyên với ý nghĩa cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…

Lễ hội đã thu hút hàng chục nghìn người từ các địa phương trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên đến vui chơi hội xuân.

Du khách thích nhất nét đặc sắc của Lễ hội Lồng Tồng là những tiết mục múa rối cạn của đồng bào Tày ở thôn Thẩm Rộc, xã Bình Yên và thôn Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, Thái Nguyên.

Bên cạnh đó còn có các nghi lễ khác như lễ Tịch điền, lễ Cầu mùa khác của dân tộc Tày, tộc Sán Chay và lễ cầu phúc của dân tộc Dao...

Tiếng nhạc dân tộc lồng trong các bài cúng cầu mùa, cầu phúc của Thầy mo, tiếng chân người nhảy múa đã vang lên rộn ràng khắp núi rừng. Họ bày tỏ lòng thành kính, biết ơn các vị thần rừng, thần núi, thần trời và thần đất đã ban phúc đức, bình an cho mỗi người dân địa phương được mạnh khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn trong năm cũ và cầu mong nhiều điều tốt đẹp sẽ đến từng nhà trong năm mới, cầu cho mùa màng bội thu, no ấm...

Lễ hội Lồng Tồng cũng là một điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo nhân dân và du khách cả nước du xuân về nguồn tham quan, vãng cảnh các di tích, danh thắng đẹp ở Thủ đô gió ngàn./.