27/04/2024 lúc 04:23 (GMT+7)
Breaking News

Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển tài nguyên bản địa

VNHN - Trong 2 ngày 24-25/11, cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019 với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng ứng dụng công nghệ” đã diễn ra tại Nhà Văn hóa thanh niên TPHCM. Cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng Ban Thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn tổ chức.

VNHN - Trong 2 ngày 24-25/11, cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019 với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng ứng dụng công nghệ” đã diễn ra tại Nhà Văn hóa thanh niên TPHCM. Cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng Ban Thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn tổ chức.



Một dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm 

Được triển khai từ tháng 4/2019, cuộc thi “Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thanh niên nông thôn 2019” đã thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức cuộc thi ở cấp tỉnh và lựa chọn ra những dự án tiêu biểu nhất gửi về Ban tổ chức. Trong 3 tháng phát động, Ban tổ chức nhận được 225 dự án từ 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. 105 dự án đáp ứng tiêu chí, có tính khả thi được chọn vào vòng bán kết.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh tham gia, vòng bán kết được tổ chức tại 3 miền: Miền Bắc, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Miền Trung-Tây Nguyên. Kết quả, 29 dự án xuất sắc nhất được chọn vào chung kết.

Khác với 4 mùa thi trước, vòng chung kết năm nay có nhiều chương trình đồng hành, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. Trong các ngày 23 và 24/11, nhiều chuyên đề, hội thảo diễn ra như: Đối thoại cùng quá khứ để hội nhập cùng tương lai; hội thảo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo-xúc tiến thị trường-kết nối cung cầu, giúp các dự án khởi nghiệp kết nối trực tiếp với các siêu thị, hệ thống bán lẻ, chia sẻ kinh nghiệm về tiêu chuẩn để đưa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới thông qua sàn thương mại điện tử, giao lưu với các dự án từng đoạt giải…

Theo đánh giá từ Hội đồng giám khảo, những dự án góp mặt ở chung kết năm nay đều đã được hiện thực hóa, sản xuất ra sản phẩm, có tính thương mại hóa cao. Sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các đội thi bắt đầu ý thức quan tâm các chứng thực về sản phẩm, thành phần trong sản phẩm thông qua các xét nghiệm, kiểm nghiệm và đã cung cấp cho ban tổ chức.

Điểm mạnh nữa là tinh thần đổi mới sáng tạo được các chủ dự án phát huy. Đây là con đường để các dự án đi tiếp không chỉ trong cuộc thi mà còn xuyên suốt quá trình xây dựng doanh nghiệp, phát triển sản phẩm, dịch vụ.

Ở chung kết năm nay, nhiều chủ dự án đều được đào tạo từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Nông Lâm TPHCM, chuyên ngành quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, kỹ sư sinh học... nên các bạn rất quan tâm đế việc nâng cao chuỗi giá trị tài nguyên bản địa. Hầu hết các dự án đã biết sử dụng nguồn nguyên liệu từ tài nguyên bản địa của quê hương mình. Cộng thêm ứng dụng công nghệ trong chế biến, nuôi trồng nông sản làm gia tăng giá trị nguồn tài nguyên quê hương.

Giải Nhất được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn; 50 triệu đồng và được hỗ trợ vốn vay tối đa 1 tỷ đồng tiền từ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. 2 giải Nhì được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn; 30 triệu đồng/giải, đồng thời hỗ trợ vốn vay tối đa 500 triệu đồng tiền từ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. 3 giải Ba được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn; 15 triệu đồng/giải và hỗ trợ vốn vay tối đa 300 triệu đồng tiền từ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. 4 giải khuyến khích được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn; 10 triệu đồng/giải và hỗ trợ vốn vay tối đa 200 triệu đồng tiền từ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.