24/11/2024 lúc 00:50 (GMT+7)
Breaking News

Vai trò của EU với an ninh hàng hải và ngăn chặn xung đột ở Biển Đông

VNHN - Tác giả Eva Pejsova trong một bài viết trên trang mạng của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), nhận định, Liên minh châu Âu (EU) có lợi ích sống còn trong việc duy trì một khu vực Biển Đông tự do, an toàn và ổn định. Bởi vậy, EU cần chủ động và đóng góp nhiều hơn để bảo vệ tự do thông thương trên vùng biển này...

VNHN - Tác giả Eva Pejsova trong một bài viết trên trang mạng của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), nhận định, Liên minh châu Âu (EU) có lợi ích sống còn trong việc duy trì một khu vực Biển Đông tự do, an toàn và ổn định. Bởi vậy, EU cần chủ động và đóng góp nhiều hơn để bảo vệ tự do thông thương trên vùng biển này...    

Lợi ích và vị thế

Bên cạnh lợi ích kinh tế với các đối tác quan trọng, EU cũng có những cam kết pháp lý và chính trị đối với sự ổn định khu vực, bắt nguồn từ việc EU tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) năm 2012 và trở thành thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Đặc biệt, trước những những hành động gây hấn gần đây trên Biển Đông, chủ nghĩa đơn phương của Trung Quốc và mối đe dọa mà nước này gây ra đối với trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ đã khiến châu Âu phải cảnh giác.

Kể từ năm 2016, EU đã cảnh giác hơn trước những động thái gây gián đoạn của Trung Quốc và thực hiện một chính sách đối ngoại thận trọng hơn. Một số diễn biến bên trong cũng như bên ngoài đã thúc đẩy sự hợp nhất về an ninh và phòng thủ của EU, tăng cường uy tín của tổ chức này với tư cách là bên tham gia an ninh toàn cầu trong khu vực Biển Đông.

Hiện nay, khi EU mong muốn có được địa vị quan sát viên tại diễn đàn Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), điều quan trọng đối với họ là đánh giá lại đóng góp của mình đối với an ninh khu vực.

Lập trường của EU hiện nay cũng tương đối rõ ràng. Thứ nhất, một số nước thành viên gia tăng hoạt động trên biển trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải (FON). Thứ hai, EU đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại và hoạt động tăng cường năng lực với ASEAN và từng nước Đông Nam Á trong các vấn đề an ninh hàng hải phi truyền thống.

Giữa nguyên tắc và thực tiễn

Như hầu hết các bên không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, EU không đứng về bên nào trong các tranh chấp và duy trì lập trường “trung lập có nguyên tắc” đối với các vấn đề chủ quyền. Là thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, các thành viên EU luôn khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác và hối thúc các bên tuân thủ chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế để giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Lập trường này được phản ánh dưới các hình thức khác nhau trong tất cả các tuyên bố và văn kiện chính thức của EU liên quan đến châu Á hay an ninh hàng hải nói chung. Năm 2012, Chính sách Đông Á của EU khuyến khích các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, hối thúc Trung Quốc và ASEAN nhất trí về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý. Chiến lược an ninh hàng hải "EU 2014" xây dựng dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ đầy đủ UNCLOS 1982 cũng như quyền tự do hàng hải, EU coi đó là cơ sở cho môi trường ổn định toàn cầu.

Cuối cùng, Chiến lược toàn cầu EU (EUGS), được công bố hồi tháng 6/2016, cam kết một cách cụ thể “ủng hộ tự do hàng hải, kiên trì tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Luật Biển và các thủ tục tố tụng của Luật Biển, khuyến khích giải quyết hòa bình các tranh chấp biển”. Chiến lược này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “xây dựng năng lực biển và hỗ trợ một cơ cấu an ninh khu vực do ASEAN dẫn đầu”.

Những nguyên tắc khác của Chiến lược toàn cầu EU cũng được phản ánh trong cách tiếp cận đa dạng hóa của EU đối với vấn đề Biển Đông, chẳng hạn như cần xây dựng “tính kiên cường” ở các đối tác nước ngoài, ủng hộ “trật tự khu vực mang tính hợp tác” và “có đóng góp thực tế lớn hơn” cho an ninh hàng hải khu vực.

Trung Quốc vẫn duy trì các hoạt động phi pháp trên Biển Đông. (Nguồn: Internet)

Tăng cường hợp tác

Tôn trọng quyền tự do hàng hải (FON) không phải là vấn đề duy nhất ở Biển Đông. Tình trạng bế tắc về ngoại giao do những tranh chấp chủ quyền chưa được giải quyết, việc khai thác cá quá mức, đánh bắt cá bất hợp pháp, không thông báo và vô nguyên tắc (IUU), tận diệt môi trường tự nhiên biển,... cũng là những thách thức đang tồn tại.

Nếu muốn đóng góp vào sự ổn định khu vực, EU sẽ phải tận dụng tốt nhất kinh nghiệm của mình trong việc ngăn chặn khủng hoảng, giải quyết hòa bình các tranh chấp, cùng tham gia phát triển các nguồn lực, đưa ra ý kiến chuyên môn về luật pháp quốc tế và quản trị tốt trên biển. Tăng cường năng lực và chia sẻ cách làm tốt nhất trong tất cả các lĩnh vực trên chính là việc mà EU nên đẩy mạnh ở cả ở cấp độ đa phương, với ASEAN và trong nội bộ ARF, cũng như với mỗi nước Đông Nam Á.

Với EU, ASEAN vẫn là bên đối thoại chính. An ninh hàng hải là ưu tiên then chốt trong việc tăng cường hợp tác chính trị và an ninh trong Kế hoạch hành động ASEAN-EU giai đoạn 2018-2022, nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp quyền, FON và việc giải quyết hòa bình các tranh chấp cùng với những vấn đề khác.

Kể từ năm 2013, EU đã tổ chức 5 vòng Đối thoại cấp cao EU-ASEAN về hợp tác an ninh hàng hải, giải quyết vấn đề an ninh cảng biển, thực thi pháp luật trên biển, quản lý tài nguyên biển và ngăn chặn xung đột. An ninh hàng hải, ngoại giao phòng ngừa và trung gian hòa giải là tâm điểm của các cuộc hội thảo EU-ASEAN về vấn đề an ninh và phòng thủ được trường Đại học An ninh và Phòng thủ châu Âu (ESDC) tổ chức hàng năm kể từ năm 2014.

Ngoài ra, công cụ đối thoại EU-ASEAN khu vực tăng cường (E-READI) là một nền tảng khác nhằm thúc đẩy sự hội nhập chính trị-an ninh của ASEAN, tập trung cụ thể hơn vào chính sách ngư nghiệp, đánh bắt cá IUU và môi trường tự nhiên biển. Năm 2016, EU đã đi đầu trong việc thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc và Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 14 - “chương đại dương” trên toàn cầu.

Hiện nay, với tư cách là đồng chủ tịch Nhóm giữa kỳ ARF về an ninh hàng hải (cùng với Việt Nam và Australia), EU đã và đang tổ chức một loạt hội thảo về thực thi pháp luật trên biển, thúc đẩy chia sẻ cách thức hành động tốt nhất và các biện pháp cụ thể để giảm bớt căng thẳng khu vực, tăng cường nhận thức về biển (MDA), mối liên hệ giữa đất liền và biển, dân sự và quân sự và đánh bắt cá IUU. Có thể khẳng định, an ninh hàng hải và ngăn chặn xung đột là những ưu tiên hàng đầu của EU khi làm việc với từng nước đối tác Đông Nam Á.