21/12/2024 lúc 23:38 (GMT+7)
Breaking News

Một số vấn đề nổi bật của cục diện thế giới hiện nay

Tình hình thế giới trong những năm gần đây tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Hòa bình, hợp tác, liên kết để phát triển vẫn là xu thế lớn của thời đại nhưng đang phải đối mặt với những thử thách nghiêm trọng. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gia tăng toàn diện, kinh tế thế giới suy giảm, an ninh phi truyền thống và các vấn đề toàn cầu cấp bách ngày càng khó đối phó, vấn đề Ucraina diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động sâu sắc tới cục diện thế giới.

1. Hòa bình và phát triển vẫn là một xu thế của thế giới nhưng đang đối mặt với thử thách nghiêm trọng nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc

Thứ nhất, trong những năm gần đây, hòa bình thế giới và sự phát triển toàn cầu đang đối mặt với thử thách nghiêm trọng nhất kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Sau khi đại dịch Covid-19 tạm thời được kiểm soát, xung đột Nga - Ucraina bùng phát ảnh hưởng sâu rộng đến cục diện thế giới. Khủng hoảng Ucraina trên thực tế là phần mở rộng của chấn động hậu Chiến tranh Lạnh và là kết quả trực tiếp của cuộc cạnh tranh Nga - Mỹ. Nga đã lựa chọn các biện pháp quân sự để giải quyết những mối quan ngại an ninh của mình, trực tiếp xung đột với giới hạn đỏ về lợi ích của Mỹ, NATO và EU. Nga bị trừng phạt toàn diện, hình thành thế đối đầu trận tuyến trên quy mô lớn. Mỹ và phương Tây đã lôi kéo nhiều quốc gia để thành lập một liên minh hậu thuẫn cho Ucraina, họ được coi là các bên tham gia không chính thức vì trang bị vũ khí của họ và các chuyên gia trên thực tế đã can dự rất sâu sắc. Sau khi thế trận này hình thành, cục diện chiến trường không diễn biến như dự kiến của Nga. Cuộc chiến kéo dài, các bên sẽ làm gì tiếp theo và cục diện châu Âu sẽ thay đổi như thế nào là điều đang được quan tâm nhất hiện nay. Trách nhiệm của các nước lớn là phải thiết lập cơ chế an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững. Việc làm thế nào để thành lập cơ chế an ninh như vậy là vấn đề cấp bách hiện nay. Khủng hoảng Ucraina đặt ra yêu cầu thúc đẩy một thỏa thuận như vậy.

Thứ hai, môi trường hợp tác chiến lược và an ninh toàn thế giới đang trải qua những thách thức rất lớn từ chiến sự tại Ucraina. Dù cuộc chiến đến nay vẫn là đụng đầu cục bộ trên một phạm vi cụ thể nhưng sức ảnh hưởng của nó ở tầm toàn cầu, tác động rất lớn đến cục diện thế giới: (1) Đây là xung đột Đông - Tây thực chất, chứ không chỉ là xung đột Nga - Ucraina (Đông gồm Nga - Trung Quốc và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Tây là Mỹ và các nước NATO); (2) Tạo ra một tiền lệ xấu cho môi trường hòa bình thế giới; (3) Nguồn lực vật chất của Ucraina và Nga bị suy giảm nghiêm trọng, Ucraina trở thành chiến trường nóng trong cuộc đụng độ chiến lược giữa các nước lớn, hình thành “lò lửa” chiến tranh mới khó có thể dập tắt trong ngắn hạn, thậm chí có thể tạo ra chiến tranh thế giới, nguy cơ trước mắt là có thể mở rộng thành cuộc chiến khu vực, cuộc chiến hạt nhân có thể nổ ra; (4) Không chỉ làm triệt tiêu khả năng phát triển của Ucraina, mà còn có thể đưa tới sự suy thoái toàn diện của không gian châu Âu, ảnh hưởng đến môi trường toàn cầu, đà phục hồi kinh tế thế giới trong bối cảnh hậu đại dịch, thậm chí nếu kéo dài có thể tạo ra nguy cơ khủng hoảng toàn diện đối với thế giới.

Xung đột Nga - Ucraina đã chuyển hóa cơ bản điểm nóng từ cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc sang châu Âu, phần nào tạo thời cơ cho Trung Quốc thu hẹp khoảng cách với Mỹ và bỏ xa hơn EU. Hơn nữa, khi cuộc chiến diễn ra và kéo dài, Nga đã và sẽ cần thắt chặt quan hệ và các hợp tác chiến lược với Trung Quốc, những lợi ích lớn về kinh tế có thể đạt được khi Trung Quốc trở thành nguồn cung chính nhu yếu phẩm cho cả Nga và Ucraina. Cuộc xung đột cũng có thể sẽ tạo ra cớ để Trung Quốc và Nga cùng nhau tạo ra các thiết chế, định chế, cơ chế mới, nhất là các định chế an ninh, kinh tế (cụ thể là lĩnh vực thương mại, tiền tệ) để định hình lại cuộc chơi toàn cầu, vượt qua các ảnh hưởng của các sân chơi, luật chơi của Mỹ.

Thứ ba, từ vấn đề Ucraina, khủng hoảng hạt nhân trở lại và thách thức toàn cầu. Cuộc khủng hoảng Ucraina khiến thế giới lại phải đối mặt với mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Động thái hậu thuẫn sâu rộng, không ngừng cung cấp vũ khí, trang thiết bị cho Ucraina để đối phó với Nga của Mỹ đã đẩy chiến sự leo thang mạnh mẽ, khó có phương án đàm phán. Mỹ cũng kích thích các bên, nhất là Ba Lan, Mônđôva chủ động thách thức Nga.

Thế giới và tất nhiên có Nga đã nhận thức rõ ràng về nguy cơ mở rộng chiến tranh thành một cuộc chiến khu vực khiến cho Nga phải tính toán lại chiến lược. Từ tháng 5-2023, Nga đã liên tục tuyên bố có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ và tấn công các nhân tố phá hoại nền hòa bình Nga(1). Tháng 6-2023, Nga đã thông báo triển khai vũ khi hạt nhân tại Bêlarút để sẵn sàng cho việc mở rộng cuộc chiến và có thể tấn công vào bất cứ đối tượng nào thách thức, đe dọa Nga(2).

Chưa khi nào kể từ bối cảnh căng thẳng của Chiến tranh Lạnh những năm 1960 đến nay, thế giới cần phải nhìn nhận, đánh giá lại về quá trình kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân, nghiêm túc triển khai các nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân. Việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi chiến tranh.

Thứ tư, nhân loại đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chủ nghĩa khủng bố và các lực lượng cực đoan lan rộng... Mặc dù những vấn đề an ninh nghiêm trọng này cần được giải quyết khẩn cấp thông qua hợp tác quốc tế, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tiềm năng và hiệu quả hợp tác của cộng đồng quốc tế đang mờ dần. Trong thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, nhanh chóng và khó lường, nếu các quốc gia chỉ chú trọng lợi ích trước mắt của mình, nhân loại sẽ phải tiếp tục trả giá đắt.

2. Xuất hiện tình trạng chia tách về an ninh - quân sự và kinh tế - công nghệ

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng Ucraina đã khiến thế giới xuất hiện xu hướng hình thành trạng thái phân tuyến an ninh quân sự rõ ràng.

Ở châu Âu, NATO can dự sâu vào cuộc khủng hoảng và lợi dụng cuộc khủng hoảng để gia tăng số lượng thành viên. Ngày 18-5-2022, Thụy Điển, Phần Lan (nước có chung biên giới với Nga) chính thức gửi đơn xin gia nhập NATO, ngày 04-4-2023, Phần Lan gia nhập NATO(3). Việc này sẽ giúp NATO nâng cao mức độ liên kết của thể chế tác chiến liên minh, thay đổi phương thức can thiệp quân sự, xây dựng và hoàn thiện cơ chế hợp tác và phối hợp trong các lĩnh vực khác nhau, hình thành sự đồng thuận về tăng cường mạnh mẽ can thiệp quân sự. Thậm chí, Mỹ đã công bố phương án mở rộng NATO sang các khu vực khác để xây dựng một “NATO toàn cầu”.

Để đối phó với Mỹ và NATO, Nga - Trung Quốc gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy liên kết bền chặt hơn với các đối tác thân thiết của mình, trước hết là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), cùng các đối tác quan trọng khác như Iran, Pakixtan, Ápganixtan, Thổ Thĩ Kỳ, Xiri... hình thành dần liên minh chiến lược an ninh - quân sự mới.

Thứ hai, cùng với diễn biến xung đột Nga - Ucraina, Mỹ gia tăng vấn đề Đài Loan để củng cố đồng minh quân sự, tăng cường hợp tác quốc phòng với những nước đồng minh và đối tác khác ở châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc và những quốc gia có tranh chấp chủ quyền biển như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á có nguy cơ tạo điểm nóng mới. Tuy nhiên, những nước có tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc, nhất là các nước Đông Nam Á cơ bản có sự hợp tác kinh tế chặt chẽ và mối quan hệ lịch sử, văn hóa lâu đời với Trung Quốc nên đã hạn chế nhất định xu thế hình thành trận tuyến về quân sự mới.

Thứ ba, cuộc khủng hoảng Ucraina khiến thế giới xuất hiện xu thế tăng cường đối đầu ý thức hệ Đông - Tây ngày một rõ ràng. Sự phân tuyến Đông - Tây được đánh giá đang trở lại mạnh mẽ. Trong kiềm chế chiến lược đối với Trung Quốc, Mỹ khoét sâu hố ngăn cách ý thức hệ và con đường phát triển giữa các nước phát triển phương Tây với những quốc gia như Trung Quốc. Đến thời điểm này, có thể khẳng định phân tuyến Đông - Tây dù chưa được truyền thông quốc tế nhắc đến nhiều nhưng đang dần trở thành xu thế đối kháng toàn diện, phân tuyến sâu sắc, cạnh tranh quyết liệt, lâu dài, có thể hướng đến xung đột toàn diện các lĩnh vực (không loại trừ xung đột quân sự).

3. Kinh tế thế giới ngày càng trì trệ và đứng trước nguy cơ suy thoái

Thứ nhất, dưới tác động của nhiều yếu tố như đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng Ucraina, chính sách tài khóa và tiền tệ của các quốc gia..., nền kinh tế thế giới nhanh chóng rơi vào đình trệ, lạm phát trong năm 2022.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thế giới phải đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của toàn cầu giảm xuống còn -3%, trong đó ở các nước phát triển là -4,4%, các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển là -1,9%(4).

Năm 2021, thế giới có sự phục hồi mạnh mẽ nhất sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế đạt 6%, trong đó các nền kinh tế phát triển đạt 5,2%, các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển đạt 6,6%. Đến quý IV-2021, trong bối cảnh nhiều quốc gia thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ siêu nới lỏng, mặc dù nền kinh tế được phục hồi đã kích thích nhu cầu mở rộng, nhưng không thể khắc phục kịp thời sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh gây ra, thị trường xuất hiện tình trạng cung không đủ cầu nghiêm trọng, dấu hiệu lạm phát bắt đầu xuất hiện. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Anh lần lượt đạt 6,7%, 4,6% và 4,9%(5). Chính phủ các nước chưa thực sự quan tâm đến dấu hiệu lạm phát mới xuất hiện, nên đã bỏ lỡ cơ hội để đưa ra các biện pháp kiểm soát.

Cuộc xung đột Nga - Ucraina nổ ra vào tháng 2-2022 đã giáng một đòn nặng nề hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến mặt bằng giá cả toàn cầu tăng nhanh và liên tục lập mức cao mới. Động thái liên tục tăng lãi suất của FED và làn sóng tăng lãi suất trên toàn cầu(6) không có tác dụng kiềm chế lạm phát nhanh chóng, mà lại gây ra tác động nghiêm trọng đến sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) liên tiếp hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023(7). Dự báo mới nhất được công bố vào tháng 11-2022, tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2023 ở mức 2,7%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển đạt 2,4%, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đạt 3,7%, các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển ở châu Âu thậm chí bằng 0%. Nếu cuộc chiến Ucraina không được giải quyết, năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của toàn cầu sẽ tiếp tục giảm xuống còn 2,5%, trong đó tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển chỉ đạt 1,1%.

Thứ hai, triển vọng kinh tế toàn cầu khó thoát khỏi tình trạng đình trệ do nhiều nguyên nhân:

(1) Không có nhiều dư địa để thực hiện chính sách vĩ mô điều tiết kinh tế cho các nước, kể cả những nước có nguồn lực tốt do sau những đợt tăng lãi suất liên tiếp, dư địa cho chính sách tiền tệ đã rất hạn hẹp; bản thân việc tăng lãi suất là “con dao hai lưỡi”, ngay cả khi có thể có tác dụng nhất định trong việc kiềm chế vật giá leo thang, thì cái giá phải trả do sự tác động nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế vẫn rất cao; Mỹ và phương Tây tăng lãi suất đã tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển(8).

(2) Dịch bệnh vẫn tiếp tục gây ra tác động đối với chuỗi cung ứng và các hoạt động kinh tế xã hội toàn cầu.

(3) Tác động địa chính trị từ cuộc khủng hoảng Ucraina khiến Mỹ và phương Tây thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga và Nga cũng thực hiện các biện pháp đáp trả, cũng như việc Mỹ dựa vào đồng minh của mình để thực hiện sự tách rời với Trung Quốc sẽ tiếp tục tiếp diễn, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng và hoạt động kinh tế toàn cầu.

Cuối cùng, sự phối hợp quốc tế sẽ trở nên khó khăn hơn. Không chỉ các cơ chế quản trị đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và IMF vẫn chưa thể phát huy vai trò của nó; cơ chế G20 từng thể hiện tốt vai trò điều phối quốc tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng đang ngày càng bộc lộ những dấu hiệu của sự mệt mỏi.

Thứ ba, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu trì trệ, lạm phát, một số vấn đề kinh tế - xã hội sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và cần được quan tâm giải quyết. Trước tiên, sự phân hóa kinh tế toàn cầu ngày càng nghiêm trọng. Trong nội bộ các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, cuộc khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng, tăng lãi suất ở Mỹ và phương Tây, xung đột địa chính trị đã gây ra những hậu quả tiêu cực đối với các nền kinh tế, khiến nền kinh tế bị phân hóa ngày càng nghiêm trọng. Vấn đề quản trị toàn cầu đã trở nên nghiêm trọng hơn.

Xu hướng phân hóa của nền kinh tế toàn cầu khiến việc điều phối kinh tế quốc tế trở nên khó khăn hơn, khủng hoảng năng lượng và lương thực lan rộng, gánh nặng nợ ngày càng tăng đã cản trở nghiêm trọng việc quản trị môi trường và hợp tác xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu. Trước đây, khi đề cập đến cuộc sống nghèo khó, dường như đó chỉ là vấn đề của các nước nghèo, nhưng hiện nay ngày càng có nhiều quốc gia phát triển ở châu Âu và Mỹ cũng phải đối mặt với vấn đề đói nghèo.

Thứ tư, xét từ góc độ quy luật lịch sử, tăng trưởng kinh tế thế giới cứ sau 20-30 năm sẽ trải qua một lần điều chỉnh lớn, cứ sau khoảng 10 năm sẽ diễn ra điều chỉnh quy mô trung bình và hiện đang ở điểm cuối của đợt điều chỉnh lớn. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trên cơ sở những nước phát triển phương Tây chiếm địa vị chủ đạo trong nền kinh tế thế giới, Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7) đã đóng vai trò lớn trong việc phối hợp, dẫn dắt sự phát triển của kinh tế thế giới. Cùng với việc động lực chính của tăng trưởng kinh tế thế giới chuyển sang nhóm các nước đang phát triển, việc chỉ dựa vào G7 là không hiệu quả. Sau khi G20 được thành lập, việc quản trị kinh tế thế giới bước sang giai đoạn mới và vai trò của các nước đang phát triển tăng lên.

Tuy nhiên, với sự quay trở lại của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, Mỹ đã chuyển từ “Nước Mỹ trước tiên”(9) (hay “Nước Mỹ trên hết”) sang cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc, chính trị hóa và chiến lược hóa vấn đề kinh tế, làm suy yếu năng lực cùng quản trị hợp tác toàn cầu. Đặc biệt là thế giới đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, liên quan đến vấn đề thay đổi căn bản mô hình phát triển truyền thống, khiến cho việc điều chỉnh phát triển kinh tế thế giới trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

Trong bối cảnh đó, kinh tế thế giới có thể bước vào thời kỳ tăng trưởng chậm trong một thời gian tương đối dài, đồng thời với đó là xung đột địa chính trị gay gắt, cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa các nước lớn, vấn đề xuyên quốc gia nổi cộm... Sự phát triển của Trung Quốc cũng bước sang một giai đoạn mới, tăng trưởng chậm lại, đi vào chiều sâu, cần có những điều chỉnh lớn, phần lớn dựa vào nhu cầu trong nước và đổi mới công nghệ.  

Thứ năm, báo cáo thương mại toàn cầu do WTO công bố ngày 17-6-2022 cho thấy, nền kinh tế toàn cầu trong thời gian đến năm 2025 chịu nhiều cú sốc. Tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu trong năm 2022 không mấy khởi sắc, lượng thương mại hàng hóa toàn cầu trong cả năm chỉ tăng 3,5%, cao hơn so với mức dự đoán 3,0% vào tháng 4-2022 nhưng không như mong đợi của thế giới. WTO dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu trong năm 2023 có thể chậm lại ở mức 1%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 3,4% năm trước đó(10). Do phải đối mặt với nhiều cú sốc, nên thương mại quốc tế đã có một số thay đổi quan trọng hoặc mang tính chuyển đổi, những thay đổi này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường thương mại quốc tế và chính sách thương mại của các nước.

Một số thay đổi quan trọng

Cùng với những thay đổi nhanh chóng về điều kiện thương mại, môi trường thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như tác động của đổi mới công nghệ đối với thương mại truyền thống, lý thuyết thương mại quốc tế hiện tại tương đối tụt hậu, cần có sự đổi mới và phát triển. Khi Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) có hiệu lực vào năm 1948, các bên ký kết đã đạt được đồng thuận cao về thúc đẩy tự do hóa và đa phương hóa thương mại.

Sau khi WTO được thành lập năm 1995, sự đồng thuận này vẫn tiếp tục duy trì và thêm vào một số nội dung ủng hộ phát triển bền vững như bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc xây dựng đồng thuận đa phương trong khuôn khổ WTO ngày càng trở nên khó khăn. Chính sách thương mại của một số nền kinh tế lớn cũng đã có sự điều chỉnh lớn, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008, chính sách thương mại của một số nước có xu hướng bảo hộ rõ rệt, đặc biệt là nhận thức của người dân ở các nền kinh tế phát triển về toàn cầu hóa và tự do thương mại có sự thay đổi đáng kể, mối quan tâm chính của họ là tác động của thương mại tự do đối với việc làm và phúc lợi quốc gia. Do đó, tiến trình thúc đẩy mở cửa thương mại bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Về hợp tác và phát triển thương mại, các nền kinh tế lớn đã dần chuyển từ hợp tác thương mại sang cạnh tranh - hợp tác thương mại, thậm chí một số nền kinh tế chuyển từ cạnh tranh thông thường sang cạnh tranh toàn diện hoặc cạnh tranh chiến lược. Trong nhiều thời điểm, chính trị hóa thương mại đang leo thang trên toàn cầu và cân nhắc về địa chiến lược thường được đặt lên trên cân nhắc về lợi thế so sánh thương mại, từ đó ảnh hưởng đến xu hướng đa phương hóa và toàn cầu hóa thương mại.

Hiện nay, nhiều nước đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề kinh tế và mâu thuẫn xã hội. Chính sách thương mại phục vụ cho quản trị trong nước và nền kinh tế trong nước cũng tác động đáng kể đến việc lựa chọn chính sách thương mại quốc gia. Trong bối cảnh đại dịch thế kỷ, bảo đảm việc làm là ưu tiên hàng đầu của hầu hết chính phủ các quốc gia, trong thời gian tới, sức ép việc làm sẽ có tác động không thể xem thường đối với chính sách thương mại. Ngoài ra, chính phủ nhiều nước cũng can thiệp sâu trở lại vào thương mại và đầu tư.

Sự phát triển của công nghệ tiếp tục ảnh hưởng đến các lựa chọn chính sách thương mại. Thí dụ, trí tuệ nhân tạo có tác động sâu sắc đến quy mô, phương hướng và kết cấu của thương mại quốc tế. Đối với ngành sản xuất, trí tuệ nhân tạo trong ngắn hạn sẽ làm giảm số lượng việc làm trong ngành sản xuất truyền thống, nhưng về dài hạn cũng mang lại cơ hội việc làm mới, điều này sẽ có tác động mang tính chuyển đổi về kinh tế và xã hội đối với sự phục hồi, phát triển của ngành sản xuất và tiến trình công nghiệp hóa kiểu mới ở nhiều quốc gia. Hiệu ứng lan tỏa của cạnh tranh thương mại Trung Quốc - Mỹ cũng đang đạt dần đến ngưỡng gay gắt và đối kháng. Việc ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao bị ảnh hưởng tương đối rõ rệt, cùng với việc chuỗi cung ứng toàn cầu được điều chỉnh và tái cấu trúc, sẽ thúc đẩy việc điều chỉnh và chuyển đổi mô hình chính sách thương mại, chính sách sản xuất của các nước, từ đó ảnh hưởng hơn nữa đến sự phân công sản xuất quốc tế và tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu, tác động đến lộ trình của các quốc gia tham gia mạng lưới thương mại toàn cầu.

Nhìn chung, trong thời gian tới, toàn cảnh cục diện thế giới có thể sẽ thay đổi mạnh mẽ, đòi hỏi các quốc gia nhạy bén, linh hoạt hơn trong một thế giới đầy biến động để phát triển bền vững.

ThS, NCS NGUYỄN THU HÀ
ThS, NCS ĐOÀN THỊ MAI LIÊN

Viện Quan hệ quốc tế,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

_________________

 

(1) Jack Walters (2023): World War 3 fears: Russia threatens NUCLEAR attack after Vladimir Putin ‘assassination attempt’, https://www.gbnews.com/news/world-war-3-nuclear-russia-ukraine-kremlin-attack, truy cập ngày 20-7-2023.

(2) Euronew (2023): Putin says Russian tactical nuclear weapons to be deployed to Belarus next month, https://www.euronews.com/2023/06/09/putin-says-russian-tactical-nuclear-weapons-to-be-deployed-to-belarus-next-month, truy cập ngày 20-7-2023.

(3) North Atlantic Treaty Organization (2023), Finland joins NATO as 31st Ally, https://www.nato.int/cps/en/natohq/news_213448.htm, truy cập ngày 20-7-2023.

(4), (5), (7) https://www.imf.org/en/Data.

(6), (8) Benamin Curry (2023): What Happens When The Fed Raises Interest Rates?, https://www.forbes.com/advisor/investing/fed-raises-interest-rates/, truy cập ngày 20-7-2023.

(9) https://americafirstpolicy.com/.

(10) https://fta.moit.gov.vn/.

...