08/05/2024 lúc 07:30 (GMT+7)
Breaking News

Cộng đồng quốc tế chỉ trích hành động vi phạm của Trung Quốc tại Biển Đông

VNHN - Những ngày qua, nhóm tàu Hải dương 08 của Trung Quốc tiếp tục vi phạm luật quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động này đã gây quan ngại lớn đối với cộng đồng quốc tế về hòa bình, an ninh và tự do hàng hải ở khu vực.

VNHN - Những ngày qua, nhóm tàu Hải dương 08 của Trung Quốc tiếp tục vi phạm luật quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động này đã gây quan ngại lớn đối với cộng đồng quốc tế về hòa bình, an ninh và tự do hàng hải ở khu vực.

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. (Nguồn: EIR)

Chiến lược lâu dài, nhất quán

Nhận định về hành động phi pháp của nhóm tàu Trung Quốc tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, bà Marina Trigubenko - chuyên gia hàng đầu của Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á, Viện Kinh tế, Viện hàn lâm Khoa học Nga khẳng định, hành động của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đi ngược lại các Công ước quốc tế về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) và Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).

“Những hành động leo thang của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng đến việc gìn giữ hòa bình, an ninh và tự do hàng hải tại khu vực, gây cản trở các hoạt động khai thác dầu khí đã có từ lâu của Việt Nam, trong đó có một số dự án liên doanh của Nga với Việt Nam”, bà Marina Trigubenko nhấn mạnh.

Ông Gregory B.Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định rằng Trung Quốc đang triển khai một chiến lược lâu dài và nhất quán nhằm cưỡng ép các quốc gia phải từ bỏ các quyền hợp pháp ở Biển Đông. Những hành vi của Trung Quốc ngày càng trở nên thách thức khi nước này triển khai nhiều tàu hơn tại Biển Đông so với trước đây.

Cùng chung quan điểm với ông Poling, Giáo sư Stein Tonnesson từ Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo (Na Uy) cũng cho rằng việc Trung Quốc ngăn cản các nước tiến hành các hoạt động hợp pháp tại Biển Đông cũng như can thiệp vào các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế của nước này là có tính hệ thống.

Chuyên gia Mỹ về Chiến lược Quốc phòng, cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Elbridge Colby cho rằng Bắc Kinh đang thực hiện chiến lược cắt lát “salami”, tiếp tục các hành động quấy rối với cả Việt Nam và Philippines.

Cụ thể, Trung Quốc từ từ triển khai các hành động nhỏ để tránh cộng đồng quốc tế đồng loạt lên án. Nhưng về lâu dài, hệ quả của các hành động này sẽ tích tục dần, củng cố cho dã tâm chiếm trọn Biển Đông, trở thành bá quyền và lấn át, chi phối trong Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo luật chơi với các quốc gia trong khu vực.

Ông Colby khẳng định, đây là điều Mỹ không thể chấp nhận. Washington luôn hướng tới một châu Á - Thái Bình Dương tự do và mở, trong đó các nước có thể tự quyết định tương lai của mình, có thể tự quyết định các vấn đề về thương mại, chính trị, các mối quan hệ an ninh, kết nối về mặt chính trị.

Theo Cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, mặc dù Trung Quốc phê chuẩn và tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 nhưng bản thân họ lại vi phạm các quy định nêu rõ trong Công ước này. Bắc Kinh cũng tiếp tục cho thấy sự coi thường luật pháp quốc tế khi phớt lờ phán quyết bác bỏ đường chín đoạn mà Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra năm 2016. “Chúng ta cần tạo ra luật chơi và các quốc gia cần tôn trọng luật chơi như vậy”, ông Elbridge Colby nhấn mạnh.

Đông Nam Á cần đồng lòng

Đề cập đến giải pháp nhằm giảm bớt căng thẳng tại Biển Đông, ông Gregory B.Poling khuyến nghị các nước Đông Nam Á cần phải thể hiện rõ ràng quan điểm trong việc bảo vệ quyền hợp pháp theo Luật pháp quốc tế. Các nước Đông Nam Á cần nỗ lực đối thoại nhằm hướng tới các giải pháp hợp lý và thực chất hơn.

Trong khi đó, Giáo sư Kavi Chongkittavorn thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), cho rằng với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, đồng thời bắt đầu nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốcnhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam có vị trí để thúc đẩy mạnh mẽ đối thoại và đàm phán về vấn đề Biển Đông.

Về phần mình, Cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Elbridge Colby cũng cho rằng, để đối phó và dập đi ngọn lửa tham vọng của Bắc Kinh, các nước Đông Nam Á cần xích lại gần nhau, tăng cường hợp tác về quốc phòng, kinh tế, chính trị.

Theo vị cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, để đối phó với các dã tâm, chiến lược của Trung Quốc, Mỹ ủng hộ lập trường của các nước chống lại các hành vi ngang ngược của Trung Quốc.

Với trường hợp của Việt Nam, ông khẳng định Washington ủng hộ lập trường của Việt Nam trên Biển Đông, tôn trọng chính sách đối ngoại của Việt Nam và mong muốn giúp Việt Nam nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền.

Tuyên bố của Pháp, Đức và Anh

Ngày 29/8, trên trang web của Bộ Ngoại giao Đức đăng tải Thông cáo về Tuyên bố chung của 3 nước là Pháp, Đức và Anh về tình hình Biển Đông. Thông cáo chỉ rõ, là các quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh mối quan tâm của họ đối với việc áp dụng phổ biến Công ước đặt ra trong khuôn khổ pháp lý toàn diện, trong đó mọi hoạt động ở các các vùng biển bao gồm cả ở Biển Đông phải được thực hiện và điều này tạo cơ sở cho sự hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải. Tuyên bố này cũng nhắc lại Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực PCA được đưa ra theo UNCLOS vào ngày 12/7/2016 trong vụ Philipines kiện Trung Quốc năm 2016.

Cũng theo bản Thông cáo, Pháp, Đức và Anh hoan nghênh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử dựa trên các quy tắc, hợp tác và hiệu quả phù hợp với UNCLOS ở Biển Đông; khuyến khích tiến tới kết luận sớm.

Trong thông cáo, Đức, Pháp và Anh đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia ven biển Biển Đông thực hiện các biện pháp và giải pháp giảm căng thẳng và góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực, bao gồm cả quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển, quyền tự do và hàng hải trên khu vực Biển Đông.

Ấn Độ lên tiếng về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông
Đài News18 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar tuyên bố nước này quan tâm đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông vì vùng biển này là một phần của lợi ích chung toàn cầu.
“Ấn Độ kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở tại các vùng biển quốc tế theo các luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS", ông Kumar phát biểu trong buổi họp báo chiều 29/ 8 tại New Delhi (giờ địa phương), đề cập đến Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS).
Ấn Độ cho rằng bất cứ bất đồng nào cũng phải được giải quyết một cách hòa bình theo đúng trình tự luật pháp và ngoại giao mà không đe dọa dùng vũ lực.
Cho đến nay, trước Ấn Độ, các nước như Mỹ, Malaysia, Australia hay Liên minh châu Âu (EU) đều đã bày tỏ quan điểm kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế và nhấn mạnh vai trò của UNCLOS.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc quay trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ ngày 13/8 sau lần đầu vi phạm từ ngày 12/7 – 7/8.
Tại buổi họp báo hôm 22/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các lợi ích hợp pháp của mình bằng các biện pháp hòa bình, theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, đồng thời không phủ nhận khả năng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế về những hành vi ngang ngược trên Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp vào việc duy trì trật tự, hòa bình và ổn định trong khu vực; an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không; tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.