22/11/2024 lúc 01:09 (GMT+7)
Breaking News

Tiếp tục phát huy sức mạnh mềm của Việt Nam trong ngoại giao đa phương thời gian tới

Phát huy sức mạnh mềm dân tộc là một nội hàm quan trọng làm nên thành công của đối ngoại Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp đổi mới gần 40 năm qua. Trong thời gian tới, tiếp tục phát huy vai trò của sức mạnh mềm để nâng cao vị thế quốc gia, phục vụ công cuộc phát triển đất nước, nhất là trong ngoại giao đa phương, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam.

Sức mạnh mềm và vai trò của sức mạnh mềm trong ngoại giao đa phương sau Chiến tranh lạnh

Khái niệm sức mạnh mềm lần đầu tiên được giáo sư Joseph Nye, nguyên Hiệu trưởng Trường Quản trị công J. F. Kennedy, thuộc Đại học Harvard (Mỹ), nguyên trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đề cập vào năm 1990 (1). Theo đó, sức mạnh mềm được hiểu là khả năng tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút để các nước khác “tự nguyện” thay đổi hành vi, chính sách phù hợp với điều mà quốc gia đó muốn, thay vì cưỡng bức thông qua sức mạnh kinh tế và quân sựSức mạnh mềm và sức mạnh cứng củng cố, bổ sung và tăng cường cho nhau, kết hợp thành sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Hiện nay, có nhiều cách tiếp cận, đánh giá khác nhau về tiêu chí sức mạnh mềm. Một số tổ chức quốc tế đã xây dựng các bảng chỉ số xếp hạng về sức mạnh mềm, như Global Soft Power Index (2), Soft Power 30 (3). Mặc dù có một số khác biệt, song về cơ bản, các chỉ số này đều sắp xếp các nước, như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia ở vị trí cao.

Diễn giải của các nước về sức mạnh mềm tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế rất đa dạng, phong phú, với nhiều chính sách, công cụ, phương thức khác nhau, như: thúc đẩy sáng kiến hoặc chuỗi sáng kiến để phát huy dấu ấn, đưa người vào các vị trí lãnh đạo của các tổ chức quốc tế lớn, quan trọng hoặc thành lập và dẫn dắt các nhóm nước đồng quan điểm về một chủ đề, lĩnh vực hợp tác... Thực tiễn cho thấy, sau Chiến tranh lạnh, hầu hết các nước đều điều chỉnh quan niệm về sức mạnh tổng hợp quốc gia, trong đó nhấn mạnh tăng cường sức mạnh mềm, phát huy sức mạnh thông minh (4), đồng thời tự chủ chiến lược trong bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc, nhất là tại các diễn đàn đa phương trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực.

Mỗi quốc gia đều tìm cách thúc đẩy những thế mạnh riêng để phát huy sức mạnh mềm trong quan hệ đối ngoại. Đơn cử như, Trung Quốc chú trọng ngoại giao thân thiện, hợp tác cùng có lợi, phát triển hài hòa, lồng ghép văn hóa và các giá trị Trung Quốc để thúc đẩy sức mạnh mềm; đồng thời, triển khai các sáng kiến mang đậm giá trị Trung Quốc, bao gồm: “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”, “Vành đai, Con đường” (BRI), thiết lập mạng lưới các Viện Khổng Tử và các sáng kiến toàn cầu mới, như Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) và Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI). Mỹ, Anh, Pháp, Canada, các nước châu Âu đề cao các giá trị dân chủ, luật lệ và quy tắc phương Tây, quảng bá thành tựu khoa học - công nghệ và nghệ thuật. Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore phát huy thế mạnh về tài chính, giáo dục, đổi mới sáng tạo, coi xây dựng thương hiệu toàn cầu là yếu tố quan trọng để phát huy sức mạnh mềm quốc gia cả trên bình diện song phương và đa phương. Indonesia coi trọng sự kết hợp giữa nền dân chủ, Hồi giáo và tính khoan dung trong thúc đẩy sức mạnh mềm, nhất là trong thúc đẩy vai trò trung gian hòa giải, giải quyết các xung đột…

Đối với các quốc gia tầm trung và đang phát triển có nguồn lực hạn chế, việc phát huy sức mạnh mềm được tận dụng và thúc đẩy mạnh mẽ tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế. Trong khoảng 5 - 10 năm gần đây, xu hướng này ngày càng được các quốc gia tầm trung và đang phát triển thúc đẩy trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng, cũng như sự khác biệt về quan điểm, lợi ích giữa các nước và nhóm nước diễn ra đa chiều, gay gắt hơn. Đơn cử như, Malta thúc đẩy sự hình thành và quá trình triển khai Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; Singapore thúc đẩy Sáng kiến về quản trị toàn cầu bên lề các khóa họp cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc (Sáng kiến 3G); Colombia thúc đẩy tiến trình thảo luận về các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, Vanuatu và các đảo quốc Nam Thái Bình Dương thúc đẩy đưa vấn đề biến đổi khí hậu xem xét tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ)…

Dấu ấn sức mạnh mềm trong ngoại giao đa phương Việt Nam những năm qua

Theo giáo sư J. Nye: “Những điểm làm nên sức hấp dẫn nhất của sức mạnh mềm Việt Nam hiện nay là tinh thần tự chủ, độc lập dân tộc, chính sách phát triển kinh tế và nền văn hóa, trong đó văn hóa của Việt Nam luôn hấp dẫn và có sức lôi cuốn các nước phương Tây”(5). Bản sắc, tinh thần, nét văn hóa và con người Việt Nam, tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh, cùng với truyền thống ngoại giao, đặc biệt là ngoại giao “tâm công” đã được vận dụng mạnh mẽ để phát huy sức mạnh mềm trong công cuộc kháng chiến, thống nhất đất nước và sự nghiệp đổi mới. Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, của Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam” đã nhấn mạnh những điểm nổi bật của bản sắc Việt Nam, đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, gắn kết cá nhân - gia đình - làng xóm - Tổ quốc, lòng khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, tính cần cù sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử và tính giản dị trong cuộc sống(6). Đây cũng là những nét đẹp về truyền thống, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam được đông đảo các nước, bạn bè quốc tế tin cậy, đánh giá cao.

Ngày nay, việc thúc đẩy sức mạnh mềm đã trở thành một định hướng quan trọng trong đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam; được khẳng định rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại”(7), “phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”(8), “không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”(9). Nghị quyết số 22-NQ/TW, của Bộ Chính trị, ngày 10-4-2013, “Về hội nhập quốc tế” nhấn mạnh “phát huy vai trò của Việt Nam trong việc định hình các quy tắc, luật lệ trong ASEAN và các cơ chế, diễn đàn quốc tế”, “tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế”(10).

Trên cơ sở đó, trong những năm gần đây, sức mạnh mềm của Việt Nam tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, giúp nâng cao thế và lực của đất nước trên trường quốc tế, qua đó góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Một là, giá trị địa - chiến lược của Việt Nam đã gia tăng đáng kể thông qua hệ thống quan hệ đối ngoại ngày càng rộng mở, đa tầng nấc. Cụ thể là, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 192/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế; đóng vai trò quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc; có 98 cơ quan đại diện tại nước ngoài… Nhiều nước lớn, đối tác quan trọng mong muốn củng cố, đưa quan hệ song phương với Việt Nam đi vào chiều sâu; vận động Việt Nam ủng hộ và tham gia các sáng kiến, chiến lược của các nước. Hầu hết các nước trên thế giới nhìn nhận giá trị chiến lược của Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu, nhân văn, thủy chung, có chính kiến, bản lĩnh, trọng công lý, lẽ phải và luật pháp quốc tế, không “chọn bên”, không theo bên này chống bên kia; đồng thời, là nhân tố có thể hàn gắn sự khác biệt, thúc đẩy những điểm tương đồng.

Hai là, về phát triển, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có môi trường chính trị - xã hội ổn định, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, con người cần cù, sáng tạo, thân thiện, hiếu khách, tạo lợi thế hấp dẫn lâu dài về kinh tế, đầu tư, du lịch. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia sớm đạt nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và đang tích cực triển khai các SDG, được Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là điển hình thành công của nước đang phát triển.

Ba là, trên bình diện đa phương, Việt Nam đã khẳng định mạnh mẽ bản sắc độc lập, tự chủ, hoàn thành xuất sắc nhiều vị trí quan trọng tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009, 2020 - 2021), Chủ tịch ASEAN (năm 2010, 2020), đăng cai Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC, năm 2017), thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016, 2023 - 2025), thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2023 - 2027, cùng nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế quan trọng khác; đồng thời, thúc đẩy các cơ chế quan trọng của ASEAN, như Diễn đàn cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Bên cạnh đó, Việt Nam đã bước đầu phát huy vai trò trung gian qua việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vào năm 2019.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, về tổng thể, sức mạnh mềm của Việt Nam hiện nay mới được đánh giá ở mức độ tầm trung. Theo Chỉ số Global Soft Power năm 2021, Việt Nam đứng thứ 47/105(11). Tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, nhiều sáng kiến mà Việt Nam thúc đẩy trong thời gian qua còn mang tính đơn lẻ, chưa kết hợp lồng ghép mạnh mẽ bản sắc và hình ảnh Việt Nam để tạo nên “bản sắc thương hiệu” của quốc gia, từ đó tạo được sức hút về lâu dài. Đồng thời, công tác nghiên cứu và tham mưu về sức mạnh mềm, nhất là trong khuôn khổ ngoại giao đa phương còn hạn chế…

Phát huy sức mạnh mềm Việt Nam trong công tác ngoại giao đa phương thời gian tới 

Trong khoảng 5 - 10 năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động ngoại giao đa phương quan trọng, như: đảm nhiệm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Hội đồng Chấp hành UNESCO, tiếp tục tham gia các cơ chế APEC, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Phong trào Không liên kết, Cộng đồng Pháp ngữ, các cơ chế Tiểu vùng sông Mekong cùng nhiều diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế khác; tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, triển khai các SDG và các cam kết quốc tế, trong đó có cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Bối cảnh tình hình khu vực và thế giới những năm tới, với xu thế chuyển đổi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 và những diễn biến phức tạp trong cạnh tranh chiến lược nước lớn có thể là cơ hội để các quốc gia tầm trung, các quốc gia đang phát triển tiếp tục phát huy sức mạnh mềm, nhất là tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, nếu biết nắm bắt thời cơ phù hợp. Trong bối cảnh đó, việc phát huy vị thế, ảnh hưởng, sức mạnh mềm của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế đòi hỏi cần có cách tiếp cận mới, tổng thể, toàn diện, liên ngành hơn.

Trên cơ sở đó, trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại thời gian tới, các cơ quan liên quan của Việt Nam có thể xem xét các biện pháp sau:

Thứ nhất, thúc đẩy triển khai đồng bộ sáng kiến hoặc phát triển các sáng kiến, dự án lõi ở các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế khác nhau để bổ trợ, tạo thành thương hiệu xuyên suốt nhằm phát huy sức mạnh mềm Việt Nam, trong đó kết hợp lồng ghép bản sắc, đặc trưng văn hóa Việt Nam. Đồng thời, xem xét lựa chọn một số vấn đề, lĩnh vực mà Việt Nam đã có sáng kiến thúc đẩy trong thời gian qua(12) để phát triển, triển khai đồng bộ tại các diễn đàn đa phương khu vực, quốc tế. Bên cạnh đó, tăng cường nắm bắt thời cơ trong thúc đẩy vai trò trung gian, hòa giải của Việt Nam trên một số vấn đề quốc tế, khu vực thông qua các cơ chế do ASEAN, Liên hợp quốc dẫn dắt, cũng như các cơ chế hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc, phù hợp với lợi ích, điều kiện và khả năng của Việt Nam.

Thứ hai, tăng cường đăng cai các hội nghị, diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế trên các lĩnh vực chuyên ngành mà Việt Nam có nhiều lợi ích hoặc thế mạnh, như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, an ninh lương thực, nông nghiệp, kết hợp các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam với tư cách nước chủ nhà.

Thứ ba, tăng cường đưa cán bộ ứng cử, đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo của tổ chức quốc tế đa phương khu vực và quốc tế ở những cấp độ khác nhau, như các vị trí cấp cao trong Ban Thư ký Liên hợp quốc, Ban Thư ký ASEAN và các tổ chức quốc tế khác mà Việt Nam đang tham gia, hoặc các vị trí cố vấn cấp cao trong các tổ chức phi chính phủ quốc tế như The Elders(13) để nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam. Trên cơ sở đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về các vị trí việc làm cấp cao tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, đồng thời xây dựng và cập nhật danh sách các ứng cử viên tiềm năng và cơ chế đặc thù để quy hoạch, đào tạo, vận động, khuyến khích các cá nhân đương nhiệm hoặc các đồng chí nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các chuyên gia cao cấp tham gia ứng cử vào những vị trí này.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, xây dựng cơ sở dữ liệu về sức mạnh mềm, các tiến trình thảo luận quan trọng tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế để xác định lĩnh vực mới mà Việt Nam có thể thúc đẩy hoặc tham gia tích cực, trong đó gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng, xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn…

Thứ năm, tiếp tục củng cố, nâng cao tính hiệu quả của công tác phối hợp liên ngành để tăng cường trao đổi, triển khai thúc đẩy sức mạnh mềm Việt Nam tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, nhất là đưa ra các sáng kiến, ý tưởng nhằm phát huy vị thế, dấu ấn, tranh thủ nguồn lực hợp tác quốc tế và đóng góp giải pháp giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Thứ sáu, thúc đẩy nhận thức đầy đủ, toàn diện ở cấp cơ sở, giúp các cơ quan, địa phương hiểu rõ về sức mạnh mềm Việt Nam và tầm quan trọng của việc phát huy sức mạnh mềm quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động, sáng kiến của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế trên nền tảng các phương tiện truyền thông xã hội được cộng đồng quốc tế quan tâm và sử dụng nhiều (Twitter/X, Facebook, Instagram), kết hợp lồng ghép giới thiệu sinh động về đất nước, con người Việt Nam.

Tựu trung, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và cơ hội để nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế thông qua các biện pháp phát huy sức mạnh mềm, nhất là tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế trong thời gian tới. Đây được xem là hướng đi thiết thực nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng và góp phần thực hiện mục tiêu, tầm nhìn phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo./.

TS Nguyễn Hùng Sơn - TS Nguyễn Hải Lưu

Bộ Ngoại giao

-----------------------

(1) Xem: Joseph S Nye: “Soft Power”, Tạp chí Foreign Policy, số 80, 1990, tr. 153 - 171
(2) Chỉ số Global Soft Power Index của BrandFinance  - Tập đoàn phân tích và tư vấn có trụ sở tại Vương quốc Anh - được dựa trên ba tiêu chí lớn là uy tín (reputation), sự quen thuộc (familiarity) và ảnh hưởng (influence)
(3) Chỉ số Soft Power 30 là dự án của Trung tâm Ngoại giao công chúng USC (Mỹ) được dựa trên khảo sát theo 6 tiêu chí chính là văn hóa, kinh doanh, giáo dục, can dự, kỹ thuật số và nhà nước
(4) Xem: Joseph S Nye: “On the Rise and Fall of American Soft Power”, Tạp chí New Perspectives Quarterly, quyển 22, số 3, 2005, tr. 75 - 77
(5) Xem: Nguyễn Thị Nga - Hoàng Thị Kim Oanh: “Phát huy “sức mạnh mềm” trong bối cảnh toàn cầu hóa”, Tạp chí điện tử của Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 25-6-2018, http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/phat-huy-suc-manh-mem-trong-boi-canh-toan-cau-hoa-113001
(6) Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, của Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-03-nqtw-ngay-1671998-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-tai-hoi-nghi-trung-uong-5-khoa-viii-ve-xay-dung-va-phat-1692
(7), (8), (9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 98, 205, 118
(10) Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị, “Về hội nhập quốc tế”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-22-nqtw-ngay-1042013-cua-bo-chinh-tri-ve-hoi-nhap-quoc-te-264
(11) Theo chỉ số Global Soft Power Index của Brand Finance năm 2021, năm nước đứng đầu là Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc. Trong tám nước ASEAN được xếp hạng vào năm 2021, Việt Nam đứng thứ 5/8 nước (sau Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia)
(12) Phụ nữ, hòa bình, an ninh, bảo vệ thường dân, rà phá bom mìn, biến đổi khí hậu và quyền con người, hợp tác ASEAN - Liên hợp quốc, phòng chống dịch bệnh, quyền giáo dục, việc làm, y tế, bảo vệ kết cấu hạ tầng thiết yếu cho sự sống của người dân
(13)  Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Thủ đô London (Anh), tập hợp các cựu lãnh đạo thế giới cùng vận động thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế và hòa bình, do cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela sáng lập