26/04/2024 lúc 13:48 (GMT+7)
Breaking News

Chất lượng “sữa học đường” hiện nay có được đảm bảo?

VNHN - Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018-2020, triển khai với học sinh mầm non và học sinh tiểu học trên cả nước từ năm học mới 2018-2019. Đây là một chương trình mang ý nghĩa nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc cho trẻ.

VNHN - Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018-2020, triển khai với học sinh mầm non và học sinh tiểu học trên cả nước từ năm học mới 2018-2019. Đây là một chương trình mang ý nghĩa nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc cho trẻ. 

Số sữa đang dùng dở được niêm phong tại Trường Tiểu học Nhã Lộng đợi xét nghiệm. Ảnh: Tùng Dương/Giaoduc.net.vn

Tuy nhiên, nhìn từ những vụ ngộ độc tập thể gần đây ở một số trường học, nghi có liên quan đến sữa, chúng ta thấy còn một số vấn đề bất cập cần được giải quyết. Chăm sóc tầm vóc cho trẻ là điều đáng quý, nhưng nếu với một quy mô rộng lớn mà quy trình sản xuất, giám sát, cung cấp bảo quản sữa không chuẩn, thì sữa có thể lại trở thành nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh trong những bữa ăn tại trường của con em mình

Dư luận cả nước đang xôn xao về sự việc nhiều cháu học sinh tại Trường Tiểu học Nhã Lộng (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) bị ngộ độc sau khi uống sữa Fami Vinasoy, trao đổi với báo chí, ông Phùng Văn Xuyên - Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Phú Bình xác nhận: “Khoảng 9h 30 phút, ngày 15/3/2019, Trường Tiểu học Nhã Lộng tổ chức cho học sinh toàn trường uống sữa theo kế hoạch số 233/KH-SGĐT ngày 19/2/2019 của Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên triển khai chương trình (sữa đậu nành học đường Vinasoy), năm học 2018 - 2019. Sau khi uống sữa khoảng 15 phút, một số học sinh có biểu hiện như đau đầu, buồn nôn…”.

Kế hoạch sữa đậu nành học đường Vinasoy của Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Thái Nguyên triển khai, đối tượng được áp dụng là học sinh tại các trường Tiểu học ở 3 huyện Đại Từ, Phú Bình và Thị xã Phổ Yên với khoảng 45 nghìn học sinh. Ảnh: Tùng Dương/Giaoduc.net.vn

Ông Ngô Tiến Sinh - Trưởng phòng Giáo dục huyện Phú Bình chia sẻ với phóng viên: “Trường Tiểu học Nhã Lộng tổ chức cho hơn 700 em học sinh của trường uống sữa Fami Vinasoy vào lúc 9h30 ngày 15/3/2019.

Sau khoảng 50 phút nhà trường thấy một số em có biểu hiện khó chịu, đau bụng, buồn nôn, đến khoảng 10h40 có 23 em học sinh ở lớp 4C và 4D có biểu hiện nặng hơn nên nhà trường đã đưa các em đến trạm y tế xã, sau đó đưa các em đến Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình cấp cứu.

Đến khoảng 17h30 cùng ngày tiếp tục có thêm 6 em vào nhập viện với các triệu chứng tương tự. Tổng cộng 29 cháu phải vào Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình cấp cứu vì nghi là bị ngộ độc sữa.

Sau khi sự việc xảy ra, Trưởng phòng Giáo dục huyện Phú Bình lập tức đã có chỉ đạo dừng ngay tất cả việc cho các cháu học sinh trong huyện Phú Bình sử dụng loại sữa này”.

Nhìn lại những vụ ngộ độc nghi do uống sữa ở trường trong vài năm trở lại đây, phụ huynh học sinh không khỏi lo lắng, băn khoăn về việc có nên tiếp tục cho con em mình tham gia chương trình Sữa học đường hay không. Cuối năm 2017, một vụ ngộ độc tập thể gồm 500 em học sinh trường Tiểu học Lái Hiếu, tỉnh Hậu Giang đã gây chấn động dư luận. 

Sau khi uống sữa ở trường, nhiều em có biểu hiện đau bụng, nôn ói phải đưa đến cấp cứu tại các trung tâm y tế. Vụ việc sau đó được cơ quan chức năng kết luận là ngộ độc sữa. Một vụ việc nghiêm trọng khác, 73 học sinh ở trường Tiểu học Phạm Văn Đồng và Trường Mầm non Phú Lộc (cùng đóng trên địa bàn xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, Tỉnh Đồng Nai) phải nhập viện khẩn cấp nghi ngộ độc thực phẩm sau khi uống sữa Nutifood trong chương trình "Sữa học đường" đang được áp dụng trên địa bàn tỉnh. 

Ngoài ra là những vụ ngộ độc nhỏ lẻ khác thỉnh thoảng được nhắc đến trên truyền thông, đã và đang đặt ra những dấu hỏi về nguồn gốc của sữa cũng như quy trình bảo quản sữa, cung cấp sữa còn hạn sử dụng cho học sinh liệu đã được đảm bảo hay chưa?

Đã có nhiều ý kiến bức xúc được nêu trên báo chí về chất lượng các sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc, xuất xứ được đưa vào trường học. Chẳng hạn như sữa mà các em được uống trong chương trình không phải từ nguồn sữa tươi tiệt trùng. Tình trạng sữa pha từ các sản phẩm sữa bột kém chất lượng tràn vào trường học đã từng xảy ra. 

Chẳng hạn, vụ việc 73 học sinh tiểu học, mầm non ở Đồng Nai bị ngộ độc sau khi uống sữa Nutifood, ngành Giáo dục của tỉnh đã phải chuyển từ nguồn sữa tiệt trùng sang sữa tươi để cung cấp cho các em nhỏ. Công ty pha chế sữa Nutifood đã bị xử phạt hành chính và phải trả tiền viện phí cho các em bị ngộ độc.

Trách nhiệm thuộc về ai, khi vẫn còn đâu đó những vụ ngộ độc với số lượng lớn trẻ nhỏ bị ảnh hưởng có nguyên nhân từ việc uống sữa chương trình Sữa học đường?

Thiết nghĩ, cần phải hết sức minh bạch chuyện đấu thầu sữa ở các địa phương. Việc hãng sữa nào trúng thầu, cam kết chất lượng ra sao cần phải được phổ biến rộng rãi đến cha mẹ các học sinh. Cần để các phụ huynh được tham gia vào công tác giám sát việc cấp sữa và uống sữa của con em ở trường, giúp họ yên tâm hơn. 

Nên định kỳ lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra tại các trường học bất kỳ. Khâu vận chuyển và lưu trữ sữa cũng không được xem nhẹ, vì đây là các yếu tố có thể tạo ra những biến đổi chất lượng sữa gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ nhỏ.

Một chương trình mang tính quốc gia, nhân văn, cần các giải pháp đồng bộ để thực hiện. Bởi một vụ ngộ độc sữa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng chục, hàng trăm em học sinh và hậu quả rất khó lường.